Phóng viên trẻ, đừng chọn cho mình con đường dễ đi
(Thethaovanhoa.vn) - Một bình luận viên được nhiều người yêu mến có hộ khẩu ở Hà Nội - Nhà báo, BLV Vũ Quang Huy; Một cây viết thể thao xuất sắc ở phía Nam- Nhà báo Nguyễn Nguyên; Nhà báo Nguyễn Hữu Quý (Ngọc Hòa- Trưởng đại diện báo Thể thao và Văn hóa tại miền Trung), cuộc trao đổi giữa ba nhà báo đại diện 3 miền sẽ gợi mở một số góc nhìn thú vị về nghề báo thể thao.
“Hãy cứ yêu và làm tốt công việc của mình rồi những điều tốt đẹp sẽ đến
* Nhà báo Hữu Quý: Thưa nhà báo Nguyễn Nguyên. Cho đến thời điểm này, sau mười mấy năm làm nghề, nếu có sự lựa chọn, anh vẫn chọn nghề phóng viên thể thao chứ ạ?
- Nhà báo Nguyễn Nguyên: Năm 1989, khi được Ban Đào tạo phóng viên báo Tuổi Trẻ dẫn đến gặp Tổ trưởng Tổ thể thao - cố nhà báo Tường Vy, tôi ngạc nhiên lắm. Sau này, tôi mới hiểu đặc thù của phóng viên thể thao như nhiều người nói: Người ta “chơi” thì mình làm, người ta làm thì mình lại “chơi”.
Còn nếu được trở lại, tôi sẽ không chọn nghề này. Nghe sẽ có nhiều người ngạc nhiên nhưng thực tế là nghề phóng viên thể thao trước đây và bây giờ khác nhau nhiều lắm. Bây giờ tính cạnh tranh thông tin “đa dạng” hơn. Có nơi chấp nhận dùng bài theo dạng “đặt bài” từ phía doanh nghiệp hay có nơi chấp nhận phóng viên mình được doanh nghiệp “trả lương” và có những thông tin tưởng là độc quyền nhưng không phải. Tất nhiên đó không phải là số đông nhưng nó cũng ảnh hưởng không ít đến việc định hướng dư luận.
Ánh Viên cũng là nguồn động lực cho chính các phóng viên Việt Nam tại SEA Games 28
* Nhà báo Hữu Quý: Còn anh, thưa nhà báo Quang Huy, anh có sự lựa chọn nào khác anh Nguyễn Nguyên không? Có khi nào sự mệt mỏi làm anh nản với nghề?
- Nhà báo, BLV Quang Huy: Mình vẫn sẽ chọn nghề phóng viên thể thao bởi từ bé thể thao và âm nhạc vẫn là những niềm say mê lớn nhất. Với công việc hiện nay mình có được một cuộc sống thoải mái, đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và đi hơn 40 nước trên thế giới. Nghề BLV với mình giống như việc ăn uống, hít thở hàng ngày, nghĩa là mình đến với nó và duy trì cảm xúc rất tự nhiên.
Trong điều kiện làm việc chưa được lý tưởng như ở Việt Nam, cộng với việc lệch múi giờ khi làm các giải đấu quốc tế thú thật đôi lúc cũng có những mệt mỏi về thể xác. Tuy nhiên được cái mình có thể hồi phục sức khỏe rất nhanh.
Trong cuộc sống mình luôn tự nhủ: “Hãy cứ yêu và làm tốt công việc của mình rồi những điều tốt đẹp sẽ đến ", nhờ vậy luôn có được sự thanh thản để tập trung tối đa trong công việc, cũng có cái may nữa là từ bé đến giờ mình không bị vướng bận nhiều chuyện cơm áo gạo tiền. Thú thật lúc này mình cần nhất là sức khỏe và thời gian.
* Nhà báo Hữu Quý: Người ta bảo thời thế tạo nên cảm hứng. Nhớ lại thời bao cấp và thời báo chí thể thao còn sống khỏe, các anh có nghĩ rằng những năm tháng hoàng kim ấy có còn quay lại với nghề hay không?
- Nhà báo Nguyễn Nguyên: Quãng thời gian năm 1991-1993, tôi cho rằng đó là thời điểm đẹp nhất của nghề vì được làm việc với những nhà báo lớn, được học những điều từ trường đời lẫn trường nghề. Học được từ cố nhà báo Tường Vy cách tiếp cận đoàn đua (xe đạp) từ vị trí khổ sở nhất và ít ồn ào nhất: Ngồi xe vớt chứng kiến sự thất vọng của những cua rơ không qua nổi đèo Ngoạn Mục; học nhà báo Cao Huy Vĩnh cách xử lý vào những phút 89 của một tay đầu bếp ngồi trực chiến ở tòa soạn…
Nhưng khoảng thời gian từ 1993-2000 mới là quãng thời gian được phát huy nhiều nhất khi là phóng viên báo Thể thao TP.HCM. Tại đây tôi được tạo điều kiện tối đa để hành nghề với nguyên tắc ba không: Không để đội bóng lo ăn, ở; Không ở khách sạn BTC địa phương sắp xếp và thanh toán; Không nhận những ưu đãi từ địa phương hoặc nhà tài trợ. Thời đấy không có báo để bán đến độ nhiều địa phương, nhiều sạp báo phải photo nhằm thỏa mãn như cầu người xem.
Thời đấy không có báo mạng nên thật thú vị với con phố bóng đá như phố Ngô Gia Tự ở Đà Nẵng, người ta có thể tập trung kín con đường đấy để bàn luận và ngóng tin đội nhà… Và tất nhiên cũng sẽ không có kiểu làm báo kiểu copy – paste hoặc sản phẩm của người khác thành "cần câu" của mình…
Phóng viên thể thao hồi đấy và bây giờ cũng giống với cầu thủ trước đây và hiện nay. Đọc bài của nhà báo Tường Vy dù có ký tên gì thì cũng không lẫn vào đâu được bởi nó có hồn và có cả sự chua cay. Hay xem bài của Chánh Trinh thì dù có ký bao nhiêu bút danh thì vẫn nhận ra hơi thở của Chánh Trinh. Nó cũng giống như Tam Lang, Ba Đẻn, Võ Thành Sơn, Cao Cường… ra sân chỉ nhìn cái dáng và phong cách từ xa thôi là đã nhận ra rồi.
* Nhà báo Hữu Quý: Còn anh Quang Huy, tôi nghĩ anh cũng là người hoài cổ!
- Nhà báo, BLV Quang Huy: Tôi không phủ nhận mình có nhiều thuận lợi khi vào nghề, lúc đấy kinh tế đất nước đang lên, bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao nói chung bắt đầu khởi sắc nên thu hút sự quan tâm của mọi tần lớp xã hội. Không khí như vậy đương nhiên tạo ấn tượng mạnh và kích thích sự hăng say, sáng tạo của những người làm thể thao.
Giờ đây mọi thứ khó khăn hơn nhưng nếu đã là 1 người "ăn ngủ với thể thao" thì hoàn cảnh chỉ ảnh hưởng chứ không thể làm mất đi bầu nhiệt huyết vốn có. Anh phải chấp nhận hoàn cảnh và thậm chí biết cách lý giải những gì diễn ra trên sân đấu bị ảnh hưởng thế nào bởi đời sống bên ngoài.
Tôi lấy ví dụ V- League của chúng ta có rất nhiều vấn đề trong 1 trận đấu từ khán giả đến công tác tổ chức, trọng tài rồi bạo lực..... nhưng nói cho cùng nó cũng chỉ là tấm gương phản ánh xã hội Việt Nam. Bóng đá và thể thao không thể tách rời cuộc sống, mình không thỏa hiệp nhưng cần có sự xác định rõ ràng như thế để giữ lửa nghề một khi đã xác định nó là cái nghiệp của mình rồi.
Phóng viên trẻ quá nhiều áp lực cần chia sẻ
*Nhà báo Hữu Quý: Các anh có nhận xét cũng như chia sẻ gì về thế hệ phóng viên trẻ hiện nay?
- Nhà báo Nguyễn Nguyên: Nói thế hệ trẻ bây giờ họ không yêu nghề thì không đúng bởi họ chịu những áp lực phải tồn tại hoặc sống nhờ nghề. Khổ cho nhiều phóng viên trẻ là muốn tạo phong cách riêng cũng khó vì họ bị áp lực đủ thứ tế nhị.
Nhiều phóng viên đi công tác nước ngoài phải “tự túc” và tất nhiên bỏ tiền "đô" rồi lấy nhuận bút bằng tiền Việt đắp vào, buồn lắm!
Tôi không cho là báo chí có nhiều chiến tuyến nhưng phải thừa nhận là phóng viên thể thao bây giờ đang đứng trước nhiều khó khăn và đòi hỏi phải nỗ lực hơn rất nhiều để tồn tại. Thậm chí, nhiều phóng viên và không ít tờ báo cũng phải vật lộn với sự tồn tại của chính mình nên phóng viên chọn cho mình con đường dễ.
- Nhà báo, BLV Quang Huy: Mình nghĩ báo chí thể thao Việt Nam từng có 1 thời gian bùng nổ thái quá và bây giờ đang phải trả giá, cái này có gì đó giống như bóng đá nước nhà.
Mình rất đau xót khi thời gian gần đây nhiều tay viết thể thao cứng cựa phải bỏ nghề hoặc làm thêm công việc khác để lấy ngắn nuôi dài. Nghề phóng viên thể thao vất vả lắm lại chả giống ai bởi các trận đấu diễn ra bất kể ngày lễ, ngày Tết, đêm hôm khiến nhịp sống đảo lộn hết, thu nhập thì hầu hết là "lấy công làm lãi ", khả năng đột biến thu nhập là không thể nếu chỉ làm chuyên môn thuần túy.
Mình luôn nói với anh em rằng chỉ nên gắn bó với thể thao khi cảm thấy sức khỏe bảo đảm và thật sự đam mê, nghĩa là nếu làm công việc khác vẫn phải dành ra nhiều thời gian xem thể thao, nếu như vậy làm phóng viên thể thao sẽ vừa được xem lại vừa có công việc đúng với đam mê. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, báo giấy nói chung và báo thể thao nói riêng đã mất đi rất nhiều độc giả, quảng cáo cũng giảm sút nhiều khiến thu nhập anh em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tôi nghĩ các tòa soạn nếu không linh hoạt trong việc phát triển trang điện tử và tạo phong cách riêng cho tờ báo thì chúng ta sẽ còn mất đi nhiều cây bút giỏi trong thời gian tới, nghĩ đến điều này quả là vô cùng buồn và nản.
Ngành TDTT và VFF hãy đến với nhà báo bằng cái tình, hãy học cách lắng nghe phản biện
* Nhà báo Hữu Quý: Các anh thấy mối quan hệ giữa báo chí viết thể thao với ngành TDTT, với VFF và bóng đá nói riêng đang theo chiều hướng nào?
- Nhà báo Nguyễn Nguyên: Nói về mối quan hệ của phóng viên thể thao với ngành TDTT, với VFF bây giờ thấy có vẻ “khăng khít” hơn nhưng cái tình thì không bằng hồi đó. Nó khác hẳn với bây giờ tổ chức cái gì cũng nơm nớp tính “quà” mang về.
Có khi cũng là mối quan hệ theo kiểu “người của VFF” - “anti VFF” và được phân loại rồi cứ vậy mà hai chiều "choảng" nhau chỉ vì bên yêu bên ghét…
- Nhà báo, BLV Quang Huy: Tôi làm nghề đến nay đã là 20 năm, tự nhận thấy mối quan hệ giữa báo chí và ngành TDTT ngày càng tích cưc, nghĩa là có sự cộng sinh nhưng rất sòng phẳng. Ngành TDTT cũng hiểu là còn được báo chí nhắc đến, bất luận tốt xấu là còn tốt, đến lúc không được ai nói đến nữa mới đáng lo ngại.
Trong bối cảnh như thế, yêu cầu dành cho phóng viên thể thao cao hơn ngày trước nhiều, khi thông tin đã rất mở anh cần phải có góc nhìn và cách giải quyết vấn đè riêng thì mới tạo ra sự khác biệt. Một tờ báo thể thao nếu được dân thể thao đón nhận chắc chắn sẽ thành công và muốn vậy anh phải tỏ ra "cao tay" để không chỉ phát hiện vấn đề mà còn có thể chia sẻ, hay nói cách khác có tính xây dựng.
Trong con mắt của tôi lãnh đạo ngành TDTT cần phải chấp nhận, trăn trở với phản biện của xã hội thì thể thao Việt Nam mới phát triển được. Ở chiều ngược lại thể thao có phát triển thì các nhà báo mới có cảm hứng, có những biểu tượng trong từng môn thể thao để khai thác một cách sinh động, hấp dẫn. Tôi rất thích câu nói của một lãnh đạo ngành thể thao trước đây rằng: "1 đồng bỏ ra cho thể thao sẽ bớt được nhiều đồng mua thuốc men và đối phó với các tệ nạn ", các quan chức thể thao Việt Nam và báo chí rất nên có những slogan tương tự trong thời gian tới đẻ gây sự chú ý và ủng hộ của xã hội.
Tôi rất mừng là sau rất nhiều tác động của báo chi, thể thao Việt Nam đang mạnh lên ở các môn Olympic, SEA Games 28 là một minh chứng hùng hồn cho điều này, khi các môn cơ bản mạnh thì cơ hội mở rộng tầm mắt của giới phóng viên thể thao cũng lớn hơn là chuyện đương nhiên.
Tóm lại với tôi tương lai của báo chí thể thao Việt Nam là tươi sáng nhưng anh em phải kiên nhẫn vượt qua giai đoạn khó khăn này, chỉ có người phụ nghề chứ không có nghề nào phụ người đâu. Cá nhân tôi luôn mơ ước 1 ngày nào đó các tờ báo và các kênh truyền hình thể thao tại Việt Nam sẽ dành hầu hết thời lượng cho thể thao nước nhà mà vẫn sống khỏe, nhưng để được như thế dứt khoát chúng ta phải trở thành con rồng của thể thao của châu Á.
* Cảm ơn hai anh đã có cuộc trò chuyện hết sức tâm đắc và ý nghĩa. Chúc các anh luôn dồi dào lòng yêu nghề, sức khỏe tốt để tận hiến cho nghề- nghiệp mình đã trót đa mang.
Hữu Quý (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần