Phim Việt chiếu rạp năm 2017: Nhiều về lượng, nhưng quá ít kịch bản ‘chất’
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kế chưa đầy đủ thì năm 2017 đã có 37 phim Việt được cấp phép, 35 phim đã công chiếu.
- Phim mùa Giáng sinh 2017: Hai phim Việt đọ sức hơn 15 phim nhập ngoại
- Trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Phim giải trí thắng lớn
- XEM TRỰC TIẾP: Lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam 2017
Trong số này, chỉ có 5-6 phim thuộc hàng thảm họa, còn nhìn chung sạch sẽ về câu chuyện, nghiêm túc về cách làm, tiến bộ về hình ảnh.
Những điểm nhấn
Bất ngờ lớn nhất năm 2017 là phim tình cảm hài hước Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn. Bất ngờ vì phim gần như được âm thầm làm và ra rạp, với kinh phí tương đối giới hạn, nhiều người nghĩ làm… cho có làm. Sau phim hành động Bẫy rồng công chiếu năm 2009, dù được đánh giá khá tốt về chuyên môn, nhưng Lê Thanh Sơn không thật suôn sẻ trong việc tìm cơ hội cho phim tiếp theo. Thế nên khi nghe anh làm Em chưa 18, truyền thông cũng khá lơ là.
Với câu chuyện nhẹ nhàng, kịch bản tương đối chặt chẽ, phim đã phác họa được phần nào tâm sự của các cô cậu tuổi mới lớn ở thành thị, gia đình trung lưu, học trường quốc tế. Phim công chiếu ngày 28/4, đến ngày 29/5 đã vượt mặt Kong: Đảo đầu lâu (168,9 tỷ đồng), Fast & Furious 8 (157,4 tỷ đồng) để trở thành phim có doanh thu cao nhất Việt Nam. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Em chưa 18 đoạt giải Bông sen vàng, Kaity Nguyễn đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Phim Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh ra mắt ngày 24/5/2017 ở Tuần lễ phim Việt Nam tại Madrid (Tây Ban Nha), sau đó công chiếu tại Việt Nam từ ngày 9/6. Tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017, phim đoạt 3 giải, gồm Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất. Dù không bán được nhiều vé, nhưng về khía cạnh chuyên môn và nghệ thuật, phim được đánh giá khá tốt. Việt Nam hiện nay đang cần nhiều hơn những nhà làm phim dũng cảm như Hồng Ánh.
Các phim tạo được dấu ấn nhỏ về khía cạnh nhân văn hoặc giải trí còn có Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Xóm trọ 3D, Cô gái đến từ hôm qua… Nhưng nhìn chung về mặt bán vé, trừ Em chưa 18, năm 2017 ít có phim Việt làm nên chuyện bất ngờ. Một phim được truyền thông rầm rộ và được mong chờ như Cô Ba Sài Gòn cũng chưa thật cao về doanh thu, 60 tỷ đồng là con số bị vài nơi nghi ngờ về tính chính xác.
Khan hiếm kịch bản hay
Điều dễ nhìn thấy nhất của phim Việt 2017 là đa số kịch bản bình thường hoặc tầm thường. Các phim được truyền thông về câu chuyện sâu sắc như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Dạ cổ hoài lang, Đảo của dân ngụ cư…, rốt cuộc kịch bản cũng ở mức bình thường.
Thậm chí Cha cõng con đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, thì kịch bản cũng chưa thật sự nổi trội và bất ngờ. Dường như ban giám khảo đã phải áp dụng công thức “bó đũa chọn cột cờ” để trao giải.
Chính kịch bản yếu kém đã đẩy vài phim như Chí Phèo ngoại truyện, Tao không xa mày, S.O.S. sói trắng, Chơi thì chịu, Giấc mơ Mỹ… đến mức thảm họa. Xem xong các phim này, khán giả thấy các câu chuyện lạc đề, hoặc gượng gạo, giáo điều, hoặc chẳng biết nói về điều gì.
Phần lớn phim năm 2017 có kịch bản do đạo diễn tự viết, điều này có những thuận lợi về mặt sản xuất, nhưng cũng có những bất lợi về mặt nội dung, vì thực tế cho thấy ít có đạo diễn viết kịch bản đủ hay. Khoảng 10 năm qua, Việt Nam xuất hiện nhiều đạo diễn mới, nhưng gần như trống vắng các tên tuổi biên kịch mới, biên kịch đủ tầm.
Về tổng thể, các phim Việt yếu kém nhất năm 2017 là 49 ngày 2, S.O.S. sói trắng, Tao không xa mày, Chí Phèo ngoại truyện, Chơi thì chịu, Giấc mơ Mỹ… Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có các bài phân tích về những phim này. |
Văn Bảy