Phim 'Phượng khấu': 'Cuộc phiêu lưu' đáng khích lệ của phim cổ trang Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Phim cổ trang Phượng khấu (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh) dự kiến sản xuất trong 3 mùa, mùa 1 đã hoàn thành, gồm 10 tập. Khởi chiếu trên kênh POPS App từ ngày 5/3/2020, mỗi tuần một tập vào tối thứ Năm, phim đang nhận về những khen chê trái chiều. Nhưng riêng ở khía cạnh làm phim cổ trang tại Việt Nam, ê-kíp này xứng đáng nhận sự khích lệ, hơn là vùi dập.
Trong phim, “phượng khấu” là cách gọi chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, vốn là biểu tượng cao quý, cài 2 vạt áo nhật bình của chính thất hoàng đế Thiệu Trị.
Một chọn lựa phiêu lưu
Trong mắt của nhiều nhà làm phim truyện quốc tế, triều Nguyễn là chủ đề hấp dẫn, do sử liệu còn lại khá phong phú, có nhiều chuyện hay từ vĩ mô cho đến hậu cung. Rất tiếc với điện ảnh trong nước, đây vẫn là một đề tài vẫn còn bỏ ngỏ, một phần do thiếu kinh phí, một phần do làm phim cổ trang quá cực, dễ bị thị phi, lại khó thu hồi vốn. Chính vì vậy, việc ê-kíp của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chọn làm một phim nhiều tập về chốn hậu cung - cung đấu - quả là một cuộc phiêu lưu.
Lúc công bố dự án, Huỳnh Tuấn Anh cho biết công thức làm phim truyện của họ - chứ không phải phim khoa học, phim tài liệu cần bám sát lịch sử - là đúng sử 75%, hư cấu 25%. Với giới làm phim hư cấu, đây là một tỷ lệ trung thực “kinh khủng”, vì trên thế giới thường chỉ chọn lấy cảm hứng cho dễ làm, thay vì bám sát lịch sử. Những phim cổ trang lấy chủ đề lịch sử của Trung Quốc cũng vậy thôi, tỷ lệ đúng sử thường chỉ từ 25-30%, còn lại là hư cấu.
Trong các nỗ lực bám sát lịch sử, điều thông minh hoặc “biết người biết ta” nhất của Phượng khấu là đã chọn thời hoàng đế Thiệu Trị, trị vì trong 7 năm, biến cố vĩ mô và hậu cung khá ít. Nếu chọn các đời hoàng đế khác, e rằng khó khăn sẽ còn nhiều hơn gấp bội.
Tuy nhiên, do các nghiên cứu về triều Nguyễn - đặc biệt là các sinh hoạt nội cung - còn rất ít và rất mỏng, nên khó khăn của Phượng khấu vẫn nhiều. Nhìn những điều mà phim này đã nỗ lực làm cho đẹp, cho đúng - còn đúng đến đâu, tính sau - chừng đó thôi cũng là đáng quý.
Tôn trọng lịch sử, nhưng rõ ràng mục tiêu của phim không phải là tái hiện trung thực lịch sử, mà tạo cảm hứng để người xem nghĩ về một triều đại đã qua. Một trong những điểm nổi bật là phục trang, bối cảnh và đạo cụ khá đẹp, gợi được cảm giác về không khí quý phái của một triều đình lúc thịnh vượng.
Cách sản xuất khá hiệu quả
Huỳnh Tuấn Anh là một đạo diễn rất trẻ, ê-kíp sản xuất là những tên tuổi còn khá mới trong lĩnh vực phim cổ trang, vậy mà họ đã vận động đầu tư để làm được Phượng khấu, quả là tài tình. Cách của họ là biến 3 mùa phim thành 1 dự án mở, sớm quảng bá để kêu gọi sự đầu tư từ nhiều phía. Thậm chí họ đã có những hợp tác bán phim từ khi chưa sản xuất. Đây cũng là một cách làm thường thấy ở quốc tế.
Với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng/1 tập, mùa 1 gồm 10 tập đã tốn 22 tỷ đồng, tuy là con số khiêm tốn so với dòng phim cổ trang, nhưng là một kỳ tích của một ê-kíp trẻ. Để làm được điều này, có lẽ đầu tiên là nỗ lực “già hóa” diễn viên, khi mà dự kiến ban đầu gồm Diễm My 9X, Vân Trang, Jun Phạm, Huy Khánh, Thanh Tú, Kiều Trinh... đã được thay đổi bằng những tên tuổi kỳ cựu hơn như NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Lê Thiện, Hồng Đào, NSƯT Minh Trang, NSƯT Ngọc Hiệp…
Việc “già hóa” diễn viên có 1 thách thức và 2 ưu điểm. Về thách thức, khi lên ngôi hoàng đế, Thiệu Trị (do NSƯT Thành Lộc thủ vai) 34 tuổi, phi tần còn trẻ hơn nữa, việc “cưa sừng làm nghé” của các nghệ sĩ kỳ cựu này gặp nhiều khó khăn trong hóa trang, kỹ xảo. Còn ưu điểm, đó là đẳng cấp diễn xuất và khả năng thu hút đầu tư. Khi nghe phim cổ trang mà có các tên tuổi lớn này tham gia, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn để vào cuộc.
Với hơn 300 bộ trang phục được đầu tư tỉ mỉ, đạo cụ và bối cảnh khá chỉn chu, lại quay hơn 65% bối cảnh nội, nên Phượng khấu đã lột tả được phần nào chất quý tộc của cung đình. Chính các cảnh nội đã giúp đoàn phim tiết kiệm và che mờ được nhiều thiếu thốn do kinh phí còn quá thấp. Tuy vậy, với những cảnh ngoại và đại cảnh, phim cũng đã tái hiện được phần nào vẻ đẹp, sự bề thế của một triều đình.
Nhìn rộng ra, trong bối cảnh mà Việt Nam còn quá ít phim cổ trang, trong khi lịch sử thì phong phú, thú vị, cách làm của Phượng khấu rất đáng khích lệ. Đường đi của phim này ắt còn dài và nhiều khó khăn, vì mùa 2 và mùa 3 mới nằm trong dự định sản xuất. Hy vọng, họ sẽ gặp được nhà đầu tư có thực lực và tầm nhìn để các mùa tiếp theo được sản xuất chỉn chu, bề thế hơn.
Văn Bảy