Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VHTT&DL cần thay đổi việc cấp phép ca nhạc và bản quyền thi hoa hậu
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp giao ban quý I/2018 Khối Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
- VIDEO Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hô vang tên các cầu thủ U23 Việt Nam, khuấy động sân Mỹ Đình
- CẬP NHẬT sáng 24/1: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi ‘bão’ mừng U23 Việt Nam. Thierry Henry tố Sanchez nói dối
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Khán giả không tới sân vì bóng đá chưa sạch'
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, 2 tháng đầu năm 2018, Bộ đã tập trung xây dựng 5 đề án, văn bản trong chương trình công tác của Chính phủ. Tính đến 28/2, Bộ đã trình Chính phủ 2 văn bản đề án; đang hoàn thiện 3 văn bản, đề án trình theo đúng tiến độ.
Trong 110 nhiệm vụ được giao, đã hoàn thành 7 nhiệm vụ (trong tháng 2, có 6 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành, đã hoàn thành 5 nhiệm vụ, đang thực hiện 1 nhiệm vụ), đang thực hiện 103 nhiệm vụ.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân đón Tết Mậu Tuất 2018 được tổ chức rộng khắp, gắn với các hoạt động chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương đã biểu diễn 82 buổi phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những khu công nghiệp. 64 Công ty Điện ảnh, Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh thành phố tổ chức các đội chiếu bóng lưu động chiếu phim phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Xuân 2018 được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ trước Tết Nguyên đán. Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội tại 9 tỉnh, thành phố có các điểm di tích đặc biệt, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong mùa lễ hội năm 2017; phân công các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát tại một số điểm di tích, lễ hội lớn.
Nhìn chung, các lễ hội đầu Xuân đã được thực hiện đúng quy định, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, "chặt chém" khách. Các nghi thức lễ hội có yếu tố bạo lực, gây phản cảm từ những năm trước đã được chỉ đạo chấn chỉnh, quản lý tốt. Nhận thức về việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của người dân và các Ban Tổ chức lễ hội được nâng lên rõ rệt.
Đối với công tác thể dục, thể thao, Bộ chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất; đôn đốc các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp, tiến tới Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Triệu tập các vận động viên, huấn luyện viên của 35 đội tuyển quốc gia và 50 đội tuyển trẻ quốc gia tập huấn tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; cử các đội tuyển đi thi đấu, tập huấn tại nước ngoài để chuẩn bị tham dự và đạt kết quả cao nhất tại ASIAD 18 tại Indonesia, Đại hội Olympic trẻ tại Argentina, vòng loại Olympic năm 2020 tại Nhật Bản.
Trong lĩnh vực du lịch, hai tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ước đạt hơn 2,8 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch ước đạt 15,6 triệu lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 118.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Quý II/2018, Bộ tiếp tục quán triệt toàn ngành thực hiện tốt Công điện 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ xây dựng "Đề án mở lớp bồi dưỡng cho đội ngũ tác giả, đạo diễn sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống", tổ chức các liên hoan nghệ thuật toàn quốc; tiếp tục chỉ đạo các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội; tổ chức tốt công tác thanh, kiểm tra việc tổ chức lễ hội, kịp thời khắc phục các hạn chế, kiên quyết xử lý sai phạm tại các lễ hội; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa"... Bộ cũng tập trung thực hiện kịch bản tăng trưởng du lịch theo từng quý: phấn đấu năm 2018 đón 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài, cụ thể như việc rà soát, thống nhất nguồn lực để thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa; công tác quản lý lễ hội... Các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp cần tiếp tục được phát huy, tránh những hành vi phản cảm, cực đoan. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nêu rõ: Lễ hội mang tính truyền thống, trong đó có yếu tố văn hóa. Trong yếu tố văn hóa, có những hoạt động văn hóa cần thay đổi cách thức tổ chức phù hợp, tránh phản cảm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định việc tổ chức lễ hội năm nay có chuyển biến, các nghi thức lễ hội có yếu tố bạo lực, gây phản cảm trước đây đã được chỉ đạo, chấn chỉnh và quản lý nhưng vẫn còn một số bất cập, thời gian tới phải kiên trì thực hiện, nghiên cứu việc thay đổi cách thức tổ chức để các năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Liên quan đến một số vụ việc trong nhà trường gần đây, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để góp phần xây dựng văn hóa trong nhà trường.
Về câu chuyện gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp để gia đình và nhà trường chung tay góp sức xây dựng văn hóa ứng xử.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ cần thay đổi việc cấp phép ca nhạc và bản quyền thi hoa hậu; chấn chỉnh việc quảng cáo phản văn hóa.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần sớm trình Chính phủ Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là vấn đề đánh giá lại Chiến lược, quy hoạch khu du lịch quốc gia, đẩy mạnh việc mở rộng visa điện tử; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, Bộ cần tập trung khắc phục những điểm bất cập, chú trọng đào tạo nhân lực ngành du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ sở lưu trú...
Phúc Hằng - TTXVN