Phú Thọ: Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt Cổ
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ba ngày diễn ra chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt Cổ: Cội nguồn và khát vọng từ 15/11 - 17/11, lần đầu tiên tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ được trình diễn (vào chiều 16/11) trên các tuyến phố chính của thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ).
Đây là chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức, nhằm quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Thanh Thủy nói riêng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ.
Tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 5/11 tại Phú Thọ, ban tổ chức cho biết điểm nhấn độc đáo nhất của chương trình là trình diễn văn hóa dân gian đường phố "Cội nguồn và khát vọng" vào chiều 16/11 trên các tuyến phố chính của thị trấn Thanh Thủy.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Sở đã xem xét kỹ văn bản ngày 13/2/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về việc nghiêm cấm sử dụng những nghi thức tâm linh của hoạt động thờ Mẫu với mục đích du lịch. Vì vậy Sở đã chỉ đạo các đoàn tham gia tuyệt đối không thực hiện những nghi lễ có tính tâm linh như lên đồng.
- Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
- Lợi dụng Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ trục lợi, buôn thần bán thánh
- Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội: Đổi mới phù hợp với xã hội đương đại
Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Phú Thọ tổ chức một hoạt động tâm linh kết hợp hai tín ngưỡng thờ Mẫu đặc trưng của tỉnh (thờ Mẫu Âu Cơ và thờ Mẫu Đen - mẹ của Sơn Tinh) với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ.
Ông Nguyễn Duy Hiền, cựu giám đốc Trung tâm Festival Huế, cố vấn của ban tổ chức chia sẻ ba lý do để lựa chọn tổ chức sự kiện vào tháng 11.
Thứ nhất, 23/11 là ngày di sản Việt Nam. Thứ hai, lễ hội đền Mẫu Đen của Phú Thọ được tổ chức vào ngày 25/10 âm lịch, tức vào tháng 11 dương lịch. Cuối cùng là vào tháng này, những đặc sản nổi tiếng của tỉnh đạt chất lượng cao.
Tương truyền, xưa kia các Mẫu đã dạy nhân dân nhiều nghề để cuộc sống ấm no. Do đó việc tổ chức lễ hội tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu ngày hôm nay cũng phải đáp ứng sự thích ứng giữa bảo tồn và đảm bảo đời sống xã hội.
Dự kiến chương trình sẽ quy tụ 600 người đến từ 22 đoàn trình diễn. Người lớn tuổi nhất gần 80 tuổi, nhỏ tuổi nhất là các em học sinh đến từ những trường Trung học Cơ sở tại địa phương. Từ ngày 1/11 tất cả các đoàn trình diễn đã bắt đầu tập luyện để chuẩn bị cho chương trình.
Một số hoạt động khác của chương trình bao gồm trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu, hội làng Việt cổ. Những hoạt động của hội làng được tổ chức dựa trên những sinh hoạt được khắc trên trống đồng. Như vậy khách du lịch có cơ hội để hiểu về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ – tín ngưỡng ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động văn hóa của thời đại Hùng Vương.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, đại diện Ban tổ chức hy vọng hương trình này sẽ chuyển biến nhận thức của nhân dân rằng nông nghiệp, nếu biết cách khai thác cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch.
Chương trình diễn ra từ ngày 15/11 đến 17/11 tại Khu du lịch Đảo Ngọc xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố được tổ chức từ 16h, ngày 16/11 với ba chủ đề chính là Huyền thoại mẹ, Tín ngưỡng thờ Mẫu và Khát vọng hạnh phúc. Thứ tự của 22 đoàn trình diễn như sau: Chủ đề Huyền thoại mẹ: 1) Đoàn trống hội, 2) múa rồng múa lân, 3) đội cờ hội, 4) chiêng Mường, 5) biểu tượng quả bầu mẹ, 6) biểu tượng Mẫu Âu Cơ, 7) rước thần lúa, 8) Đức Thánh Mẫu Đình Thị Đen - mẹ của Thánh Tản Viên. Chủ đề Tín ngưỡng thờ Mẫu: 9) đoàn bát âm, 10) đoàn chấp kích bát bửu, 11) đoàn rước lễ vật mâm ngũ quả, 12) Mẫu Thượng Thiên, 13) Mẫu Thượng Ngàn, 14) Mẫu Thoải, 15) Mẫu Địa, 16) nhóm thanh đồng cung văn, 17) nhóm múa các nghề Mẫu dạy nhân dân. Chủ đề Khát vọng hạnh phúc: 18) trò diễn tứ dân chi nghiệp, 19) trình diễn nghệ thuật hát xoan, 20) trình diễn rước voi Đào Xá và kéo lửa thổi cơm, 21) múa chuông, 22) vật võ. |
Nguyễn Thành