Phó giám đốc Trung Quốc tự biến mình thành "đặc vụ ngầm": 5 lần "ẩn thân" vào các doanh nghiệp lớn, đi chăn lợn, làm xưởng may chỉ để giúp dân tìm việc tốt
Từ năm 2007 đến 2010, Trần Gia Thuận đã 5 lần giả làm người lao động để xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau, nhằm tìm hiểu tình hình và giới thiệu công việc phù hợp cho người dân.
Trần Gia Thuận, sinh năm 1968 tại Vân Nam (Trung Quốc). Ngày trẻ, ông là một giáo viên tiểu học. Trong suốt thời gian làm công tác giáo dục, với sự tận tâm của mình, Trần Gia Thuận nhận được sự công nhận và kính trọng của giáo viên, học sinh cũng như các lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, một sự việc xảy ra đã “hủy hoại” sự nghiệp giảng dạy của ông.
Năm 2003, tại trường cấp 2 Panjiang số 1 - nơi Trần Gia Thuận làm hiệu trưởng, một nữ sinh tự ý rời khỏi trường và không may gặp nạn. Ông đã nhiều lần đến nhà học sinh để an ủi và chia buồn nhưng không thể xoa dịu được nỗi đau của gia đình nữ sinh.
Sau đó, Trần Gia Thuận bị cách chức hiệu trưởng và "giáng cấp" xuống thành một nhân viên văn thư bình thường. Vì sự cố này, người thầy giáo được tôn trọng một thời đã hoàn toàn từ biệt bục giảng vào năm 35 tuổi. Sự việc này đã giúp Trần Gia Thuận hiểu rõ hơn về nỗi khổ của người khác. Đối mặt với khó khăn, ông trở nên lý trí, bình tĩnh và làm những việc thiết thực hơn.
5 lần “ẩn thân” để giúp dân tìm việc
Năm 2004, Trần Gia Thuận chuyển đến làm phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Phòng Lao động huyện Zhanyi, chịu trách nhiệm tổ chức người dân đi làm việc ở Chiết Giang, Quảng Đông và các tỉnh ven biển phát triển kinh tế khác. Công việc này giúp xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho những người nông dân cả đời sống ở miền núi và có thu nhập rất thấp. Thế nhưng hiệu quả thực tế không như mong đợi khi nhiều năm qua đi, nhiều người dân không hài lòng với công việc họ được sắp xếp và quay trở lại quê sau một thời gian ngắn, tỷ lệ quay lại cao tới 60%.
Vì vậy, quận quyết định bố trí Trần Gia Thuận trực tiếp ở lại Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, chuyên phụ trách công tác điều phối lao động, nỗ lực hết sức giải quyết vấn đề. Năm 2007, khi Trần Gia Thuận mới nhậm chức, việc điều đầu tiên ông làm là tìm hiểu lý do tại sao những người nông dân không muốn ở lại và làm việc trong các nhà máy: liệu đó là vì mọi người không quen hay do nhà máy có vấn đề.
Lúc đầu, Trần Gia Thuận cùng với lãnh đạo nhà máy xem qua tình hình, thấy ổn nên bố trí công nhân vào làm việc. Nhưng sau vài lần, tình hình vẫn không hề được cải thiện. Nhà máy hứa rằng "làm việc 8-10 giờ một ngày với mức lương hàng tháng được đảm bảo là 1.500 NDT. Nhưng kết quả thực tế là những người lao động nhập cư phải làm việc 12 giờ một ngày, lương cũng bị trừ và phải tăng ca, cuối cùng họ chỉ nhận được vài trăm NDT.
Vì vậy, những người lao động tức giận gọi ông là "kẻ nói dối", "lừa gạt thường dân". Đối với một người coi trọng danh tiếng thì đây là một sự xúc phạm và cũng là một lời cảnh báo. Ông cảm thấy mình là một "tội nhân", "làm điều xấu với mục đích tốt" và "hổ thẹn trong lòng". Trằn trọc nhiều đêm, Trần Gia Thuận tin rằng nếu muốn thực sự đánh giá và hiểu rõ hoàn cảnh của những công nhân nhập cư sau khi vào nhà máy, ông phải "biến" thành một công nhân nhập cư và trải nghiệm trước. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2007, Trần Gia Thuận bắt đầu năm kế hoạch hoạt động "bí mật".
Lần đầu tiên, ông làm nhân viên chìm trong một nhà máy trang sức lớn, dây chuyền lắp ráp tốc độ nhanh, thời gian làm việc kéo dài, xin nghỉ phép hay từ chức đều rất khó, không đáp ứng được “yêu cầu” của ông. Do đó, lần thứ hai Trần Gia Thuận đã chọn một xưởng trang sức nhỏ.
So với công ty đầu tiên, môi trường kém hơn nhưng công việc dễ dàng hơn, các phương diện khác cũng khá hơn. Trần Gia Thuận bày tỏ sự hài lòng: "Sau khi tôi làm việc được một tháng, tôi đã giới thiệu được 22 người."
Lần thứ ba là lần làm tại trang trại lợn mà Trần Gia Thuận nhớ nhất. Tháng 9 năm 2008, Trần Gia Thuận nhận nhiệm vụ mới là sắp xếp công việc cho một nhóm nông dân ở độ tuổi 40 và 50 ở Nghĩa Ô. Khi đó ông đã nghĩ, những người này tuổi tác không còn quá trẻ, là nông dân cả đời trồng trọt chăn nuôi, hẳn là rất có tay nghề ở phương diện này. Vì vậy, Trần Gia Thuận đã đến một công ty chăn nuôi để làm người chăn lợn cho cuộc "điều tra bí mật" lần thứ ba.
Để gần gũi hơn với "vai diễn mới" của mình, một trí thức chưa bao giờ lao động nặng nhọc như ông đã dốc sức làm việc chăm chỉ. Công việc chân tay ở nông trại không hề dễ dàng nên cảm thấy vất vả và mệt mỏi là đương nhiên. Ngoài những công việc như nhổ cỏ, dọn phân, cho lợn ăn từ sáng đến tối, ông còn phụ trách chăm chuồng heo bệnh, thỉnh thoảng phải xử lý heo chết. Mùi hôi thối thường xuyên khiến ông buồn nôn đến mức không ăn được.
Nhưng sau khi ăn, ở và làm việc cùng mọi người trong một tháng rưỡi, Trần Gia Thuận cảm thấy trang trại có điều kiện về mọi mặt đều tốt, rất phù hợp với những người nông dân không có quá nhiều kỹ năng và ông đã tự tin giới thiệu công việc này với dân làng. Tuy nhiên, vấn đề mới chỉ giải quyết được một nửa: nhà máy đã tìm thấy, nhưng liệu nông dân có sẵn sàng đến làm không?
Vào thời điểm này, kỹ năng thuyết phục của Trần Gia Thuận có được từ việc giảng dạy trong hơn mười năm đã phát huy tác dụng. Những người dân làng dần dần kiếm được tiền biết rằng những gì ông nói là hợp lý, vì vậy họ làm việc chăm chỉ, cuộc sống của cả gia đình bắt đầu được cải thiện.
Hoạt động bí mật thứ tư của Trần Gia Thuận dành cho những người trẻ tuổi sinh vào những năm 90. Ông nói: “Tinh thần chịu khó của lớp trẻ ngày nay không thể so sánh với những năm 60, 70. Nếu họ phải làm việc 12 giờ một ngày mà không có ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, họ sẽ khó mà gắn bó với công việc lâu dài." Vì vậy, Trần Gia Thuận đã giúp những người trẻ tuổi này tìm một xưởng đóng giày. Thời gian làm việc trung bình là 8h/ngày, tăng ca không quá 10h, nghỉ cuối tuần.
Năm 2010, Trần Gia Thuận hoạt động bí mật lần cuối, không phải để kiểm tra những nơi nông dân làm việc mà là nơi con cái của những người lao động nhập cư đi học. Với sự gia tăng của những người lao động ngoại tỉnh đến Nghĩa Ô, vấn đề đi học của trẻ em cần được giải quyết khẩn cấp. Cũng là một bậc cha mẹ, Trần Gia Thuận hiểu rằng nếu không giải quyết tốt chuyện của con cái, họ sẽ không thể yên tâm làm việc. Vì vậy, ông đã đến ngôi trường dành cho con của người nhập cư lớn nhất ở Nghĩa Ô để "xin" làm giáo viên.
Sau một tháng giảng dạy, Trần Gia Thuận đã có một sự hiểu biết tổng thể về ngôi trường tư thục này và đã giới thiệu con của những người lao động nhập cư đến học ở đó. Dù ở vị trí nào, ý định ban đầu của Trần Gia Thuận vẫn không thay đổi: "Trên xứng đáng với tổ chức, dưới xứng đáng với anh em công nhân nhập cư, xứng đáng với công việc và với lương tâm của chính mình."
Hưởng trái ngọt từ sự tận tâm
Với những nỗ lực và cống hiến của mình, năm 2007, Trần Gia Thuận được đánh giá là công nhân tiên tiến trong ngành dịch vụ lao động của thành phố Khúc Tĩnh. Năm 2010, được vinh danh là "Top 10 công dân tốt Côn Minh năm 2010”. Năm 2011, ông được đánh giá là hình mẫu ở tỉnh Vân Nam; Năm 2012, ông được tặng danh hiệu “Người cán bộ công chức kiểu mẫu”; Năm 2013, đoạt giải Nhân vật của năm "Moving China 2012".
Khi những hoạt động ngầm bị "vạch trần", Trần Gia Thuận không thể "giả vờ" điều tra nữa mà ngay sau đó ông có hướng làm việc mới. Năm 2014, ông 46 tuổi, được điều động trở lại thành phố Khúc Tĩnh với tư cách là phó giám đốc xúc tiến đầu tư, sau đó được điều động lên làm phó giám đốc Cục Nhân lực và An sinh Xã hội huyện Zhanyi, Qujing, tỉnh Vân Nam.
Ngoài việc giúp những người lao động ngoại tỉnh bảo vệ quyền lợi của mình, Trần Gia Thuận còn kiêm thêm một nhiệm vụ khác cho bản thân: chăm sóc những người già neo đơn và những đứa trẻ bị bỏ rơi. Suốt cuộc đời mình, ông luôn làm những việc thiết thực, cho dù ở cương vị nào, ông đều xứng đáng với sự vinh danh mà tổ chức trao tặng và sự tin tưởng của mọi người.
Tâm sự trên Weibo, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ, dù nghèo hay giàu, là quan hay dân, chỉ cần hành động có lương tâm, trách nhiệm thì đều là người có đạo đức. Con người có đạo đức” không chỉ bị giới hạn bởi luật pháp bên ngoài, mà còn bởi lương tâm của chính mình.
"Đường cao tốc" dài 800km thời Tần Thủy Hoàng khiến hậu thế phải sửng sốt: Làm bằng đất nhưng sau 2000 năm "không có lấy 1 ngọn cỏ", rắn chắc như bê tông