Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (Vivaso) và đại diện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 'tuýt còi' các trường lạm thu đầu năm học
- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể lùi chương trình giáo dục phổ thông mới
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp thị sát 2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội
Báo cáo toàn bộ quá trình tiến hành cổ phần hoá VFS tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết việc này được triển khai từ năm 2011 sau khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
Phương án cổ phần hoá được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật và được 100% cán bộ, văn nghệ sĩ của VFS thống nhất. Quá trình cổ phần hóa đều thực hiện theo đúng quy trình. Chỉ có việc định giá thương hiệu của Hãng phim, do chưa có tiền lệ nên chưa định giá được.
Đại diện các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam đều khẳng định sự ủng hộ cổ phần hóa VFS, để tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống của nghệ sỹ, xứng đáng là hãng phim “đầu đàn” của điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện cổ phần hoá được cho là chưa minh bạch, khách quan; thực hiện các cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, người lao động tại VFS; việc sử dụng các khu đất; kiến nghị thay đổi đơn vị tư vấn khi rà soát lại quá trình cổ phần hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch trong cổ phần hoá: một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa (năm 2014). Giá trị của các khu đất ở ''vị trí vàng" mà VFS đang sử dụng cũng không được tính đến.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy, chủ sở hữu mới của Hãng phim Truyện Việt Nam khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng của Hãng phim là để phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng. Hiện công ty đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng các đoàn làm phim, để tạo cho nghệ sỹ có công ăn việc làm, Việc lầm phim sẽ tiếp tục được duy trì. Chế độ cho các nghệ sỹ sẽ được giải quyết thỏa đáng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Chủ trương cổ phần hoá, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế, mục tiêu lớn nhất là phải tạo được động lực phát triển cho văn hoá nghệ thuật nước nhà. Vì vậy, việc cổ phần hoá các đơn vị văn hoá, nghệ thuật nhận được sự quan tâm không chỉ của các văn nghệ sĩ mà cả cộng đồng, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm: Tất cả các nghệ sĩ đều ủng hộ chủ trương cổ phần hoá với mong muốn Hãng phim vẫn là đơn vị làm phim, góp phần để lĩnh vực phim truyện Việt Nam phát triển. Cổ phần hóa phải góp phần để lao động nghệ thuật của các nghệ sỹ có giá trị hơn, được tôn vinh hơn, giá trị truyền thống của VFS mấy chục năm qua được phát huy, không bị mai một.
Nhấn mạnh việc quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS; đồng thời yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ khẩn trương xác định giá trị thương hiệu của VFS.
Không nên để tình trạng các nghệ sỹ và người dân nghi ngờ ''cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao''. Tinh thần là phải minh bạch để có sự đồng tâm, góp phần đưa nền điện ảnh nước nhà phát triển tốt hơn - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, để giải tỏa bức xúc trong thời gian qua của nghệ sỹ và dư luận cần có sự minh bạch, đặc biệt là trong vấn đề cổ phần hóa. Cần thanh tra toàn bộ vụ việc để có sự đồng thuận.
Phó Thủ tướng khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của hãng phim./.
Theo TTXVN