Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về tình trạng sốt đất
(Thethaovanhoa.vn) - Về tình trạng sốt đất vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra tối 31/3, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản gần đây tương đối "nóng" ở nhiều địa phương, giá cả bất động sản có chiều hướng tăng lên.
Theo ông Đào Minh Tú, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó là một số đối tượng tung tin, "thổi giá" không chính xác, kiếm chênh lệch từ đầu cơ. Về phía ngành Ngân hàng, tín dụng trong lĩnh vực này quản lý sát sao, chặt chẽ.
Cũng theo Phó Thống đốc, việc dịch chuyển dòng vốn sang các kênh này đều được quan tâm, thường xuyên có cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có rủi ro. Đến ngày 15/3, số liệu dư nợ cho vay bất động sản của ngành Ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn mức 2,04% so với mức tăng trưởng chung tín dụng. Tín dụng cho bất động sản đang "chảy" vào hai lĩnh vực: tín dụng vào các đối tượng kinh doanh bất động sản (đầu cơ, phân khúc thị trường cao cấp…); tín dụng đầu tư giúp tạo thanh khoản hàng hóa tiêu dùng bất động sản, nhà ở thu nhập thấp, phân khúc thị trường giá rẻ, tính chất thương mại… Phân khúc này vẫn giao cho các ngân hàng thương mại triển khai.
- Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Triển khai 'hộ chiếu vaccine' cần làm từng bước
- Họp báo công bố kết quả Đại hội XIII của Đảng
- Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11: Vận động bị can Hồ Thị Kim Thoa ra đầu thú
"Vì thế, thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước giám sát, có cảnh báo với các tổ chức tín dụng, song mức tăng 2,13% chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay" - Phó Thống đốc cho biết.
Về tình hình lãi suất, theo ông Tú, lãi suất cả nhiệm kỳ vừa qua là chỉ số quan trọng được triển khai quyết liệt. So với mặt bằng đầu năm 2016, lãi suất huy động giảm 2,3%/năm và lãi suất cho vay bình quân giảm 3,6%/năm. Mức cho vay các lĩnh vực ưu tiên chỉ 4,5%/năm. Tất cả mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức ASEAN.
Phó Thống đốc khẳng định: "Điều hành lãi suất thời gian tới tạo sự ổn định, kể cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, phải cảnh giác các dấu hiệu về giá nhiên liệu và một số lĩnh vực khác hay sự dịch chuyển dòng vốn từ thị trường tiền tệ. Nếu chỉ số này tích cực sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay; đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng giảm bớt chi phí để giảm lãi suất”.
Xuân Tùng - TTXVN