Quang Hải và những thách thức bị lãng quên
Quang Hải đang có những màn trình diễn ấn tượng ở V-League những vòng đấu gần đây. Anh vui, HLV Troussier vui và người hâm mộ Việt Nam có thêm sự lạc quan trước vòng loại World Cup. Chuyện Quang Hải "hồi sinh" thực ra không lạ, vì anh vẫn còn trẻ, phần đỉnh cao có thể còn chưa đến…
Hai cú vuốt bóng sống, trước khi đưa bóng vào lưới Hà Tĩnh, được Quang Hải thực hiện gần như đạt "tiêu chuẩn" như nhau. Sút bóng như vậy đã khó, thực hiện 2 lần liên tiếp chỉ trong vòng mấy giây chắc chắn còn khó hơn, và sút theo cùng một "tiêu chuẩn" như vậy thì chỉ có người đã tìm lại bản năng chơi bóng mới có thể làm được. Tóm lại, Quang Hải đã thực sự trở lại.
Nhưng cũng cần phải nhắc một chi tiết: Ngay ở V-League mà Quang Hải phải mất gần cả năm trời mới tìm lại được cảm giác chơi bóng đỉnh cao. Tất nhiên là lúc mới về thì Hải vẫn chơi ổn so với yêu cầu, nhưng đó không phải là điều mà người ta chờ đợi ở một người có thể định đoạt trận đấu bằng khoảnh khắc cá nhân. Hệ quả của việc không được chơi bóng thường xuyên thật khủng khiếp. Nó khiến việc từ chơi tốt đến chơi xuất sắc trở thành khoảng cách diệu vợi. Hãy tưởng tượng, ở Việt Nam mà Quang Hải mất gần cả năm trời được đá chính thì nếu ra nước ngoài, mọi thứ còn khó, hay thậm chí là bất khả thi đến đâu.
Vậy mà hiếm có cầu thủ Việt Nam nào ra nước ngoài lại có thời gian ở nước sở tại một cách lâu dài. Người thì 9 tháng, kẻ mới 6 tháng là đã thối lui. Trường hợp của Công Phượng thậm chí còn tệ hơn, anh từng chơi bóng ở Nhật Bản, vậy mà khi trở lại, vẫn cứ không thể hòa nhập nổi. Nếu chúng ta vẫn tin rằng chất lượng của cầu thủ Việt Nam không tệ, thì có lẽ nguyên nhân lớn nhất của việc thất bại khi xuất ngoại có lẽ nằm ở chỗ chúng ta không có một lộ trình cụ thể.
Tiền vệ Endo, người từng là đồng đội của Công Phượng tại CLB Sint-Truiden (Bỉ), từng nói: "Bạn không cần phải là một tài năng đặc biệt, cũng không cần phải quá trẻ mới có thể chơi bóng ở châu Âu. Điều bạn cần là một kế hoạch và theo đuổi nó bằng tất cả những gì mình có".
Endo khởi đi từ J-League 2, lên J-League 1 rồi sang Bỉ, đến với giải hạng Hai của Đức theo dạng cho mượn để rồi sau đó chơi bóng ở Bundesliga và Ngoại hạng Anh. Mọi thứ không phải tình cờ.
Cầu thủ Việt xuất ngoại, lo nhất vẫn là ngoại ngữ và sự khác biệt văn hóa, thường chúng ta lấy đó làm nguyên nhân để giải thích về sự thất bại. Lo thì lo như vậy, nhưng khi chọn điểm đến lại cứ phải là những nơi rất khó khăn trong khâu hòa nhập. Đi kèm đó là áp lực thành công sớm, là sự nôn nóng được ra sân, và khi quỹ thời gian vẫn chưa hết thì lại quay về Việt Nam hoặc chuyển sang nơi khác.
Như đã thấy từ trường hợp của Quang Hải, ngay việc quay về với V-League cũng không phải là chuyện đơn giản để thành công ngay lập tức. Quang Hải là một cầu thủ có khát vọng, tài năng có sẵn và còn trẻ. Những gì mà anh đang nỗ lực để tìm lại mình ở V-League chắc chắn cũng là các phẩm chất mà anh từng cố gắng tại Ligue 2 trong màu áo của Pau FC. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng từ việc lúc rời Hà Nội FC, anh đã đi một con đường không có những kế hoạch hợp lý?
Đây đương nhiên không phải là chuyện của riêng Quang Hải. Trong quãng thời gian sang Pháp rồi trở về, Hải đã tham gia đội tuyển tại AFF Cup 2022, rồi vòng loại World Cup và Asian Cup 2023. Nghĩa là đội tuyển đã không thể có một Quang Hải xuất sắc như đã có.
Tất nhiên, không thể nói rằng việc đội tuyển không có thành tích như ý ở các sự kiện nói trên là do Quang Hải không xuất sắc, nhưng chúng ta cũng có thể nói ngược lại, nếu như Hải không sa sút phong độ cũng như không mất cảm giác bóng thì mọi thứ có thể tốt hơn không?!
Vì vậy, việc xuất ngoại của cầu thủ, cho dù đó là lựa chọn cá nhân thì cũng cần có những tham vấn thiết thực từ các nhà quản lý. Hay đúng hơn, cần có những kế hoạch đúng đắn cho tham vọng này.
Bởi một lẽ đơn giản, bóng đá Việt Nam muốn phát triển hơn thì chuyện có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là không thể khác được. Không nên xem đó chỉ là việc cá nhân, mà phải nhìn nhận điều đó ở góc độ chiến lược, đặc biệt là ở thời điểm này khi ước vọng xuất ngoại gần như đã mờ nhạt.