Phục dựng nhạc kịch 'Người tạc tượng' của nhạc sỹ Đỗ Nhuận
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) ngày 18/9 cho biết: Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (6/8/1959 - 6/8/2019), các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc từ ngày 5-7/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cụ thể, nhà hát diễn vở nhạc kịch Người tạc tượng của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận vào tối 5/10 và vũ kịch “Hồ thiên nga” vào tối 7/10.
Kể từ khi công bố lần đầu tiên vào năm 1975 cho đến nay đã 44 năm, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phục dựng trở lại và diễn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập. Đây là một nỗ lực rất cao của nhà hát khi quyết tâm dàn dựng và công diễn lại vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam.
Trong lần phục dựng và công diễn này quy tụ một ekip sáng tạo lớn gồm Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật; biên tập, đạo diễn âm nhạc và chỉ huy là nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam; đạo diễn sân khấu là Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực, họa sỹ Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Phong chịu trách nhiệm đạo diễn múa…
Vở nhạc kịch có sự tham gia trình diễn của các nghệ sỹ kỳ cựu như Nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Dũng vai Thạch Sơn, Tố Loan, Bùi Thị Trang trong vai H’ Nuôn - con gái già làng Aêpông… Nói về Người tạc tượng, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết: Nội dung xuyên suốt tác phẩm là tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào cuộc chiến.
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa I và II từ năm 1958 đến năm 1983, ông cũng là trong những nhạc sỹ tiên phong của âm nhạc cách mạng. Đỗ Nhuận cũng là nhạc sỹ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam được đào tạo bài bản ở Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1960-1962. Ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Những thể nghiệm đầu tiên của ông xuất hiện từ những nǎm 1950 là các ca kịch ngắn. Đỗ Nhuận là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch Cô Sao, rồi sau đó là Người tạc tượng và Nguyễn Trãi (1980).
Tên tuổi của Đỗ Nhuận cũng gắn với những ca khúc như Du kích sông Thao, Việt Nam quê hương tôi, Tôi thích thể thao, Em là thợ quét vôi, Đường bốn mùa xuân...
Nếu như Người tạc tượng là tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam thì vũ kịch “Hồ thiên nga” là một trong những kiệt tác nghệ thuật ở tầm thế giới. Hơn 30 năm qua, ballet Việt chưa thể trình diễn đầy đủ Hồ thiên nga mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc mời đoàn ballet Nga về trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với ballet Việt ưu tư, tìm mọi cách dựng tác phẩm tuyệt hảo này ở Việt Nam,
Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã nung nấu ý định đưa toàn bộ Hồ thiên nga lên sân khấu Việt. Bà chia sẻ: Việc dựng vở ballet Hồ thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo của ban lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Bởi lẽ việc này không chỉ đòi hỏi đầu tư kinh phí mà còn là sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sỹ với 60 nghệ người tham gia dàn nhạc, hơn 60 diễn viên múa. Thời gian tập luyện vở ballet này cũng kéo dài 6 tháng.
Hồ thiên nga phiên bản Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam về cơ bản vẫn được dựng theo trường phái Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Đặc biệt, phục trang của Hồ thiên nga do nhóm thiết kế EllieVu thực hiện sẽ mang đến cho vở diễn sự lộng lẫy của hoàng gia Nga cùng sự bí ấn đầy ma thuật của họa tiết hoa sen Việt trên trang phục của các diễn viên.
Thanh Giang/TTXVN