Phương pháp dạy con của người mẹ đơn thân, có con gái là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu và ‘nắm hầu bao’ cho Bill Gates: ‘Kê đúng thuốc, trị đúng bệnh’
Chỉ bản thân bà thôi cũng đã là một ngôi trường tuyệt vời. Mỗi khi con gái "ốm đau", bà đều có "thuốc", và bà cũng rất giỏi trong việc "kê đúng thuốc".
"Con gái, nếu con trưởng thành rồi thì tốt biết mấy. Mẹ có rất nhiều điều muốn nói, muốn thảo luận với con." Một bà mẹ trẻ không ngừng cãi vã với chồng tâm sự với cô con gái nhỏ 12 tuổi của mình.
Không ngờ, cô con gái 12 tuổi dứt khoát nói: "Mẹ, con biết mẹ không vui, mẹ nên ly hôn với bố, chúng ta sẽ sống cùng nhau!"
Người mẹ vô cùng bất ngờ khi nghe những lời cô con gái của mình nói ra, sau cùng, bà cắn răng, quyết định ly hôn.
Cô gái 12 tuổi thuyết phục mẹ ly hôn năm đó tên là Lý Nhất Nặc. Khi lớn lên, cô gái ấy trở thành người giúp Bill Gates "tiêu tiền", đồng thời được bầu là "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" vào năm 2016.
"Điều chúng tôi sợ là sống như những người bình thường!" Bạn cùng lớp đại học của Lý Nhất Nặc và đồng thời cũng là nhà khoa học, Nhan Ninh, hiểu người bạn thân nhất của mình theo cách này. Lý Nhất Nặc sau này quả nhiên đã trở thành người chiến thắng trong cuộc sống:
Năm 18 tuổi, cô được nhận thẳng vào Khoa Sinh học của Đại học Thanh Hoa; sau khi tốt nghiệp, cô vào Đại học California, Los Angeles với học bổng toàn phần; ở tuổi 28, cô vào làm việc tại McKinsey sau khi tốt nghiệp với bằng tiến sĩ.
Bốn năm sau, Lý Nhất Nặc trở thành trưởng đại diện Văn phòng đại diện tại Bắc Kinh của Quỹ Gates và trở thành người "tiêu tiền" cho Bill Gate, năm 2016, cô được bầu vào danh sách những "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu"...
Sự xuất sắc của Lý Nhất Nặc xuất phát từ chính cách nuôi dạy con gái của mẹ cô, bà Lý Liên Na. 3 câu chuyện ngắn dưới đây mong rằng có thể giúp chúng ta thấy được tầm rằng ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái lớn lao như thế nào:
01
Trên xe buýt, vì 3 nhân dân tệ (khoảng 10 ngàn đồng) mà phản kháng
Bà Lý Liên Na từng là phó giám đốc kiêm kỹ sư trưởng của một nhà máy hóa chất ở Tế Nam, Trung Quốc.
Vào đầu những năm 1990, bà đã nghỉ việc vì không thể quen với sự không công bằng trong nhà máy, bà mất lương, chỗ ở và cả địa vị trong xã hội.
Trong một thời gian dài, bà duy trì kế sinh nhai của hai mẹ con bằng nhiều công việc lặt vặt khác nhau, sống một cuộc sống rất tủi hổ.
Lý Nhất Nặc khi còn học trung học, đã từng rất bất mãn với mẹ mình vì "vị trí phó giám đốc tốt đẹp lại không làm, khăng khăng nghỉ việc để đi làm mấy công việc 'mất mặt' này."
Sau đó, khi Lý Nhất Nặc gặp phải sự cố "nổi loạn trên xe buýt", khi ấy, cô bắt đầu hiểu và công nhận "sự lựa chọn" mà mẹ cô kiên quyết ủng hộ và bảo vệ.
Năm 1998, Lý Nhất Nặc, khi ấy là sinh viên năm thứ hai, bắt chuyến xe buýt mini cuối cùng cùng với một số bạn học và cố vấn học tập.
Sau khi mọi người lên xe, tài xế bỗng nhiên thông báo giá vé tăng từ 2 tệ lên 5 tệ.
Lý Nhất Nặc và một cố vấn cảm thấy vô lý và khuyến khích các hành khách khác không đồng ý với việc tăng giá.
Tuy nhiên, hầu hết trong số hơn 20 hành khách đều đồng ý trả thêm tiền vé.
Cuối cùng, Lý Nhất Nặc, và những người đi cùng cô đã xuống xe và đi bộ trở lại trường.
"Câu chuyện đó chẳng thể so sánh được với những chiến thắng hào hùng, nhưng sau ngần ấy năm nhìn lại, chuyến đi bộ dài trở lại khuôn viên trường ngày hôm đó là một trong số ít những kỷ niệm sống động mà tôi có được trong 4 năm đại học!"
Câu chuyện này đã được Lý Nhất Nặc đề cập đến trong bài phát biểu tốt nghiệp đại học của mình tại Đại học Thanh Hoa năm 2016.
02
"Nên làm gì thì hãy làm cái đó, trời cũng chẳng thể sập xuống!"
Mẹ của Lý Nhất Nặc đúng chuẩn một "nữ cường nhân". Năm 16 tuổi, bà tự nguyện tới các vùng nông thôn theo một chính sách của Trung Quốc, sau này đỗ đại học, trước 40 tuổi làm kỹ sư trưởng kiêm phó giám đốc của nhà máy hóa chất với hơn 3.000 công nhân.
Cuộc sống sau ly hôn còn khó khăn hơn rất nhiều, nhưng chính những va đập trong cuộc sống đã hình thành nên tính cách mạnh mẽ và lạc quan của bà, và điều này cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đến Lý Nhất Nặc.
Hai câu nói cửa miệng của bà Lý Liên Na:
"Sự việc cũng đã như thế rồi, tìm cách đi."
"Nên làm gì thì hãy làm đi, trời cũng chẳng sập được xuống!"
Thái độ của người mẹ trước những khó khăn và thất bại cũng khiến Lý Nhất Nặc có một trái tim vô cùng kiên cường và rộng mở.
Khi mới đỗ Đại học Thanh Hoa, Lý Nhất Nặc cảm thấy việc học ở đây rất vất vả. Khoảnh khắc mẹ lên Bắc Kinh thăm, cô phàn nàn với mẹ rằng "áp lực học tập nhiều, lúc nào con cũng cảm thấy không thể làm xong hết việc".
Thấy dáng vẻ cau có của con gái, người mẹ nói: "Vứt hết đi con, vứt đi, mẹ con mình đi chơi, thả lỏng một tý."
Mẹ cô, người bình thường sống khá tằn tiện, đã mua trái kiwi, thứ được coi là xa xỉ vào thời điểm đó, với giá không rẻ ở cổng trường, hai mẹ con ngồi bên vệ đường ăn hết rồi sau đó đạp xe tới Thiên Đàn (một quần thể các tòa điện thờ ở nội thành phía Đông Nam của Bắc Kinh).
03
"Ngoài trời tuyết rơi dày, chúng ta có thể đốt lò sưởi trong nhà"
Từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, khi gặp phải vấn đề và cảm thấy bối rối, Lý Nhất Nặc luôn tìm được câu trả lời thỏa đáng từ mẹ mình.
Một lần, Lý Nhất Nặc buồn bã hỏi mẹ: "Những gì giáo viên nói trên lớp khác với những gì con thấy ngoài xã hội. Việc con người thay đổi xã hội giống như kiến gặm xương, rất lâu cũng không thể thấy được kết quả. Nhưng ngược lại, việc xã hội thay đổi con người, giống như dùng miếng xương để đập kiến vậy, đập một phát thôi có thể chết cả đàn."
Mẹ cô cười chỉ ra bên ngoài: "Con xem, bên ngoài tuyết rơi rồi, chúng ta có thể thay đổi không? Không được! Nhưng chúng ta có thể làm một cái lò sưởi nhỏ trong nhà. Không thể thay đổi hoàn cảnh lớn, nhưng chúng ta có thể tạo ra môi trường nhỏ. Con có thể làm những gì mà con có thể."
Lý Nhất Nặc vui vẻ hơn rất nhiều sau khi nghe xong câu trả lời của mẹ.
Năm 28 tuổi, Lý Nhất Nặc gia nhập McKinsey, khi ấy, cô chỉ là một nhân viên vô cùng bình thường và không có nền kiến thức kinh doanh, so với những sinh viên tốt nghiệp MBA được nhận vào công ty cùng thời điểm với mình, cô từ một "sinh viên thông minh và có năng lực" thành một người bên lề "cái gì cũng không nổi bật".
Trong cuộc họp, cô phát biểu một cách rụt rè, người khác nói gì cô không hiểu, ngày nào cũng lo lắng rằng mình sẽ bị sa thải, sự tự tin của cô trở về con số 0.
"Chuyện đã thế rồi, nghĩ cách đi!"
"Nên làm gì thì hãy làm, trời cũng chẳng thể sập xuống!"
Những lời dạy của mẹ đã hỗ trợ cô và khiến cô trở nên mạnh mẽ hơn. Sáu năm sau, cô trở thành đối tác toàn cầu với mức lương hàng năm đáng mơ ước nhờ thành tích xuất sắc của mình.
Bản thân Lý Nhất Nặc cũng không quên lập xã hội nhiều "lò sưởi nhỏ": Năm 2015, cô trở thành trưởng đại diện Văn phòng đại diện Bắc Kinh của Quỹ Gates với mức lương chỉ bằng 1/3 mức lương của mình ở công ty cũ, lãnh đạo nhân viên tham gia giải quyết các vấn đề xã hội lớn hơn.
Cô cũng đã thành lập "Trường học Yitu", với mong muốn dẫn dắt học viên sống theo trái tim của chính mình, không bị thế giới ngoài kia làm ảnh hưởng.
Bà Lý Liên Na thực sự là một người mẹ đáng để chúng ta học hỏi: chỉ bản thân bà thôi cũng đã là một ngôi trường tuyệt vời. Mỗi khi con gái "ốm đau", bà đều có "thuốc", và bà cũng rất giỏi trong việc "kê đúng thuốc".
Bà đã nuôi dạy Lý Nhất Nặc, người lớn lên trong một gia đình đơn thân, thành một "người phụ nữ tuyệt vời"; những nguyên tắc và kỹ năng đơn giản mà bà dạy con gái mình để giải quyết những điều không như ý muốn trong cuộc sống vừa rất đơn giản nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ.
Mẹ ăn vận lộng lẫy tới chúc mừng thất bại của con trai – một hành động nhỏ thay đổi cuộc đời nhà thiết kế lẫy lừng Hoa Kỳ