Quốc gia duy nhất không có 'hộ nghèo': Top 1 BĐS đắt nhất thế giới, là 'thỏi nam châm' hút giới siêu giàu
Năm 2021, giá mỗi mét vuông bất động sản ở Monaco có thể lên tới 60.114 USD, là thị trường có giá nhà ở đắt nhất thế giới.
Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới, nằm trên vùng duyên hải nước Pháp. Ở đất nước xinh đẹp này, người ta không theo dõi tỷ lệ nghèo đói.
Trong văn bản thống kê tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia trên thế giới của CIA World Factbook, phần dân số sống dưới mức nghèo của Monaco được liệt kê là "không xác định". Theo đại diện của cơ quan Thống kê Monaco, nguyên nhân một phần là do đất nước này không có thuế thu nhập nên không có cách nào đo lường được thu nhập của người dân. Tuy nhiên, các nhà kinh tế địa phương chia sẻ với Business Insider rằng, về cơ bản, Monaco giàu có đến mức không có "hộ nghèo" nào được ghi nhận.
Ước tính, một phần ba cư dân Monaco là triệu phú, GDP bình quân đầu người là 165.420 USD, cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Luxembourg. Đất nước có diện tích nhỏ hơn Công viên Trung tâm của Thành phố New York này cũng tổ chức các sự kiện hoành tráng thường niên, chẳng hạn như Triển lãm Du thuyền Monaco và Giải Grand Prix Monaco.
Damyana Bakardzhieva, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc tế Monaco, chia sẻ với Business Insider rằng Monaco không có tiêu chuẩn về nghèo đói như các quốc gia khác. Bakardzhieva nhận định, nếu sử dụng định nghĩa của Pháp (ngôn ngữ chính thức của nước này là tiếng Pháp) về nghèo đói, nghĩa là có thu nhập dưới khoảng 1.000 Euro (khoảng 24 triệu đồng) mỗi tháng, thì Monaco sẽ có tỷ lệ nghèo là 0%.
Bassem Kamar, một giáo sư kinh tế khác tại Đại học Quốc tế Monaco và từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng khẳng định rằng "không có công dân Monaco nào sống dưới mức nghèo đói".
Việc quốc gia này không có hộ nghèo có thể bắt nguồn từ sự hợp lưu của nhiều yếu tố
Trong số 38.300 cư dân của Monaco, chỉ có 9.326 là người Monégasque bản địa, phần còn lại là cư dân nước ngoài đến từ những nơi như Pháp, Ý, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Nga và Mỹ.
Với diện tích chưa đầy 2km vuông, nhà đất ở Monaco rất khan hiếm và đắt đỏ. Giá cho một bất động sản trung bình vào năm 2017 là 5,2 triệu USD. Năm 2021, giá mỗi mét vuông bất động sản ở quốc gia này có thể lên tới 60.114 USD. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn bất động sản quốc tế Savills, Monaco là thị trường có giá nhà ở đắt nhất thế giới. Vì thế, một người sống dưới mức thu nhập trung bình sẽ rất khó có đủ khả năng để xin cư trú tại Monaco. Chính sách không đánh thuế thu nhập cá nhân cũng là lý do thu hút những cư dân quốc tế giàu có đến Monaco.
Bên cạnh đó, hơn 300 ngày nắng mỗi năm và khí hậu ôn hòa cũng là điều kiện hấp dẫn góp phần vào quyết định đến Monaco để sinh sống của nhiều người. Chưa hết, Monaco còn cung cấp các chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ, bao gồm trợ cấp nhà ở và hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Các chuyên gia kinh tế cho biết những lợi ích này khiến Monaco nhỏ bé trở thành "thỏi nam châm" hút giới siêu giàu.
Ngoài ra, theo Hans Mühlbacher, một nhà nghiên cứu tại Đại học Monaco, nhiều người có mức lương thấp hơn đang làm việc ở Monaco thực ra không phải cư dân của nước này mà sinh sống ở các nước láng giềng như Pháp hoặc Ý.
Vậy, mảnh đất được mệnh danh là "sân chơi của các tỷ phú" này thực sự trông như thế nào?
Monte Carlo, khu vực hào nhoáng nhất của Monaco, có rất nhiều khách sạn năm sao, xe hơi sang trọng, cửa hàng thời trang cao cấp và Sòng bạc Monte-Carlo nổi tiếng. Những chiếc xe hạng sang không phải là thứ hiếm lạ trên đường phố Monaco. Những chiếc túi xách sang chảnh hiệu Chanel, Louis Vuitton hay Goyard là thứ hầu như phụ nữ nào ở Monaco cũng đeo trên tay.
Các khách sạn ở đây cũng có giá rất cao, thậm chí lên tới hàng chục nghìn USD mỗi đêm. Phòng Princess Grace ở Hotel de Paris có giá 43.000 USD mỗi đêm. Trong khi đó ở thành phố lân cận Nice, Pháp, cách Monaco khoảng 20 phút đi tàu, giá thuê một căn hộ dạng studio chỉ ở mức gần 400 USD cho 4 đêm, hoặc dưới 100 USD một đêm.
Đường phố ở Monaco cũng sạch sẽ đến mức đáng kinh ngạc. Không có những "cơn lốc xoáy bụi rác" thường thấy ở những thành phố lớn vào những ngày gió, không có những người vô gia cư ngủ trên đường phố hoặc trong công viên. Sự nghèo đói hầu như không xuất hiện ở Monaco.
Ngoài ra an ninh tại quốc gia này còn nghiêm ngặt đến mức được gọi là "nơidặm vuông an toàn nhất ở châu Âu". Monaco cũng là nơi có mật độ cảnh sát trên đầu người cao nhất châu Âu hiện nay. Về cơ bản, cứ mỗi 100 cư dân sẽ được phụ trách bởi sĩ quan cảnh sát và hệ thống giám sát video hoạt động 24 giờ trên toàn thành phố. Các sĩ quan cảnh sát ở khắp mọi nơi, chủ yếu là điều khiển giao thông hoặc chỉ đường cho khách du lịch. Còn các camera an ninh xuất hiện ở mọi ngóc ngách và mọi lối vào khách sạn, cửa hàng hoặc nhà hàng.
Theo trang web du lịch Monte Carlo, quy tắc do Hoàng tử Rainier của Monaco đưa ra vô cùng rõ ràng: "Monaco phải có an ninh tuyệt đối". Đường phố Monaco cũng tràn ngập những người ăn mặc sành điệu đến từ khắp nơi trên thế giới. Người mang giọng Mỹ, giọng Anh, những người nói tiếng Pháp, Ý và Nga hoà vào dòng người trên phố.
Hầu hết các khu mua sắm ở Monaco đều hướng đến phục vụ cho các phú ông, phú bà. Chẳng hạn, Métropole Shopping Monte-Carlo, một trung tâm mua sắm cao cấp dưới lòng đất với 80 cửa hàng thời trang cao cấp, cách sòng bạc nổi tiếng vài bước chân. Và ở một hướng khác là các cửa hàng xa xỉ như Cartier, Celine, Prada và Balenciaga. Những cửa hàng bình dân duy nhất được bắt gặp ở Monte Carlo là của Zara và Nike.
Những ngày cuối tháng 9 hàng năm, Monaco còn tổ chức Triển lãm du thuyền Monaco hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn người trong ngành du thuyền, có cả người mua, khách hàng thuê tàu cũng như khách du lịch đến tham dự. Tổng trị giá các du thuyền được trưng bày lên đến hơn vài tỷ USD.
Mặc dù tỷ lệ 0% nghèo đói này không phải là tất cả vẻ đẹp của Monaco, nhưng vẫn là một điều đặc biệt, khiến Monaco khác với những nơi còn lại trên toàn cầu.
Bé hơn cả một tỉnh của Việt Nam, đây là cách Qatar “nhét” được cả một kỳ World Cup vào đất nước nhỏ bé của mình