Premier League tái xuất, nên mừng hay lo?
(Thethaovanhoa.vn) - Dễ dàng nhận thấy không khí phấn khởi khi Premier League công bố kế hoạch tái xuất vào ngày 17/6 tới. Nhưng đằng sau sự phấn khởi kia có ẩn chứa những mối lo hay hiểm họa vô hình nào đó?
1. Ai đó ở Anh có thể cảm thấy không hài lòng khi hạng đấu cao nhất nước Anh trở lại giữa lúc đại dịch Covid-19 đã lấy đi mạng sống của hàng vạn người tại xứ sương mù.
Nhưng những người yêu mến bóng đá chẳng bận tâm với lý lẽ kia. Thứ họ sắp được hưởng trong tháng Sáu này là 92 trận đấu còn lại diễn ra trong khoảng 6 tuần bắt đầu từ giữa tháng được phát sóng toàn bộ và thậm chí không mất phí nào. Bóng đá sắp sửa tái xuất tại Anh, sau khi tất cả chứng kiến những suôn sẻ và háo hức khi Bundesliga trở lại với trạng thái “bình thường mới”.
Sự trở lại của bóng đá chỉ là một phần trong việc khôi phục các hoạt động thể thao tại Anh. Sau khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố những môn thể thao phổ biến ở xứ sương mù được phép trở lại từ hôm nay, các giải billards snooker và đua ngựa sẽ lập tức diễn ra. Ngoài bóng đá, những môn thể thao khác như golf, bóng bầu dục và cricket sẽ trở lại vào tháng Tám tới. Không phải ngẫu nhiên mà Premier League tỏ rõ quyết tâm thi đấu nốt những vòng đấu cuối cùng của mùa này.
2. Sẽ thật thú vị khi chứng kiến sự trở lại của những ngôi sao Premier League. Làm sao ngừng được phấn khích mỗi lúc Sadio Mane đi bóng qua cả rừng hậu vệ đối phương hay những đường chuyền như có phép thuật trong chân của Kevin De Bruyne. Ý tưởng phát sóng các trận đấu rộng rãi và miễn phí trên các hệ thống truyền hình tại Anh là một bước tiến trong hoàn cảnh những bất bình đẳng ở Premier League sẽ lộ rõ khi hạng đấu cao nhất nước Anh tái xuất.
Tất nhiên, quá trình để sự phấn khích kia tiến gần tới hiện thực không hề bằng phẳng chút nào. Chi phí bỏ ra cho những bộ xét nghiệm hay các thiết bị y tế sử dụng một lần khác không hề rẻ chút nào. Thống kê mới nhất cho thấy Premier League đã tiến hành 2.752 lượt xét nghiệm, nhiều hơn số lượng xét nghiệm cả nước Anh tiến hành trong hai tuần đầu tiên xứ sở sương mù công bố đại dịch Covid-19.
Nỗi lo lắng lớn nhất của ban tổ chức Premier League không nằm ở nguy cơ phát hiện ra những trường hợp dương tính trong số các cầu thủ hay thành viên ban huấn luyện của 20 CLB. Nó nằm ở việc các trận đấu tại hạng đấu cao nhất nước Anh trở lại trong bối cảnh cả đất nước vẫn đang gồng mình trước nguy cơ làn sóng thứ hai của virus corona có thể trở lại bất cứ lúc nào.
3. Premier League trở lại như một sự cứu rỗi cho bóng đá Anh, khi nhiều giải đấu bóng đá chuyên nghiệp khác không thể có một kế hoạch tái xuất. Hạng đấu cao nhất nước Anh dành cho các nữ cầu thủ (Women Super League) buộc phải kết thúc sớm mùa này. Tương tự là trường hợp của các hạng đấu nghiệp dư, và nhiều khả năng sẽ đến lượt giải hạng Nhì (League One) và hạng Ba (League Two) cũng chịu chung số phận.
Sẽ có rất nhiều điều đáng chờ đợi, chẳng hạn kịch bản Liverpool giải cơn khát Premier League kéo dài 30 năm trên một sân bóng vắng người ra sao hay lợi thế sân nhà liệu có mất đi khi khán giả không được phép hiện diện trên các sân bóng. Chưa bao giờ bóng đá Anh giống như một mặt hàng đại hạ giá như lúc này. Sự trở lại của Premier League như một phần trong quá trình bình thường mới cuộc sống tại xứ sương mù sau đại dịch Covid-19.
Linh Sam