Quy định về ngoại ngữ, tin học phù hợp với từng vị trí việc làm
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 2/12, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, việc này nằm trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, cụ thể là thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông. Trong chương trình đào tạo của giáo viên đã tuân theo quy chuẩn quốc gia, có yêu cầu về tin học, ngoại ngữ. Với giáo viên đang giảng dạy, Bộ sẽ đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành sửa đổi thông tư này. Thông tư đã được thẩm định và theo kế hoạch sẽ được ban hành trong tháng 12/2020. Như vậy, tháng 2/2021, văn bản này sẽ có hiệu lực.
Đối với bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học với từng trường hợp. Trước đây, Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức không quy định cụ thể trường hợp nào được miễn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đến 2025-2030 có quy định tỷ lệ phần trăm đối với từng loại cán bộ phải làm việc được trong môi trường quốc tế. “Với vị trí việc làm nào cần phải có ngoại ngữ, tin học trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được quy định rất cụ thể trong vị trí việc làm từng công việc cụ thể”, ông Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.
- Họp báo Chính phủ thường kỳ: Sẽ tiếp tục xác minh làm rõ vụ nghi hối lộ của Công ty Tenma Việt Nam
- Họp báo Chính phủ: Hàng hóa nhập khẩu có hình ảnh đường lưỡi bò là sự việc nghiêm trọng
- Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Bác bỏ thông tin Sabeco thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Hai nghị định này đã quy định cơ cấu, kết cấu của vị trí việc làm, trong đó có việc mô tả công việc ra sao, xác định khung năng lực thế nào, quy định về ngoại ngữ, tin học… cho phù hợp với từng vị trí việc làm.
Trên tinh thần các Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành rà soát về mã số, tiêu chuẩn chức danh để điều chỉnh cho phù hợp.
Chu Thanh Vân/TTXVN