Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: 'Chương trình thi đấu SEA Games 31 được đánh giá cao'
(Thethaovanhoa.vn) - Phiên họp của Ủy ban Thể thao và Luật của SEAGF trong Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) lần thứ I năm 2020 vừa diễn ra vào sáng ngày 21/7 tại Hà Nội nhằm thảo luận và thông qua chương trình thi đấu của SEA Games 31 tại Việt Nam. Ngay sau phiên họp, PV Thể thao&Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, người chủ trì phiên họp.
* Thưa ông Trần Đức Phấn, phiên họp của Ủy ban Thể thao và Luật của SEAGF vừa diễn ra như thế nào?
- Năm nay do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Hội nghị SEAGF được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến. Theo đánh giá của tôi, phiên họp đã diễn ra thành công và thành viên của SEAGF đã thảo luận khá sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào chương trình thi đấu của SEA Games 31.
Điều này cho thấy công tác chuẩn bị cho phiên họp nói riêng và chương trình thi đấu SEA Games 31 do Việt Nam xây dựng nói chung rất chu đáo và kỹ lưỡng.
* Các quốc gia trong khu vực đã đánh giá cụ thể như thế nào về chương trình thi đấu SEA Games 31 với 36 môn thể thao mà Việt Nam đã xây dựng?
- Toàn bộ các quốc gia đều đánh giá cao chương trình thi đấu tại SEA Games 31. Ngoài sự có mặt khá đầy đủ của các môn thể thao của Olympic, ASIAD, chúng ta cũng không cắt giảm các nội dung thế mạnh của các nước khác.
Tôi phải khẳng định, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ tổ chức ở nhiều kỳ Đại hội trước. Đối với các môn thể thao của khu vực Đông Nam Á, chúng ta đưa vào 5 môn, gồm có Kickboxing, Lặn, Bi sắt, Muay, Vovinam đều là các môn đã từng được tổ chức ở các kỳ Đại hội trước.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm, SEA Games 31 được tổ chức với mong muốn là một kỳ SEA Games xanh, sạch, hữu nghị và không có môn thể thao mới.
* Trước đây, có nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa môn đá cầu vào SEA Games 31 nhưng cuối cùng chương trình thi đấu được chốt lại là không có. Đây là môn thể thao truyền thống của Việt Nam và sự vắng mặt của đá cầu được lý giải như thế nào?
- Thực tế cho thấy, đá cầu được cộng đồng người yêu thích ở châu Á và thế giới đón nhận là không ít, thể hiện qua hệ thống giải vô địch châu lục và thế giới diễn ra thường xuyên. Dù vậy trong khu vực Đông Nam Á, đá cầu lại chưa nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, vì thế, nên chúng ta quyết định không đưa môn này vào SEA Games 31.
Việc không đưa môn đá cầu hoặc một số môn thể thao truyền thống mà Việt Nam rất mạnh vào SEA Games cũng cho thấy, chúng ta thực sự muốn tạo nên một cuộc cạnh tranh công bằng cho mọi quốc gia ở kỳ Đại hội này.
* Ngoài việc đánh giá cao, các quốc gia thành viên của SEAGF có đề xuất ý kiến nào đáng chú ý liên quan tới chương trình thi đấu của SEA Games 31 không?
- Hiện tại chương trình thi đấu SEA Games 31 được giới thiệu với 36 môn thể thao mà không có ý kiến nào phản đối hay chính xác hơn là tất cả các thành viên đều ủng hộ và ghi nhận. Sau phiên họp này, sẽ có thêm 4 môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu và chính thức được chốt lại sau cuộc họp vào ngày hôm nay.
Qua các ý kiến phát biểu của đại diện các quốc gia trong phiên họp, tổng hợp lại có trên 10 môn thể thao được giới thiệu để đưa vào SEA Games 31. Đáng chú ý có một số môn như Đua thuyền buồm, 3 môn phối hợp hiện đại, 5 môn phối hợp hiện đại…, chúng tôi đã ghi nhận toàn bộ các ý kiến này.
Trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục bàn bạc và thảo luận để đưa ra kết luận. Để tổ chức các môn thể thao này cần tính toán kỹ lưỡng, bởi đòi hỏi yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện thi đấu.
Việt Nam ghi nhận mọi ý kiến đóng góp và đề xuất nhưng nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu hoặc còn thiếu kinh nghiệm tổ chức thì cũng cần phải cân nhắc.
* Đối với môn bóng đá, môn thể thao nhận được sự quan tâm rất đặc biệt ở một kỳ SEA Games, các quốc gia có ý kiến như thế nào về số nội dung mà Việt Nam đưa ra ở môn bóng đá?
- Hiện tại chúng ta mới xây dựng chương trình thi đấu về số môn và số nội dung, còn yêu cầu cụ thể về mặt kỹ thuật, chuyên môn ở từng môn thì sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Môn bóng đá SEA Games 31 có đầy đủ 4 nội dung gồm bóng đá nam, bóng đá nữ và futsal của nam và nữ. Các quốc gia đều đồng tình và đánh giá cao đề xuất này của Việt Nam.
* Được biết trong phiên họp vừa qua, ngoài ý kiến đóng góp vào chương trình thi đấu SEA Games, Việt Nam và các quốc gia thành viên của SEAGF cũng đề xuất đưa một số môn thể thao mới vào Hiến chương của SEAGF?
- Các quốc gia cũng đã giới thiệu và đề xuất thêm một số môn thể thao mới như Bowling, Soft Tennis, Thể thao điện tử, Jujitsu…, còn Việt Nam giới thiệu môn Võ cổ truyền.
Đây là môn thể thao có truyền thống hàng nghìn năm của đất nước và rất cần được tạo điều kiện để phát triển ra khu vực và thế giới. Nếu được đưa vào Hiến chương SEAGF sẽ là tiền đề thuận lợi để môn thể thao này được có mặt ở các kỳ SEA Games tới đây.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi
Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ I năm 2020 Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ nhất năm 2020 vừa chính thức diễn ra vào sáng ngày 21/7 tại Hà Nội. Hội nghị bao gồm 5 phiên họp nhằm thảo luận và thống nhất ý kiến của các thành viên, nhằm đóng góp vào sự phát triển thể thao của toàn khu vực. Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ 1 năm 2020 phải tổ chức theo hình thức họp trực tuyến do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng toàn bộ các thành viên của tổ chức này đều tham gia đầy đủ. Tại phiên làm việc của Ủy ban Thể thao và Luật sáng ngày 21/7, Việt Nam trong vai trò là nước chủ nhà của SEA Games 31 đã công bố những thông tin liên quan tới công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 gồm thời gian diễn ra Đại hội, Lễ Khai mạc, Bế mạc và các địa điểm tổ chức thi đấu. Với mong muốn tổ chức một kỳ Đại hội thể thao khu vực xanh, sạch và hữu nghị, Việt Nam hiện đã xây dựng chương trình thi đấu với 36 môn, trong đó gồm 2 môn thể thao cơ bản, 29 môn thuộc hệ thống Olympic, ASIAD và 5 môn thể thao của khu vực Đông Nam Á. Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đề xuất đưa môn Võ cổ truyền vào Hiến chương của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhằm mục đích phát triển một môn thể thao có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Cùng với đó, đại diện các quốc gia còn lại trong khu vực, cũng nêu ý kiến đưa một số môn thể thao mới như Jujitsu, bowling, thể thao điện tử, 3 môn phối hợp hiện đại, 5 môn phối hợp hiện đại, Soft Tennis và Teqball vào Hiến chương của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Trong chương trình của Hội nghị SEAGF còn có phiên họp do Ban Y học chủ trì nhằm Thảo luận về công tác y tế và phòng chống Doping của Ban tổ chức SEA Games 31, phiên họp do Ban Phụ nữ và Thể thao nhằm thảo luận về vai trò của phụ nữ trong hoạt động thể thao tại các nước Đông Nam Á đều diễn ra trong ngày 21/7. Trong ngày 22/7, còn 2 sự kiện đặc biệt quan trọng liên quan đến Hội đồng SEAGF gồm phiên họp của Ban chấp hành SEAF và phiên họp Hội đồng SEAGF nhằm kết luận và thông qua các báo cáo, đề xuất của các ban chuyên môn trong các phiên họp trước đó. |
Vũ Lê