'Phố Nhà Thờ' của Marko Nikolic: Chuyện 'chàng Tây' viết tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Qua hơn 300 trang sách Phố Nhà Thờ, Marko Nikolic (người Serbia) không chỉ đơn thuần kể lại một câu chuyện tình yêu mà sâu và xa hơn là hiện thực sinh động từ góc nhìn của một người nước ngoài, soi chiếu những va chạm Đông - Tây, đồng thời đặt vấn đề mạnh mẽ về hành trình nhận thức bản thân và lựa chọn sống.
Tối 13/10, tại Hà Nội, buổi trò chuyện "Tôi là ai giữa lòng Hà Nội?" - Gặp gỡ giao lưu cùng tác giả Marko Nikolic, tác giả của Phố Nhà Thờ diễn ra với không khí gần gũi, thân mật. Phố Nhà Thờ là tiểu thuyết bằng tiếng Việt đầu tay của Marko Nikolic.
Một góc nhìn hài hước, chân thực và độc đáo
Phố Nhà Thờ kể về Nicolas, một chàng trai Pháp với vẻ ngoài lịch lãm, lần đầu đặt chân đến Hà Nội - một thành phố mà anh đã từng cho rằng nó “rất có hồn”, “một chốn tràn ngập cảnh hài hòa của những con phố cổ kính, tựa như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn".
Tiêu tiền euro, mang quốc tịch Pháp, Nicolas nghĩ rằng cả đất nước này xoay quanh mình, anh tận hưởng cuộc sống xa hoa, hưởng thụ phụ nữ và không ngừng phán xét xung quanh bằng con mắt duy lý, ích kỷ và đáo để. Anh tôn thờ sự “thuận tiện và hợp lý” ngay cả trong tình yêu, để đến khi Trà My - cô gái yêu anh vì chính con người anh chứ không phải cái mác “ông Tây” trời xa - Nicolas mới nhận ra mình đã ngu ngốc, lố bịch đến nhường nào.
Marko Nikolic xây dựng Nicolas thành một nhân vật mang đậm tính ngộ nhận, anh ta ngộ nhận về cuộc sống xa xứ đơn giản để rồi “vỡ mộng” vì những đắng cay, lạc lõng; anh ta ngộ nhận bản thân mình khác biệt, đẳng cấp nhưng thực chất chỉ là trò đùa vui của những kẻ sính ngoại…
Phố Nhà Thờ không đơn thuần là một câu chuyện tình yêu, mà trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm bản thân đầy sôi động, tình yêu chỉ là một phần nhỏ, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sự thức tỉnh của Nicolas sau này. Hơn 300 trang sách là những suy ngẫm của tác giả về cuộc sống, con người, hơn thế là một phần tâm tư nhốn nháo của người ngoại quốc sinh sống, định cư tại Việt Nam. Anh cho rằng con người đến từ bất kỳ đâu đều có xấu, có tốt, điều quan trọng nhất là nhận thức được và hoàn thiện mình.
Tự nhận Nicolas chính là một phần của Marko trong quá khứ, đã từng ích kỷ, luôn muốn dành lợi ích cho bản thân… để rồi sau những thăng trầm của thời gian, một Marko chưa hoàn hảo nhưng đã hoàn thiện hơn biết đâu là mục đích sống của mình.
Chàng Tây viết tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên
Ý tưởng viết sách tiếng Việt xuất hiện cách đây 3 năm khi Marko đặt chân đến Hà Nội, mọi thứ với anh không phải sự ngẫu hứng mà luôn có kế hoạch rõ ràng. Anh dành 1 năm để chuẩn bị, 1 năm để viết trước khi tự tin đến Nhã Nam nộp bản thảo lần đầu tiên.
Được xem là “chàng Tây” viết tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên, Phố Nhà Thờ của Marko Nikolic nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả, trước tiên là bởi sự tò mò “liệu người ngoại quốc xoay sở như thế nào với câu chữ tiếng Việt?”. Chính bản thân Marko cũng thừa nhận: “Tôi đã phải suy nghĩ, cân nhắc và kiểm tra ngữ pháp liên tục trong suốt 1 năm để hoàn thành”.
Và thực sự khi đến với Phố Nhà Thờ, người đọc bị chinh phục bởi lối hành văn rất trôi chảy, tự nhiên và “rất giàu nội lực” mà các cây bút trẻ Việt khác chưa chắc làm được. Marko thể hiện vốn từ tiếng Việt phong phú, thậm chí đưa nhiều thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng, từ địa phương… không thua gì một người Việt Nam.
Đối với văn chương nói chung, Marko Nikolic cũng có quan điểm sáng tác cho riêng mình. Anh chia sẻ trong tựa sách: “Khi viết, tôi luôn quan tâm đến tâm lý con người và những hạn chế của tư duy, theo tôi, mục tiêu của văn học là gạt bỏ những ảo tưởng về cuộc sống để đối mặt với sự thật”.
Hà Nội: Tình yêu và… điểm dừng chân
“Tôi đã đi qua hơn 70 nước và đến Việt Nam, tôi thích ở đây, tôi thích Hà Nội, tôi thích công viên, nhà hàng, quán cà phê hay nhà thờ… tôi cũng không có ý định đi đâu nữa vì tại Việt Nam, tôi có thể hòa nhập và phát triển…”. Đó là những lý do Marko Nikolic chia sẻ khi được hỏi: Tại sao anh chọn Hà Nội làm điểm dừng chân?
Tình yêu, sự gắn bó và quan trọng hơn, bản thân Marko có thể hòa nhập và phát triển tại nơi này là điều khiến anh không muốn xách vali đi đâu nữa.
Tình yêu ấy đã được thể hiện rất rõ qua sự am hiểu các địa danh, từng con phố, quán hàng, món ăn hay chính sự ưu ái khi lấy Phố Nhà Thờ làm tên cho tác phẩm. Đúng theo phương châm sáng tác của mình, Marko không chỉ nhìn Hà Nội dưới góc độ văn hóa, mà anh còn thẳng thắn chỉ ra những vấn đề, góc khuất mà Hà Nội đang gặp phải như ô nhiễm không khí, giao thông, mánh khóe lừa đảo…
“Tôi không muốn độc giả nhớ đến Phố Nhà Thờ vì tác giả là một người Tây, vì như vậy chỉ có hiệu quả nhất thời, tôi có lối viết riêng, cách nhìn riêng và hy vọng mọi người tiếp nhận nó” - Marko Nikolic cho biết.
Phố Nhà Thờ có lẽ sẽ giống vô vàn những tiểu thuyết, tự truyện hay du ký khác về đề tài Hà Nội, nhưng dưới cách kể chuyện vừa hóm hỉnh vừa suy tư của một “chàng Tây”, chắc chắn sẽ giúp độc giả có những trải nghiệm chân thật và sâu sắc.
Chọn Việt Nam là quê hương thứ hai Marko Nikolic sinh năm 1987 tại Serbia. Anh là thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy từ Đại học Belgrade, Serbia và Đại học Latvia. Marko sử dụng được 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Việt. Anh đã đặt chân đến khoảng 70 nước trên thế giới. Marko dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 2014 và quyết định chọn Việt Nam là quê hương thứ hai. Hiện anh sống và làm việc ở Hà Nội. Marko viết sách từ năm 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách tại châu Âu. Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ là cuốn sách thứ ba, được viết bằng tiếng Việt. |
Những "ông Tây" viết văn bằng tiếng Việt "Chúng ta đã từng biết Joe Ruelle người Canada viết tản văn bằng tiếng Việt, Nhã Nam đã in hai cuốn Tớ là Dâu và Ngược chiều vun vút của anh năm 2013 - 2014. Trần Hùng Jonh với cuốn du ký John đi tìm Hùng năm 2013. Mới đây tháng 3 năm 2019 có cuốn Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi của Jesse Peterson – một cộng tác viên của nhiều tờ báo tiếng Việt, trình bày các suy nghĩ của anh về cuộc sống ở Việt Nam. Nhưng tiểu thuyết, ở một cấp độ khác hẳn về mặt văn chương, thì Phố Nhà Thờ là cuốn đầu tiên” (BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy). |
Hiền Lương - Công Bắc