Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tập trung vào các nội dung như mục tiêu đổi mới, chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, xã hội hóa công tác biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường, lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông…
Đa số đại biểu nhất trí cho rằng việc ban hành chương trình và sách giáo khoa mới là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân . Bên cạnh việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu , nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời , việc ban hành chương trình sẽ giúp học sinh trung học phổ thông có định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông và học tập suốt đời.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu băn khoăn về các nội dung của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trước thực trạng chương trình giáo dục hiện hành đang vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường, cũng như khả năng tiếp thu của học sinh, việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp đối với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục, với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập, các đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Xuân Trường( Hải Phòng) và đa số đại biểu n hất trí với quan điểm một chương trình giáo dục phổ thông thông nhất và nhiều bộ sách giáo khoa. Đại biểu Chu Lê Chinh cho rằng, cần ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh.
Vấn đề nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa, có nên để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn hay không… là mối băn khoăn của không ít đại biểu trong phiên thảo luận sáng nay.
Các đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) , Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu khác bày tỏ nhất trí với đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa khác nhằm đảm bảo sự chủ động về thời gian, công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học. Việc biên soạn song hành một bộ sách giáo khoa cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm đúng chức năng của mình là quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ cần đ ứng ra xây dựng chương trình chuẩn chứ không nên trực tiếp tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa như đề xuất.
Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới, các đại biểu đề nghị cần c ân nhắc dành thời gian phù hợp cho việc thực nghiệm chương trình mới một cách nghiêm túc trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro; cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục. Việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cần được cân nhắc cẩn trọng và tính toán hợp lý.
Các đại biểu cũng đề nghị Đề án cần quy định cụ thể, rõ ràng về các điều kiện cho cá nhân, tổ chức khi tham gia biên soạn sách giáo khoa; công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa… Đặc biệt, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần được đặt trong tổng thể các đề án khác nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vì vậy cần bổ sung các đề án liên quan như đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường để đề án có sức thuyết phục hơn.
Trước những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như bộ máy tổ chức nghiên cứu xây dựng chương trình sách giáo khoa. Các làm của ta hiện nay là huy động các nhà giáo, chuyên gia tham gia biên soạn chương trình sách giáo khoa. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Bộ đã cử các chuyên gia và cán bộ đi học về nghiên cứu chương trình sách giáo khoa để khi đủ điều kiện sẽ xin phép thành lập Viện nghiên cứu chương trình sách giáo khoa…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, biên soạn sách giáo khoa là công việc rất khó khăn, tỉ mỉ. Thực tế các lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia biên soạn chương trình sách giáo khoa không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học, thời gian tập trung cho việc viết sách rất dài và nhiều người không có điều kiện để tham gia; chế độ đãi ngộ những người tham ra viết sách cũng chưa thỏa đáng…
Bộ trưởng dự đoán, lần này lực lượng làm sách giáo khoa sẽ còn ít hơn vì làm sách theo cách mới, tiếp cận, phát triển năng lực chứ không làm theo các cũ là truyền thụ kiến thức. Sẽ có hai khả năng xảy ra, thứ nhất là sẽ có nhiều nhóm, tập thể tham gia biên soạn, với chất lượng tốt; khả năng thứ hai chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng được yêu cầu và có thể sẽ có những mảng sách không có ai tham gia viết.
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm của những lần làm sách cho thấy khả năng thứ 2 rất dễ xảy ra. Phương án Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra và đây là một tính toán thận trọng. Bộ trưởng Luận khẳng định không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong vấn đề này.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và thẩm định sách sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Bộ trưởng Luận khẳng định, Bộ chưa bao giờ trực tiếp biên soạn sách giáo khoa và sẽ không bao giờ trực tiếp biên soạn. Việc tổ chức chương trình, biên soạn sách giáo khoa là do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện nhân sự, tập huấn, bổ sung thông tin và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình biên soạn và thẩm định…
Việc thẩm định sách sẽ do một Hội đồng thẩm định Quốc gia gồm các thành viên am hiểu nhưng không tham gia vào việc viết sách do các cơ quan hữu quan giới thiệu. Danh sách này sẽ do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực thông qua, báo cáo Thủ tướng để quyết định thành lập Hội đồng. Đây là hội đồng độc lập, hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quốc gia đề ra quyết định cho phép lưu hành bộ sách đạt tiêu chuẩn.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ có nhiều biện pháp kỹ thuật để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Về tính khả thi của Đề án, Bộ trưởng cho biết, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bên cạnh đề án này có 18 đề án liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, có đề án về đội ngũ giáo viên…
TTXVN