Quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mở ra những giá trị bị bỏ quên
(Thethaovanhoa.vn) - Từ không gian, hiện vật cho tới những lớp giá trị phi vật thể, có rất nhiều tiềm năng đang phần nào bị lãng quên ở cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và nhiều người trông đợi, bản quy hoạch bảo tồn và phát triển Di tích Quốc gia đặc biệt này sẽ mở ra những giá trị ấy.
Hiện, với trách nhiệm là chủ đầu tư của bản quy hoạch, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bắt đầu triển khai các bước đi cơ bản: chọn đối tác lập quy hoạch; lấy ý kiến các chuyên gia và cộng đồng dân cư tại chỗ, chuẩn bị hội thảo khoa học quốc tế…
Ưu tiên những hạng mục “nóng”
Theo thông tin từ Trung tâm, sẽ có nhiều hạng mục cấp thiết được ưu tiên nghiên cứu để xin triển khai ngay tại Văn Miếu trong thời gian chờ hoàn thành quy hoạch. Điển hình trong số đó là việc trùng tu một số kiến trúc đang xuống cấp như nhà Bái Đường, điện Đại Thành, Khuê Văn Các.
“Những hạng mục này cần trùng tu càng sớm càng tốt. Trong đó, Khuê Văn Các không đơn thuần chỉ là một công trình gắn với Văn Miếu.Từ năm 2012, ngôi lầu này đã được lựa chọn là biểu tượng văn hóa của Thủ đô”, ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Trung tâm cho biết. “Việc trùng tu một kiến trúc như vậy cần được tính toán để tìm ra phương án tối ưu nhất”.
Cũng theo ông Kiêu, trong thời gian tới, phía Trung tâm cũng sẽ sớm nghiên cứu phương án tôn tạo lại khu vực Hồ Văn, đồng thời kết nối không gian này với khu nội tự để thu hút du khách. Dự kiến, tới năm 2020,một cây cầu nối ra gò Kim Châu giữa Hồ Văn sẽ được xây mới, kèm theo đó là việc phục dựng Phương Đình (tương truyền là ngôi đình để các sĩ tử xưa bình thơ văn) .
Cần nhắc lại, trong những ý kiến tham vấn về quy hoạch Văn Miếu từng có, việc kết nối giữa khu nội tự hiện tại và phần không gian hồ Văn nhiều lần được đặt ra. Hiện, 2 không gian này đang bị chia cắt bởi luồng giao thông khá nhiều xe trên trục phố Quốc Tử Giám nên khách bộ hành ít khi bước sang Hồ Văn sau khi tham quan khu nội tự.
Trong hàng loạt giải pháp từng được nhắc tới như làm cầu bộ hành, xây hầm ngầm xuyên đường Quốc Tử Giám, phương án tư vấn của các chuyên gia Pháp thuộc dự án IMV (một dự án hỗ trợ phát triển đô thị Hà Nội vào năm 2016) được xem là có tính khả thi và thực tế nhất. Theo đó, để giúp du khách thuận tiện qua đường, một cột đèn giao thông với thời lượng dừng xe khoảng 30 giây được đề xuất lắp đặt tại ngã ba Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Phần vỉa hè và lòng đường sẽ được thiết kế với màu sắc riêng để vừa tạo ấn tượng, vừa dễ nhận biết với du khách.
Thực tế, nếu kết nối tốt, khu vực Hồ Văn chắc chắn sẽ bớt cảnh… đìu hiu như hiện tại và trở thành cứu cánh cho phần nội tự vốn đang bị quá tải.
Đi tìm “phần hồn”
Cũng theo tư vấn của nhiều chuyên gia, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện vẫn được giới thiệu với du khách quốc tế như “trường Đại học” đầu tiên của Việt Nam. Vậy nhưng tới đây, ngoài phần kiến trúc hiện có, du khách lại không có nhiều cơ hội để tìm hiểu sâu về những nghi thức, sinh hoạt, lề thói.. của khoa cử khi xưa – một lĩnh vực văn hóa rất hấp dẫn và đậm chất phương Đông.
Bởi vậy, đã có không ít đề xuất: phía Văn Miếu nên xây dựng một bảo tàng đủ tiêu chuẩn về vấn đề này. Trong trường hợp quá hạn chế về diện tích hiện có, Bảo tàng có thể được đặt ngầm dưới đất, tích hợp cùng bãi đỗ xe ngầm.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất từ phía Bộ Xây dựng, việc triển khai các công trình ngầm này nên được cân nhắc rất kĩ vì có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống kiến trúc hiện có, cùng như phần cây xanh hiếm hoi tại khu vực vườn Giám.
“Thật ra, làm bảo tàng ngầm rất tốn kém, và lại vô tình “đóng khung” nội dung trưng bày trong một không gian kín. Tôi nghĩ, sẽ hợp lý hơn rất nhiều, nếu tìm được phương án tận dụng không gian lịch sử có sẵn tại Văn Miếu để tổ chức trưng bày”, PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận xét. “Xa hơn, về lâu dài, chắc chắn chúng ta phải tái dựng lại không gian khoa cử ngày xưa, với lễ xướng danh, ra đề thi chọn trạng nguyên hoặc cảnh lều chõng của sĩ tử. Đó là phần hồn của Văn Miếu để du khách trải nghiệm, hoặc tìm hiểu về những câu chuyện lý thú này”.
Cần nói thêm, ý tưởng phục dựng cảnh khoa cử tại Văn Miếu cũng đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang gặp nhiều vướng mắc – mà trước mắt là việc tư liệu, hình ảnh về cảnh khoa cử vắt qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… còn đang hạn chế.
“Song song với việc thu thập thêm tư liệu, chúng tôi cũng tính tới việc sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ thuyết minh, thậm chí tái hiện một phần hình ảnh khoa cử khi xưa bằng không gian thực tế ảo để phục vụ du khách.Đây là cách làm phổ biến tại các bảo tàng lớn trên thế giới”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm. “Từ hơn một năm qua, tại 14 điểm trong Văn Miếu chúng tôi đã tổ chức hệ thống thuyết minh tự động qua tai nghe không dây bằng 8 thứ tiếng khác nhau và nhận được phản hồi rất tích cực.”
Nên mở rộng vùng không gian ảnh hưởng Không chỉ bó hẹp trong phạm vi hiện có, nhiều ý kiến cũng đề nghị dần quy hoạch các trục phố quanh Văn Miếu thành không gian đi bộ,phố sách, bán hàng lưu niệm và tổ chức dịch vụ cho du khách. Theo ông Lê Xuân Kiêu, đây là ý tưởng rất hấp dẫn nhưng khá phức tạp nên cần được nghiên cứu về lộ trình thực hiện. |
Sơn Tùng