'Quấy rối nơi công sở' ở Hàn Quốc tăng 50%: Từ nhân viên văn phòng, nghệ sĩ tới vận động viên, ai cũng có thể trở thành 'con mồi'
Công sở có thể là môi trường hấp dẫn, là nơi bạn tìm được niềm vui đồng nghiệp trong cuộc sống. Nhưng ở Hàn Quốc, phụ nữ lại sợ hãi khi đi làm bởi nạn quấy rối tình dục chưa bao giờ được khắc phục.
Ngày 8/2/2023 vừa qua, Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Hàn Quốc đã công bố số liệu về tình trạng quấy rối nơi làm việc tại đất nước này. Theo đó, số vụ việc liên quan trong năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó, Korea Bizwire đưa tin.
Được biết, khi trở lại văn phòng sau đại dịch, nhiều nhân viên văn phòng ở xứ kim chi đối diện nỗi lo sợ trước văn hóa công sở độc hại, với sự sống lại của những cuộc nhậu sau giờ làm - thường được gọi là "hoesik".
Nhưng "hoesik" chưa phải là tất cả. Việc trở lại văn phòng còn là nỗi ám ảnh với nhiều người trong bối cảnh bữa trưa ngày càng đắt đỏ và nạn chèn ép, quấy rối cấp dưới (gapjil) gia tăng.
Nhức nhối vì nạn quấy rối tình dục
Ngày 22/8/2022, truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin, Sở cảnh sát Incheon (Hàn Quốc) đã mở cuộc điều tra giám đốc điều hành (CEO) của một công ty giải trí. Theo cáo buộc, CEO của công ty giải trí liên tục có hành vi ép buộc các nữ thực tập sinh gửi ảnh nội y vào với lý do kiểm tra cơ thể.
Cảnh sát cho biết đã nhận đơn khiếu nại từ tháng 6/2022 và bắt tay điều tra. Họ đã tiến hành kiểm tra văn phòng của CEO trên để thu thập dữ liệu trên máy tính và điện thoại của người này từ tháng 7 vừa rồi. Trước cáo buộc trên, CEO của công ty giải trí thừa nhận hành vi yêu cầu nữ thực tập sinh gửi ảnh nội y.
Tuy nhiên, người này cho biết, yêu cầu này được thực hiện dựa trên sự đồng ý của các nữ thực tập sinh. Người này cũng giải thích, yêu cầu của anh là một trong những phương pháp giúp các thực tập sinh ra mắt công chúng nhanh hơn.
Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, việc này đã trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội và truyền thông Hàn Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành vi quấy rối đáng bị lên án và tẩy chay. Một số ý kiến tin rằng, đây cũng là "phần nổi của một tảng băng chìm", mặt tối vốn bị che đậy của làng giải trí.
Cũng trong năm 2022, cái chết của Choi Sook Hyun, một vận động viên ba môn phối hợp của đội tuyển thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, đã làm bùng lên làn sóng giận dữ trong xã hội Hàn Quốc. Cô Choi đã tự vẫn sau khi nộp đơn khiếu nại về tình trạng bạo hành và lạm dụng mà cô phải chịu từ huấn luyện viên và bác sĩ.
Gia đình Choi cho biết, cô cảm thấy thất vọng và tức giận vì nhận thấy quá trình điều tra không tiến triển. Nhiều đồng nghiệp của Choi từ chối ra làm chứng. Đoạn băng ghi âm mà Choi để lại cho thấy cô bị đánh đập nhiều lần, bị bạo hành tinh thần bằng lời nói và bị quấy rối bởi huấn luyện viên, bác sĩ cùng các tiền bối.
Đầu năm 2019, Shim Suk Hee, vận động viên trượt băng nổi tiếng từng giành 4 huy chương Olympic, tố cáo huấn luyện viên cũ lạm dụng, thậm chí cưỡng bức cô khi cô mới 17 tuổi.
Những con số biết nói
Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, tổng cộng có 18.118 trường hợp tranh chấp lao động được báo cáo vào năm 2022 cho tổ chức có nhiệm vụ chủ yếu là hòa giải các tranh chấp quản lý lao động. Trong đó, 16.027 vụ việc đã được kết luận.
Trong tất cả vụ việc đã kết thúc, có 13.528 vụ liên quan đến "tranh chấp lao động cá nhân", tăng 5,8% so với năm trước đó. Có 2.499 vụ việc liên quan đến "tranh chấp tập thể", giảm 17,4%.
Ủy ban giải thích: "Số các vụ tranh chấp lao động cá nhân đang gia tăng khi nhận thức của người lao động về các quyền của họ tiếp tục được mở rộng".
Phần lớn tranh chấp lao động cá nhân (13.142 vụ) được giải quyết bằng cách sa thải, đình chỉ, thuyên chuyển, cắt giảm lương và các biện pháp trừng phạt thiếu công bằng khác.
Số vụ sa thải liên quan đến "quấy rối tại nơi làm việc" lên tới 240 trường hợp vào năm ngoái. Con số này đã tăng vọt 54,8% so với số vụ năm trước đó.
Các trường hợp quấy rối tại nơi làm việc không đủ điều kiện để khắc phục trực tiếp tại Ủy ban. Một số người sử dụng lao động không trừng phạt thủ phạm một cách công bằng, mặc dù hành vi quấy rối đã được báo cáo.
Chương trình mới nhằm chống nạn quấy rối và phân biệt đối xử tại nơi làm việc được giới thiệu tại Ủy ban đã giúp số lượng yêu cầu khắc phục hậu quả tăng lên. Tổng cộng có 139 trường hợp bị xử lý về phân biệt đối xử vào năm ngoái, tăng 13,9% so với năm trước.
Theo cuộc khảo sát của Embrain Public, được thực hiện từ ngày 10 đến 16/6/2022 trên 1.000 nhân viên văn phòng từ 19 tuổi trở lên, 29,6% cho biết họ trải qua một số hình thức quấy rối tại nơi làm việc, bao gồm lạm dụng, bắt nạt bằng lời nói hoặc thể chất.
Trong số này, 39,5% đánh giá mức độ bị lạm dụng là "nghiêm trọng"; 11,5% có ý định tự tử; 67,6% không dám phản kháng trong khi 25,3% khiếu nại và 23,6% bỏ việc.
Ngoài ra, 34,2% nhân viên trong ngành dịch vụ nói rằng họ đã bị quấy rối tại công ty. Trước đó, vào tháng 3 con số này là 22,1%. Các cuộc khảo sát cho thấy lao động nữ dễ bị tổn thương hơn so với nam giới, lao động hợp đồng bị lạm dụng nhiều hơn nhân viên chính thức.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra, 67,6% những người bị quấy rối không biết phản kháng mà chọn cách im lặng, trong khi 25,3% khiếu nại và 23,6% bỏ việc. Những người bị quấy rối chọn cách im lặng vì lo sợ không cải thiện được tình hình và bị trả thù.
Gần đây, hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước nhằm đòi quyền lợi và bảo vệ các nạn nhân. Trong đó, phong trào #MeToo đã làm thay đổi suy nghĩ của các nạn nhân tình dục. Họ trở nên dũng cảm và bản lĩnh hơn bởi họ hiểu rằng, những kẻ tấn công mới đáng xấu hổ chứ không phải các nạn nhân.
Nhà đầu tư đại tài 98 tuổi tiết lộ : Muốn giàu phải 'che giấu' 1 thứ và 'hạ thấp' 1 điều, càng khoe ra càng dễ thất bại