Quang Hải và chuyện chấp nhận thử thách
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội gặp Viettel đã là trận đấu cuối cùng của Quang Hải tại V-League dù rằng điểm đến mới của tiền vệ này chưa được xác định, chỉ biết chắc Quang Hải không còn ở Việt Nam.
Tương lai của Quang Hải và danh tính đội bóng mới mà Quang Hải chọn đầu quân sau khi kết thúc hợp đồng với CLB Hà Nội trở thành “chủ đề nóng” suốt những tuần qua. Báo chí, dư luận đồng loạt quan tâm chuyện hợp đồng của Quang Hải âu cũng là chuyện dễ hiểu vì đây là một cái tên “hot”, cầu thủ ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại.
Việc HLV Park Hang Seo đưa Quang Hải vào “tầm ngắm” cho 1 trong 3 cái tên trên 23 tuổi bổ sung vào đội hình tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam suy cho cùng cũng là vì khả năng chuyên môn và tầm ảnh hưởng của cầu thủ này lên lối chơi của đội tuyển quốc gia và giờ là U23 Việt Nam mà ông đang xây dựng.
Bỏ qua một bên những chuyện đó hay sự úp mở thường xuyên của người đại diện Quang Hải về CLB mới mà tiền vệ này thi đấu sau CLB Hà Nội, trước tiên, chúng ta cần phải ủng hộ lựa chọn của Quang Hải.
Cho dù đó là Paris FC, một đội bóng nào khác ở châu Âu hay là tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc thì việc quyết định không ở lại V-League, không tái ký hợp đồng với CLB Hà Nội đã là một sự dấn thân, sẵn sàng chấp nhận thử thách và tự cho phép mình vượt ra khỏi vùng an toàn, kiểm tra giới hạn của bản thân.
Trường hợp của Quang Hải khá giống với thủ môn Đặng Văn Lâm khi rời CLB Hải Phòng sang Thai League thi đấu cho Muangthong United và giờ là Cerezo Osaka tại J-League 1. Khi ấy, cũng giống như Quang Hải bây giờ, Văn Lâm nếu tiếp tục ở lại V-League thay vì ra nước ngoài thì từ tên tuổi, tiền bạc, danh tiếng đều có đủ, ở mức đủ khiến nhiều đồng nghiệp mơ ước.
Nhưng, Văn Lâm muốn đưa bản thân mình ra khỏi vùng an toàn của con đường sự nghiệp, vì với Lâm trước kia hay chính Quang Hải hiện giờ, tiền bạc không phải là mục tiêu duy nhất mà họ muốn hướng đến và chinh phục.
Văn Lâm vẫn đang khó khăn trong việc tìm chỗ đứng ở CLB Cerezo Osaka tại J-League 1 vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Quang Hải, như tuyên bố của chính cầu thủ này, anh không sợ thất bại khi chọn ra nước ngoài thi đấu.
Đó là những tư tưởng cần được ủng hộ vì có những người như thế, trong tương lai bóng đá Việt Nam mới có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, điều đó cũng đồng nghĩa với vị thế của cả nền bóng đá tăng lên, cơ hội tiếp cận tấm vé tham dự World Cup sẽ trở nên nhiều hơn thay vì chỉ hài lòng với việc lọt vào đến vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup và thi đấu ngang ngửa với các đối thủ hàng đầu châu Á.
Ở khía cạnh cá nhân, Quang Hải chọn ra nước ngoài thi đấu cũng chính là thử thách bản thân, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi.
Không phải chỉ ra sân thi đấu mới là học hỏi mà chỉ riêng việc tập luyện với các đồng đội có trình độ cao, tiếp thu những bài tập chuyên nghiệp từ các HLV đẳng cấp, học cách quản lý thời gian sinh hoạt, tập luyện, chế độ dinh dưỡng, việc hồi phục như thế nào sau mỗi buổi tập hay từng trận đấu… bấy nhiêu đó thôi cũng là quá đủ, là cái giá xứng đáng được trả cho việc rời xa khỏi vùng an toàn trong sự nghiệp với bất cứ cầu thủ nào.
Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh trước kia và sau này là Văn Lâm rồi Quang Hải, phải có những người sẵn sàng mạo hiểm và dấn thân như thế thì trong tương lai, bóng đá Việt Nam mới có ngày càng nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài.
Điều đó không chỉ giúp bản thân từng cầu thủ phát triển năng lực chuyên môn, xây dựng hình ảnh cá nhân tốt đẹp mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả nền bóng đá, nâng tầm chất lượng của đội tuyển quốc gia.
Tự tin, chấp nhận mạo hiểm và dám dấn thân như trường hợp của Văn Lâm và Quang Hải không phải câu chuyện sai hay đúng.
Lâm Chi