Quảng Ninh khánh thành công trình lưu niệm Bác Hồ thăm đảo Tuần Châu
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/4, tại đảo Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khánh thành công trình lưu niệm Bác Hồ ra thăm đảo và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Công trình lưu niệm Bác Hồ ra thăm đảo Tuần Châu xây dựng tại vị trí Bác Hồ đặt chân lên Đảo từ tàu Hải quân nhân dân Việt Nam (còn gọi là Bến Nam), nay thuộc Khu du lịch quốc tế Tuần Châu. Công trình xây dựng trên diện tích 2.600m2, do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư xây dựng, gồm các hạng mục: Quảng trường, nhà bia và bia đá ghi thời gian Bác đến thăm đảo Tuần Châu năm 1959. Công trình xây dựng cạnh khu di tích Bác Hồ, là nơi để du khách khi thăm quan vịnh Hạ Long qua Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu ghé thăm, tưởng nhớ Bác.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, thực hiện lời dạy của Bác, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Đến nay, đảo Tuần Châu có những bước phát triển, thực sự trở thành “Ngọc Châu” như lời Bác căn dặn. Hạ tầng du lịch trên đảo đầu tư cơ bản đồng bộ, hiện đại; phát triển khu du lịch và nghỉ dưỡng Quốc tế cao cấp; đời sống người dân được nâng lên.
Năm 2018 tổng sản lượng thuỷ sản trên 124.000 tấn, gấp 4,9 lần so với năm 2000, đóng góp 53,5% giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 62.000 lao động. Cơ cấu sản lượng thủy sản chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 26% năm 2000 lên hơn 46% năm 2018. Các sản phẩm thủy sản Quảng Ninh có chất lượng cao, an toàn. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo và thực hiện đồng bộ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do dó, đời sống ngư dân ngày càng càng được cải thiện, nhiều người dân giàu lên từ nghề thủy sản.
Nhân dịp này, các đại biểu tiến hành thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là các loại cá, tôm với tổng số gần 7,8 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ. Các con giống đều được kiểm tra, sàng lọc đảm bảo sống khỏe trong môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động thường niên được Quảng Ninh triển khai, có ý nghĩa trong tái tạo nguồn lợi, nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh huy động các cấp, ngành, lực lượng chức năng quyết tâm ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản, các hình thức khai thác thủy sản bằng các hình thức tận thu, tận diệt... Nhân dịp này, Tập đoàn Tuần Châu đưa sân đáp máy bay trực thăng vào khai thác, phục vụ du khách thăm quan Vịnh Hạ Long bằng trực thăng.
Trước đó, tối 31/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản 1/4 (1959 - 2019). Tỉnh Quảng Ninh có 250 km đường bờ biển, ngư trường rộng lớn, thủy sản là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp. Quảng Ninh đưa khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào lĩnh vực thủy sản; xác định các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực gắn với quy hoạch, hình thành vùng nuôi trồng tập trung; thực hiện mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế để chuyển dịch sang nghề cá hiện đại, hội nhập, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển theo hướng bền vững.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản tại Quảng Ninh đạt trung bình từ 6-8%/năm; đội tàu khai thác thủy sản xa bờ tăng 2,6 lần so với năm 2014. Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 ngành thủy sản có tổng sản lượng 130.000 tấn (khai thác 60.000 tấn, nuôi trồng 70.000 tấn); kinh tế thủy sản chiếm trên 3% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, đóng góp từ 60-65% GRDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm cho trên 62.000 lao động tiến tới hình thành các trung tâm nghề cá gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, chủ động sản xuất được giống đối tượng nuôi chủ lực.
Theo Báo Văn hóa