Qua MV, Beyonce đang tạo nên một thế hệ tín đồ nghệ thuật mới, lấp đầy các phòng trưng bày
(Thethaovanhoa.vn) – Cái gì dính tới người nổi tiếng, cái đó đắt khách. Đây là bài học rút ra sau khảo sát về những tác phẩm nghệ thuật đình đám nhất thế giới trong năm bội thu vừa qua.
Ở Paris, đó là Beyonce và Jay-Z; ở Washington, là Barack và Michelle Obama; trong khi đó, ở London, khách xếp hàng dài để xem nàng thơ khiêu dâm của Pablo Picasso hay những tác phẩm rực sắc hè của Grayson Perry.
Năm ngoái, nhờ hào quang của người nổi tiếng, các bảo tàng và phòng trưng bày bỗng trở nên rất quyến rũ với du khách.
Khảo sát quốc tế thường niên về Những tác phẩm nghệ thuật phổ biến nhất của tờ The Art, phát hành cuối tuần này, xác nhận rằng công chúng tò mò nhất về những tác phẩm mà họ đã biết trước đó. Nó cũng tiết lộ rằng Tate Modern đã đánh bật Bảo tàng Anh, lần đầu sau chín năm, khỏi vị trí bảo tàng được quan tâm nhất. Thành công này chủ yếu nhờ triển lãm được đánh giá cao, Picasso 1932: Love, Fame, Tragedy.
Hiệu ứng tương tự cũng thấy rõ ở bảo tàng Louvre, nơi xuất hiện trong MV Apeshit của Beyonce và Jay-Z. Tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, cặp chân dung nổi bật của vợ chồng Obama đã thu hút hàng triệu khách tới thăm.
Ngoài ra, phòng trưng bày Bankside cũng nhảy vọt lên vị trí thứ 5 trên thế giới, thu hút 4,9 triệu khách vào năm 2018. V&A cũng thu hút đám đông kỷ lục, hơn 178.000 người so với năm ngoái, tất cả là nhờ tập trung vào những gương mặt, cái tên quen thuộc.
Du khách cũng đổ xô về Frida Kahlo: Making Her Self Up, một chương trình cháy vé về nghệ sĩ người Mexico tài hoa; cũng như chương trình về Winnie the Pooh hay về nhà thiết kế lừng danh người Tây Ban Nha Balenciaga.
Tương tự, ngôi sao làng gốm Grayson Perry đã giúp Triển lãm Mùa hè của Viện Nghệ thuật Hoàng gia có được năm thành công chưa từng có. Phòng trưng bày Piccadilly cũng có kỷ lục 1,6 triệu khách nhờ trưng bày bộ sự tập tranh các họa sĩ bậc thầy của Charles I.
Tại New York, Bảo tàng Metropolitan đã thu hút được gần 1,7 triệu khách tham quan nhờ Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imaginations, một chương trình táo bạo pha trộn giữa nghệ thuật tôn giáo với thời trang cao cấp và triển lãm Michelangelo: Divine Draftsman and Designer.
Thời trang đang ngày một thu hút. Chương trình V&A về nhà thiết kế Mary Quant đã rất thành công sau triển lãm về Dior.
Hồi cuối tháng Tư, Bảo tàng Thiết kế ở London đã kỷ niệm 20 năm ngày mất Stanley Kubrick. Triển lãm có nhiều phòng, mỗi phòng có chủ đề xoay quanh phim của ông, bao gồm Barry Lyndon, 2001: A Space Odyssey, Full Metal Jacket, A Clockwork Orange, The Shining, Paths of Glory, Spartacus, Lolita, Eyes Wide Shut, và Dr Strangelove. Khách vào triễn lãm trên một tấm thảm giống như trong The Shining.
Chương trình mới Tate Britain về thời gian Van Gogh ở Anh, và triển lãm ở Bảo tàng Anh về Edvard Munch, mang đến cho khách tham quan cái nhìn về tâm lý hỗn loạn của các nghệ sĩ lừng danh, cũng rất đắt khách.
Giả Bình (Theo Guardian)