Phụ huynh lo lắng khi idol K-pop trở thành đại sứ của các thương hiệu xa xỉ
Với việc các idol K-pop nổi tiếng trở thành đại sứ của các thương hiệu xa xỉ, các bậc cha mẹ Hàn Quốc đang bày tỏ sự lo lắng về tác động tiêu cực đến thói quen chi tiêu của con cái họ.
Vào ngày 30/1, hãng truyền thông Hàn Quốc Sports Seoul đã đăng một bài báo về mối quan tâm của các bậc cha mẹ Hàn Quốc khi thần tượng của con cái mình trở thành đại sứ của các thương hiệu xa xỉ. Theo các bậc cha mẹ này, người hâm mộ sẵn sàng vung tiền để mua những món đồ xa xỉ từ các thương hiệu Gucci, Louis Vuitton… do thần tượng của mình là đại sứ.
Đặc biệt, văn hóa đại chúng đang trỗi dậy đã thúc đẩy các thương hiệu quần áo và trang sức xa xỉ ký hợp đồng với các nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc nhằm tăng mức độ phổ biến và doanh thu của họ với giới trẻ. Chẳng hạn, ngôi sao Squid Game Jung Ho Yeon trở thành đại sứ cho Louis Vuitton và Bently từ năm 2022, trong khi các thành viên Blackpink tích cực quảng bá cho các thương hiệu như Chanel, Bvlgari, Cartier, Tiffany & Co., Dior, Saint Laurent và Celine trên Instagram của họ. Mới đây nhất, Jimin BTS cũng được công bố là đại sứ của Dior.
Ngay cả những nghệ sĩ tân binh, chẳng hạn như NewJeans, cũng đang hợp tác chặt chẽ với các thương hiệu cao cấp. Ví dụ, Hanni là đại sứ của Gucci, trong khi Hyein được công bố là đại sứ của Louis Vuitton khi mới 14 tuổi.
Vào tháng 1/2023, Danielle cũng trở thành đại sứ của Burberry.
Về tác động của việc các thần tượng K-pop xâm nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực thời trang, một người trong ngành cho biết: "Việc một số lượng lớn các ngôi sao K-pop được chọn làm đại sứ sang trọng là điều tích cực, nhưng một trong những kết quả đó là nó làm tăng giá những món hàng xa xỉ".
Vị quan chức này còn nói thêm việc các thần tượng tuổi teen trở thành đại sứ của các thương hiệu xa xỉ có thể gây ra những hậu quả nặng nề, ông chỉ ra rằng "việc các thành viên vẫn còn ở tuổi thiếu niên bắt đầu với các hoạt động đại sứ không chỉ ảnh hưởng đến chính họ mà còn cả những người hâm mộ trẻ tuổi đã coi họ là hình tượng muốn theo đuổi".
Chẳng hạn, Kim Young Shin, một người cha 44 tuổi lo lắng rằng con gái mình - là fan của NewJeans, thường năn nỉ ông mua những món đồ xa xỉ cho cô dù chỉ mới học cấp hai.
"Con gái tôi, một fan hâm mộ của Hyein NewJeans, đã xin tôi mua cho cháu một chiếc ví Louis Vuitton vì Hyein trở thành đại sứ của Louis Vuitton. Con bé cảm thấy rằng một người bạn ở độ tuổi của mình có nó, vì vậy cô ấy cũng nên mua một chiếc" -ông Kim nói với Sports Seoul.
Trên thực tế, Bloomberg News gần đây đã đưa tin rằng mức tiêu thụ hàng xa xỉ tính theo đầu người của Hàn Quốc là cao nhất thế giới. Bài báo có tiêu đề "Những người tiêu dùng hàng xa xỉ nhất thế giới là những người Hàn Quốc yêu nhãn mác". Trong đó, các yếu tố môi trường kích thích tiêu dùng hàng xa xỉ của giới trẻ Hàn Quốc bao gồm sự lan truyền của các phương tiện truyền thông xã hội như Instagram và hoạt động đại sứ của những người nổi tiếng bao gồm cả các ngôi sao K-pop đã tác động lên họ.
Việc chọn các ngôi sao tuổi teen K-pop làm đại sứ xa xỉ cũng là một yếu tố góp phần đẩy giá hàng xa xỉ lên cao.
Trong khi đó, CNBC cho biết trong năm 2022, tổng chi tiêu của người Hàn Quốc cho các mặt hàng xa xỉ cá nhân đã tăng 24% lên 16,8 tỷ USD. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi người Hàn Quốc chi 325 USD cho các mặt hàng xa xỉ – con số cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Mỹ, lần lượt ghi nhận mức trung bình là 55 USD và 280 USD/người.