Phim 'Vai diễn đổi đời': 'Hàng hiếm' của phim Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Chạm (Touch) công chiếu ngày 30/3/2012, phim Vai diễn đổi đời (Actress Wanted) công chiếu ngày 23/11/2018 tới đây. Vậy là sau 6 năm, Nguyễn Đức Minh mới có được phim điện ảnh thứ 2, cũng thuộc dạng độc lập, kinh phí thấp, cũng nổi trội bằng sự tinh tế ít gặp ở các phim Việt.
Cũng như Chạm, bối cảnh của Vai diễn đổi đời hoàn toàn diễn ra ở Mỹ, nơi có đông người Việt sinh sống. Mai (do Thiên Nguyễn thủ vai) là một diễn viên trẻ, đang thất nghiệp, nợ nần bủa vây, thì tình cờ đọc được mẩu tin tuyển diễn viên trên báo, nên tìm đến nhà ông Vũ (Long Nguyễn) để thử vai. Mai được nhận, nhưng không phải để quay với đoàn phim, mà là tái diễn 10 kỷ niệm đáng nhớ của ông Vũ và cô vợ tên Hồng đã mất 30 năm. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
Không dành cho số đông
Không chỉ phim Việt, mà nhìn chung điện ảnh thế giới ngày nay đang bị chi phối quá nhiều bởi sự đánh lừa thị giác để tăng cường tính giải trí tức thời, nên ngay cả các bom tấn cũng thiếu hẳn sự tinh tế. Những khán giả thích dòng phim giàu sự tinh tế thường phải xem lại các phim cũ, hoặc xem các phim dạng độc lập, phim tác giả ở trên mạng, ở các suất chiếu thuộc hội nhóm nhỏ, chứ khó tìm thấy rộng rãi ngoài rạp.
Dù câu chuyện của Vai diễn đổi đời khá giản dị, nhưng chính sự chân thực trong các tình huống và trong diễn xuất đã giúp cho sự tinh tế tiếp tục được thăng hoa. Mai và Linh trong phim này thuộc thế hệ sinh ra tại Mỹ, nói tiếng Việt lơ lớ, đọc tiếng Việt khó khăn, nên đạo diễn đã khai thác khá tự nhiên điều này, người xem sẽ thấy thú vị.
Tầm quan tâm về văn hóa ứng xử, việc làm, tình yêu, sự thủy chung cũng khác biệt giữa thế hệ của ông Vũ với thế hệ Mai và Linh. Đây cũng là vấn đề lớn của người Việt nhập cư ở các quốc gia Tây phương - đặc biệt là Mỹ, nơi mà các va chạm về văn hóa, lối sống, công việc là rất lớn. Thế nhưng Nguyễn Đức Minh không kể chuyện theo lối “đao to búa lớn”, “bài học rút ra” mà chỉ nhẹ nhàng lồng vào những ứng xử đời thường, đôi khi tự nhiên đến mức như không có kịch bản và diễn xuất.
Trong phim Chạm trước đây cũng vậy: chỉ xoay quanh cuộc luyến ái chớm nở giữa cô thợ làm móng gốc Việt và anh thợ sửa xe người Mỹ, nhưng vẫn gián tiếp thể hiện được sự va chạm về quan niệm sống, về văn hóa, sự thủy chung, việc ngoại tình…
Chắc chắn phim Vai diễn đổi đời sẽ khó thu hút đông đảo khán giả, nhưng những ai thích dòng phim giàu sự tinh tế thì không nên bỏ qua phim này. Kể từ năm 2012 - khi Chạm công chiếu tại Việt Nam - đến nay, phim Việt đã có nhiều sự phát triển, vài phim gây ấn tượng tốt, đoạt các giải thưởng quốc tế, nhưng để đạt đến sự tinh tế như Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng, như Vai diễn đổi đời thì vẫn khá hiếm hoi. Nhìn ở khía cạnh này, Nguyễn Đức Minh đang là hàng hiếm của phim Việt.
Cách làm đáng suy nghĩ
Nhìn lại 10 năm qua, phim Việt đã rất nỗ lực để phát triển, để vươn ra quốc tế bằng việc học hỏi nhiều cách làm. Nhưng do kinh phí đầu tư còn thấp, khả năng bán vé còn yếu, cùng vài giới hạn khác đã làm cho phim Việt chưa có thành tựu tương xứng với mong đợi.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng làm phim theo hướng giải trí bán vé thì nên học theo cách của Hàn Quốc, còn làm phim theo hướng nghệ thuật, tranh giải thì nên học Iran. Với kinh phí rất thấp và còn các vòng cương tỏa khắt khe ở trên vai, nhưng Iran đã làm được nhiều phim đáng ngưỡng mộ.
Phim Chạm của Nguyễn Đức Minh từng làm với khoảng 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng), tuy chưa công bố con số cụ thể, nhưng chắc Vai diễn đổi đời cũng có kinh phí tương tự. Thế nhưng, không phải vì thấp mà phim thiếu sự cân đối, đầy đặn. Cả hai phim đều tỏ ra hợp lý trong việc chọn bối cảnh cũng như các đầu tư khác như hóa trang, phục trang, đạo cụ… Hai khoản chi thường chiếm kinh phí lớn là diễn viên và các hiệu ứng kĩ xảo thì hai phim này hoàn toàn tiết kiệm được. Hai nữ chính của hai phim đều lần đầu đóng phim điện ảnh, chưa có nhiều danh tiếng trước đó, nên chắc thù lao cũng không cao.
Đứng nghĩa “liệu cơm gắp mắm”, Nguyễn Đức Minh đã bày ra cho người xem Việt Nam và cả quốc tế một câu chuyện giản dị, ai xem cũng hiểu, nhưng vẫn đảm bảo sự sâu lắng, tinh tế. Trong nhiều cái yếu của phim Việt, yếu nhất vẫn là khâu kịch bản, nó không chỉ cũ mà còn rỗng, cách viết của Nguyễn Đức Minh xứng đáng để học theo.
Văn Bảy