Quỹ bình ổn xăng dầu có phát huy vai trò bình ổn giá?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo về dự án Luật Giá (sửa đổi), theo đó đề nghị đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quỹ bình ổn xăng dầu đã không còn thể hiện được chức năng bình ổn giá trong bối cảnh hiện nay và nên chăng, có thể dần thực hiện cơ chế thị trường với xăng dầu và bỏ quỹ bình ổn giá với mặt hàng này.
Hiện nay, Quỹ bình ổn xăng dầu đang hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sử dụng quỹ sau qua giá. Các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc này không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Cùng đó, Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Nguyên tắc này hiện không đảm bảo được tính bình ổn và chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, nhiều năm qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã thực hiện rất đúng vai trò của mình ở vị trí là một van điều tiết giá. Khi giá xăng dầu lên xuống ở biên độ thấp, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp kiềm chế giá không tăng ở mức quá cao.
Do xăng dầu là mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa nên việc kiềm chế giá xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong kiềm chế CPI, đặc biệt trong thời điểm CPI có khả năng tăng cao trong thời gian Tết.
Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là vô lý.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, đã đến lúc quỹ này cần được loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát.
“Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng nên chuyển Quỹ bình ổn xăng dầu sang dự trữ xăng dầu quốc gia. Vì Quỹ bình ổn xăng dầu dù có hiệu quả tương đối tốt, song nếu giá xăng dầu lên cao quá, như thời điểm năm 2022 là có khi đạt mức 32.000 đồng/lít xăng, thì Quỹ bình ổn giá không có nhiều tác dụng. Trong khi đó, nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu từ 3 – 6 tháng thì sẽ có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn khi có biến động mạnh như năm 2022 vừa qua”.
Cũng theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh hiện nay, việc không có quỹ thì giá xăng dầu trong nước thậm chí còn ổn định hơn là có quỹ. Tính theo phương sai, theo độ lệch chuẩn, tức là mức độ biến thiên của giá xăng dầu trong nước khi mà không có quỹ và có quỹ cho thấy, khi có quỹ mức độ bất ổn và biến động còn cao hơn khi giả sử không có quỹ dựa trên dữ liệu công bố hàng kỳ của Bộ Công Thương về việc trích lập hay chi quỹ bao nhiêu; bóc tách phần giữ quỹ ra thì thấy rằng giá trong nước mà khi không có quỹ thì nó ổn định hơn là khi có quỹ. Do vậy, mục tiêu cao nhất của quỹ là bình ổn giá là không làm được và làm không hiệu quả.
Chuyên gia Phạm Thế Anh nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá hoạt động dựa theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau, do đó không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Nhà điều hành cũng không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai dẫn đến việc quỹ bình ổn đang gây bất ổn.
"Nếu tại kỳ điều hành đầu tiên, giá thế giới tăng, nhà điều hành xả quỹ để giữ giá trong nước không tăng mạnh. Nếu kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Nhưng nếu ở kỳ điều hành thứ hai mà giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhìn chung, nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng bị động, không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào để có quyết định trích lập hay xả quỹ đúng đắn", ông Phạm Thế Anh phân tích.
Thời gian qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Đại diện Hiệp hội này cho rằng, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đưa ra quy định rõ ràng việc sử dụng, tỉ lệ chi quỹ ra sao trong trường hợp giá cao, doanh nghiệp tăng giá bán.
Nhưng sửa đổi sau này, các quy định cụ thể trên không còn nữa, thay vào đó cơ quan quản lý quyết định mức chi, sử dụng của mỗi kỳ điều hành giá. Hiệp hội Xăng dầu đề xuất, đây là thời điểm tốt để ngành xăng dầu chuyển sang giai đoạn thị trường, khi đó không cần tồn tại của Quỹ bình ổn và hiệp hội đã nêu quan điểm này khi góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Bên cạnh góp ý nên xóa bỏ Quỹ bình ổn thì cũng có ý kiến tán thành và nêu về sự cần thiết duy trì bởi quỹ này. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, nếu vẫn muốn có công cụ can thiệp trong ngắn hạn thì quỹ vẫn là công cụ cần thiết. Từ trước đến nay, Quỹ vẫn hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo việc bình ổn giá trong ngắn hạn để giá xăng dầu không tăng hoặc giảm sốc. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong rổ hàng hoá tính CPI rất cao thì quỹ là cần thiết.
Về các kiến nghị hoàn toàn trả hết cho thị trường, bỏ quỹ, bỏ can thiệp ngắn hạn, ông Đông cho rằng, tất cả các phương án đều có có ưu nhược điểm, hiện các cơ quan chức năng đang bàn kỹ, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động để làm sao hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, ông Đông nhấn mạnh.
Khi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn... Tuy nhiên, hiện thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của nhà nước. Việc điều hành vẫn thông qua giá cơ sở, lượng xăng dầu dự trữ còn mỏng thì việc bỏ quỹ được nhiều ý kiến cho là chưa phù hợp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể dần bỏ được quỹ bình ổn xăng dầu nếu như thực hiện tốt các cơ chế cho thị trường, tăng lượng dự trữ xăng dầu trong nước...