Quảng bá LHP Châu Á Đà Nẵng và môi trường làm phim ở 4 tỉnh, thành Việt Nam tại Hàn Quốc
Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Busan lần thứ 29 (BIFF, tổ chức từ 2 - 11/10 tại BuSan, Hàn Quốc), Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp UBND các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, các nhà sản xuất, đạo diễn... tổ chức hội thảo "Giới thiệu LHP Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) và môi trường làm phim ở một số tỉnh thành Việt Nam".
Dự hội thảo có bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch VFDA, nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh; ông Vũ Hồ - đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; ông Park Kwang Su - Chủ tịch LHP Busan; ông Kim Hong Joon - Viện trưởng Viện Phim Hàn Quốc; ông Kim Dong Ho - nhà sáng lập, nguyên Chủ tịch LHP Busan; bà Ellen Y.D Kim - Giám đốc Chợ phim LHP Busan, các lãnh đạo và đại diện các nhà đầu tư, các công ty sản xuất phim, đạo diễn, chuyên gia quốc tế ngành công nghiệp điện ảnh tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội thảo TS Ngô Phương Lan cho biết: VFDA được thành lập năm 2019 với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của điện ảnh Việt Nam bằng cách tư vấn, đề xuất, xây dựng chính sách điện ảnh. Hiệp hội nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng môi trường cho ngành điện ảnh trong nước đồng thời từng bước hội nhập sâu hơn trên trường quốc tế.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 15-16% (trước đại dịch Covid-19), đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà sản xuất phim từ khắp nơi Châu Á và thế giới. Trong những năm gần đây, VFDA đã nỗ lực hỗ trợ các tỉnh và các địa phương trong việc nhận thức tầm quan trọng và tiềm năng của ngành công nghiệp điện ảnh, bên cạnh phát triển văn hóa, du lịch. Nổi bật nhất là VFDA đã hợp tác cùng UBND TP.Đà Nẵng tổ chức LHP DANAFF từ năm 2023.
Theo bà Ngô Phương Lan, thành công của VFDA là đã xây dựng được bộ chỉ số thu hút đoàn phim PAI (Production Attraction Index), khuyến khích các địa phương tự đánh giá theo các tiêu chí PAI. PAI sẽ giúp các địa phương từng bước hiểu được những nhu cầu cụ thể của một đoàn phim, đồng thời là cầu nối hữu ích khi tạo ra những điều kiện cơ bản thuận lợi để thu hút quay phim tại địa phương.
"Với vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và di sản lịch sử văn hóa phong phú như tỉnh, thành Ninh Bình, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, trở thành một địa điểm quay phim đặc biệt hấp dẫn không chỉ đối với trong nước mà còn cho các tác phẩm quốc tế", Chủ tịch VFDA giới thiệu tại hội thảo.
Bà Ngô Phương Lan nói thêm, VFDA sẽ hỗ trợ các nhà làm phim quốc tế trong việc thực hiện nhiệm vụ một cách suôn sẻ và hiệu quả, bao gồm tìm kiếm, hợp tác với các đối tác Việt Nam, xin giấy phép, đảm bảo địa điểm quay phim và xử lý các vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất tại Việt Nam, mở rộng mạng lưới trong tương lai.
"Điện ảnh không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Thông qua phim ảnh, việc quảng bá du lịch tích hợp hiệu quả và nhanh chóng truyền tải tới khán giả toàn cầu. Là một cây cầu giữa các nhà làm phim và các nhà hoạch định chính sách, giữa các quốc gia trong nước và quốc tế cộng đồng điện ảnh, VFDA đang nỗ lực hết mình vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, với mong muốn thu hút nhiều tác phẩm điện ảnh quốc tế uy tín hơn về Việt Nam. Điều này sẽ không chỉ góp phần quảng bá văn hóa và điện ảnh dân tộc mà còn thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam khoe đất nước xinh đẹp với thế giới", Chủ tịch VFDA nhấn mạnh.
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành đã giới thiệu những điểm sáng, khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, môi trường làm phim ở Việt Nam, trong đó có 4 địa phương chọn lọc là Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng và Phú Yên nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung, LHP DANAFF nói riêng. Đồng thời, qua buổi hội thảo, Việt Nam hi vọng sẽ đón các nhà sản xuất, các đạo diễn, nhà làm phim đến Việt Nam với các dự án làm phim thú vị của Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Hong Joon đánh giá, nền điện ảnh Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, VFDA đã tổ chức DANAFF rất thành công và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Ông tin rằng trước những cảnh đẹp của các tỉnh thành sẽ thu hút các nhà làm phim trẻ, nhà sản xuất Hàn Quốc. Ông Kim Hong Joon ví dụ TP. Đà Nẵng có biển đẹp, thời tiết tuyệt vời nên ông tin nơi đây sẽ rất phù hợp để chọn bối cảnh phim.
Đạo diễn Trinh Hoan cho biết, sau khi được nghe các địa phương giới thiệu về các cảnh đẹp của địa phương bản thân rất vui, trước đây khi quay phim ở TP. Đà Nẵng rất được hỗ trợ. Qua hội thảo, đạo diễn Trinh Hoan muốn hỏi về chính sách hỗ trợ mới của địa phương có hổ trợ chi phí như khách sạn, ăn, ở.... để đoàn làm phim có thể có kinh phí đưa đoàn phim về địa phương thực hiện bộ phim của mình không?
Trả lời câu hỏi này của đạo diễn Trinh Hoan, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết, hiện nay Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hút các đoàn làm phim, nhà sản xuất lớn chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính thông qua miễn phí vé vào cửa các di tích, danh lam thắng cảnh, ưu đãi, giảm giá dịch vụ lưu trú, ẩm thực cho các đoàn làm phim, hỗ trợ quảng bá trên các kênh thông tin của thành phố… Ngoài ra, dự án xây dựng phim trường đã Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục dự án tại Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2050.
Qua hội thảo, các công ty, nhà làm phim Việt Nam mong muốn có cơ hội hợp tác với các công ty Hàn Quốc để phát hành phim tại Hàn Quốc và thị trường thế giới.
Các chuyên gia về điện ảnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao vị thế cho nền điện ảnh Việt Nam cũng như đưa ra các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy ngành công nghiệp phim của Việt Nam tiến xa hơn nữa.