Quan sát hành vi, đoán con bị xâm hại
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Th.s Tâm lý học, Nguyễn Thị Mai Hương, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một đứa trẻ khi bị lạm dụng, xâm hại tình dục sẽ bộc lộ nỗi đau qua các chỉ số là: chỉ số hành vi, nhận thức, thể chất và tình cảm.
Theo đó, ở những đứa trẻ bị lạm dụng, xâm hại hành vi và ngôn ngữ lời nói của chúng có thể không phù hợp với lứa tuổi. Khi chơi cùng trẻ khác hoặc với búp bê, động vật, trẻ có thể có những trò chơi mang tính tình dục không phù hợp. Thậm chí, trẻ còn có biểu hiện thủ dâm. Những biểu hiện đái dầm, ị đùn cũng có thể xảy ra do bất ổn về tâm lý. Một số trẻ khác còn có cách xử sự kỳ lạ như: mút ngón tay, chửi tục…
Trên thực tế, khi đã có ý thức, nhiều trẻ bị lạm dụng thường mất lòng tin, sợ người lạ, tự ti, mất tập trung vào việc học, thậm chí là muốn tự sát… Có những trẻ còn gặp ác mộng lặp đi lặp lại, thần kinh luôn căng thẳng, lúc nào cũng cáu kỉnh, giận giữ, u buồn, lo lắng và hay giật mình.
Về mặt thể chất, nhiều trẻ bị đau rát ở cơ quan sinh dục, bị viêm nhiễm hoặc trầy xước vùng kín. Ngoài ra, nếu thấy kinh nguyệt của con tự nhiên biến mất, bạn cũng nên để ý bởi đó có thể là dấu hiệu của mang thai.
Hậu lạm dụng: Không nên tỏ ra quá bảo vệ trẻ
Giống như người lớn, hầu hết những hành vi “bất bình thường” trên của trẻ sẽ mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng “thời gian chết” này, bố mẹ và người thân trong gia đình cần tăng cường giao tiếp với trẻ. Với những trẻ nhỏ, bố mẹ cũng nên nói cho con biết điều gì đang diễn ra, tất nhiên là không cần chi tiết, để trẻ không bị tiếp tục lạm dụng.
Khi trẻ có dấu hiệu hoảng sợ, hãy khẳng định lại cho con biết mình đang được an toàn và được chăm sóc. Trong quá trình phục hồi, hãy cho phép trẻ bộc lộ những tình cảm của mình (kể cả khóc lóc, la hét…) vì điều này thực sự hữu ích trong giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, trẻ cần được khuyến kích tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để có thể nhanh chóng hòa nhập với thế giới xung quanh.
“Nói một cách công bằng, không nên tỏ ra quá bảo vệ đối với trẻ sau sự việc đau buồn. Hầu hết trẻ em sẽ thích ứng và vượt qua những khủng hoảng với tình yêu thương và sự hỗ trợ (vừa đủ và đúng cách) của gia đình hay người chăm sóc và bạn bè” - Ths. Mai Hương nói.
- 3/4 số trẻ bị xâm hại tình dục không nói cho bất kỳ ai và nhiều người trong số họ giữ bí mật đó cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Những kẻ xâm hại tình dục nhiều khả năng là người chúng ta biết, thậm chí có thể là người chúng ta quý mến. - 8/10 đứa trẻ bị xâm hại tình dục biết thủ phạm là ai. Đó là người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, người trông trẻ – nhiều người giữ những vị trí cao trong xã hội. Mối quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân càng gần gũi thì họ càng ít nói về điều đó. |