Phim Việt và hành trình 'trăm tỷ'
(Thethaovanhoa.vn) - Những phim Việt cán mốc doanh trăm tỷ ngày càng nhiều, khi những sản phẩm mới ra mắt đã liên tiếp xô đổ những kỷ lục được thiết lập trước đó.
Kỷ lục nối kỷ lục
Trước năm 2014, các bộ phim Việt đều chỉ dừng lại ở con số chục tỷ đồng. Đến 2014 cột mốc trăm tỷ được thiết lập với bộ phim Để mai tính 2 (101 tỷ đồng). Con số này bị xô đổ ngay sau đó một năm bởi Em là bà nội của anh (102 tỷ đồng) và tưởng như đạt tới đỉnh cao vào 2017 với Em chưa 18 (170 tỷ đồng).
Tiếp đó, ngay từ đầu năm 2019, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu đã cùng nhau ra rạp và có màn rượt đuổi gay cấn về mức tăng doanh thu phòng vé. Trong khi Cua lại vợ bầu đạt con số khủng 191,8 tỷ đồng, Hai Phượng cũng không kém cạnh với doanh thu hơn 200 tỷ đồng.
Đến năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thế nhưng Tiệc trăng máu đã khuấy động một năm điện ảnh ảm đạm bằng con số doanh thu 175 tỷ đồng và giữ vững vị trí top 1 trong 5 tuần liên tiếp về kỷ lục phòng vé.
Năm 2021 được xem là thành công vượt trội khi các phim điện ảnh của những đạo diễn “mát tay” lần lượt ra mắt. Điển hình Bố già của Trấn Thành thu về hơn 400 tỷ đồng và Lật mặt dù chỉ mới công chiếu 10 ngày nhưng doanh thu đã chạm mức 120 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 14 bộ phim Việt đạt doanh thu hơn 100 tỷ.
Công thức “doanh thu trăm tỷ”
Chi phí đầu tư khủng là một trong những điều kiện giúp sản phẩm điện ảnh thành công. Không chỉ tạo nên hiệu ứng truyền thông, việc đầu tư kinh phí lớn, với sự chuyên nghiệp trong từng cảnh quay, tạo nên bộ phim chất lượng chắc chắn sẽ thu hút được lượt lớn người xem đến rạp. Điển hình những bộ phim nổi tiếng đạt kỷ lục phòng vé gần đây đều được bỏ ra số tiền lớn để đầu tư: Bố già (23 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu V (46 tỷ đồng)...
Cũng phải nói thêm, yếu tố may mắn là điều không thể thiếu để các bộ phim thành công cán mốc trăm tỷ. Đạo diễn Võ Thanh Hòa từng nhận định, yếu tố may mắn cực kỳ lớn không nhà làm phim nào có thể tự tin khẳng định rằng phim của mình ra rạp chắc chắn hơn trăm tỷ.
Điển hình cơn sốt Em chưa 18 ra mắt vào năm 2017. Trước đó năm 2016 từng xuất hiện nhiều bộ phim học đường nhưng chưa thực sự nổi bật và 2017 chính là điểm nơi hoàn hảo để Em chưa 18 thành công. Hay Bố già, Tiệc trăng máu… ra mắt đúng thời điểm rạp bị đóng cửa vì dịch một thời gian dài, khiên khán giả có tâm lý “đói” phim.
Riêng ở vấn đề thị hiếu, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng tùy vào từng phim mà thị hiếu khán giả sẽ thay đổi. Anh chia sẻ: “Thị hiếu khán giả thay đổi theo từng phim. Chúng ta không thể nói xu hướng nào sẽ thành công, bởi đến khi bộ phim hoàn thành, mọi thứ đã khác so với khi bắt đầu. Tôi luôn tâm niệm làm hết sức, còn việc có được đón nhận, bùng nổ hay bình bình là số phận của bộ phim”.
Cũng phải nói thêm, vấn đề thị hiếu bây giờ còn được quyết định bởi văn hóa xem phim và phong trào trên cộng đồng mạng. Hiện nay, hiệu ứng truyền miệng hay các phong trào tẩy chay quyết định không nhỏ đến sản phẩm điện ảnh vừa ra rạp. Điển hình như Cậu Vàng hay Trạng Tí, mặc dù đã hay chưa công chiếu nhưng thường bị phản đối kịch liệt trên không gian mạng thì cũng rất dễ bị rơi vào... thế yếu.
Như thế, để đạt doanh thu trăm tỷ, mỗi bộ phim cần hội tụ nhiều yếu tố, và đặc biệt vẫn phải đảm bảo sự lôi cuốn với khán giả. Hãy nhớ trường hợp của Kiều: Đây là bộ phim tạo được hiệu ứng truyền thông tốt khi chuyển thể từ danh tác của Nguyễn Du, lại có số tiền đầu tư cực lớn và dàn diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn nhận cái kết đắng và phải rút lui sau chưa đầy 3 tuần chiếu rạp.
Hiếu Nguyễn