Quản lý vỉa hè Hà Nội: Cần tránh bệnh hình thức
Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, vỉa hè đã không thể đi bộ mà bị chiếm dụng làm chỗ kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe… Thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân để giữ vỉa hè; tuy nhiên sau đó, các vi phạm lại tái diễn.
Trong lần giành lại vỉa hè vừa được thành phố phát động, người dân Thủ đô mong muốn, các cơ quan vào cuộc thực chất, không hình thức, đùn đẩy trách nhiệm, để đem lại hiệu quả thiết thực.
Chuyển biến chậm
Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023. Các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra toàn diện trên toàn địa bàn; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để răn đe.
Ban Chỉ đạo đề nghị, các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Trên tinh thần này, các địa phương đã tiến hành xử lý vi phạm chiếm dụng vỉa hè làm mục đích riêng.
Quận Hoàn Kiếm có nhiều tuyến phố nhỏ, hẹp nhưng một số đoạn vỉa hè lại bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán từ nhiều năm nay. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 197 quận đặt mục tiêu loại bỏ tư tưởng, hình thức, nể nang, đùn đẩy, né trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong việc xử lý vi phạm trật tự đô thị; xử lý vi phạm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Trên tinh thần này, các lực lượng chức năng, chính quyền 18 phường của quận đang tích cực vào cuộc giành lại vỉa hè.
Ngày 23/2, Đội cảnh sát 113 Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Công an các phường Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo kiểm tra vỉa hè tại các tuyến đường Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Gia Thiều. Tại nút giao đường Phan Chu Trinh với Hai Bà Trưng, lực lượng chức năng đã phát hiện điểm trông giữ xe trên hè phố Phan Chu Trinh sử dụng diện tích trông giữ xe vượt quá giới hạn cấp phép, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và lập biên bản xử phạt hành chính với vi phạm trên.
Tại tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn vỉa hè cạnh quán ăn Vinh Thu), phát hiện nhiều xe máy để trên vỉa hè, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở sắp xếp, đưa xe vào khu vực riêng để không ảnh hưởng đến hè phố. Tại tuyến phố Nguyễn Gia Thiều nhỏ hẹp nhưng chủ quán cafe (tại số 6) đã kê bàn ghế ra tận lòng đường cho khách ngồi. Công an phường Trần Hưng Đạo đã lập biên bản hành chính, xử phạt chủ quán 2,5 triệu đồng.
Theo Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát 113 (Công an quận Hoàn Kiếm), việc xử lý vi phạm vỉa hè đã được lực lượng Công an quận và Công an 18 phường trên địa bàn xử lý quyết liệt. Công an quận đã xây dựng phương án riêng để phối hợp với các địa phương tuần tra khép kín địa bàn để phát hiện và xử lý vi phạm. Trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, Công an toàn quận đã xử phạt 1.118 trường hợp, thu ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng.
Trung tá Dương Bảo Thạch cho biết, thực tế trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều vi phạm. Nguyên nhân do lực lượng chức năng mỏng, không đủ nhân lực chốt chặn liên tục tại một số khu vực. Vì vậy, vi phạm có thể tái diễn. Quận Hoàn Kiếm là “trái tim” của thành phố nên lượng người đến tham quan, làm việc, ăn uống, giải trí… rất lớn. Nơi đây còn có tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm nên nguy cơ vi phạm vỉa hè rất thường trực.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Nhiều con phố khác của các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy…, vỉa hè cũng đang bị chiếm dụng làm nơi ăn uống, trông giữ xe, bán hàng. Trung tá Vũ Mạnh Hải, Trưởng Công an phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) cho biết, ý thức một số người dân trong chấp hành các quy định văn minh đô thị (như: không chiếm dụng vỉa hè, đỗ xe không đúng nơi quy định…) còn chuyển biến chậm. Mặc dù đã ký cam kết (Không đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè; không lấn chiếm lòng đường vỉa hè; cửa hàng ăn uống giữ vệ sinh môi trường…) nhưng một số hộ kinh doanh vẫn vi phạm.
Để từng bước chấn chỉnh văn minh đô thị, nhất là việc lấn chiếm vỉa hè, Công an phường đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cán bộ cơ sở khu dân cư cùng vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân, hộ kinh doanh chấp hành các quy định về trật tự giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; đồng thời, sơn kẻ vạch, sắp xếp lại các cửa hàng kinh doanh tại phố Hàng Lược, Gầm Cầu, Hàng Cót, Phùng Hưng. Các hộ không thực hiện sẽ bị cưỡng chế, xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, Ban Chỉ đạo 197 của quận đưa nội dung quản lý trật tự đô thị vào hoạt động theo dõi, kiểm tra hàng tuần đối với các đơn vị liên quan. Trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận về công tác giải quyết các điểm vi phạm lớn, phức tạp về trật tự đô thị. Quận sẽ đánh giá, chấm điểm thi đua đối với Công an 18 phường. Đối với Ủy ban nhân dân các phường, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo căn cứ vào thực tế địa phương, phân công nhiệm vụ xử lý trật tự đô thị cụ thể, rõ người, rõ việc tới từng lãnh đạo, viên chức. Công tác chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, quyết liệt với tinh thần quyết tâm đưa xây dựng quận là điểm sáng về văn minh đô thị.
Hiện có một số quận, huyện, các địa phương đều xây dựng phương án chi tiết, cụ thể để thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố. Nhưng hình ảnh của lòng đường, vỉa hè và các không gian công cộng, được cải thiện như thế nào trong thời gian tới đây mới chính là thước đo đánh giá kết quả sự vào cuộc của lực lượng chức năng thành phố trong việc giành lại vỉa hè, tránh bệnh hình thức.