Phim 'Nhà tiên tri' khởi chiếu dịp Quốc khánh: Có những lúc Bác rơi lệ…
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà tiên tri, phim điện ảnh do Bộ VH,TT&DL đặt hàng, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Cty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện, khởi chiếu trong tuần phim chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Người đóng vai chính - Bác Hồ - trong phim Nhà tiên tri là NSND Bùi Bài Bình. Khi hay tin này, không ít người trong và ngoài giới điện ảnh lo ngại.
Một người diễn, bốn người lồng tiếng
Dù biết anh kinh qua nhiều dạng vai, nhưng gần đây khán giả quá ấn tượng với anh qua các vai phản diện, nhất là trong Ma làng, Gió làng Kình. Anh tự nhận “chuẩn cả về công việc lẫn nhân thân”, đáp ứng một trong những tiêu chí mà đạo diễn Vương Đức chọn.
“Trời cho tôi Bùi Bài Bình”, đạo diễn Vương Đức nói thế khi được hỏi xem anh có vừa ý với lựa chọn của mình không. Còn biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tiết lộ “nghĩ tới anh Bình trước cả khi viết kịch bản Nhà tiên tri”.
"Bác sĩ hoa súng" cười bảo, nhìn thấy "phom" mặt Bùi Bài Bình có thể đóng được. Có chừng 50 diễn viên được nhắm cho vai quan trọng, nhưng cuối cùng còn hai ứng viên trong đó có Hoàng Nhuận Cầm. “Anh Bình chê tôi thấp hơn chiều cao của Bác Hồ, tất nhiên tôi vào chỉ để anh cảm thấy có đối thủ thôi” - Hoàng Nhuận Cầm nói.
Đến khi chính thức nhận vai thì Bùi Bài Bình hơi hoảng, áp lực đến mức họp cả đồng nghiệp diễn viên điện ảnh khóa 2 để hỏi ý kiến. Cuối cùng, nam diễn viên Mùa ổi quyết tâm ép cân xuống còn đúng 49 kg, nhác trông ngoại hình lại càng tương đồng với Bác ở thời kỳ Bác ở Việt Bắc.
Anh nói thêm, mỗi ngày mất 5 tiếng hóa trang, rồi cứ quay một cảnh lại phải chỉnh trang. Thành ra đáng lẽ quay xong được ngồi chỗ mát nghỉ ngơi, nhưng lại bận bịu với hóa trang vì thời tiết nóng nực làm lớp hóa trang nhanh trôi.
Ngoại hình không hẳn là điều được đặt lên hàng đầu. Tiến Hợi vốn được xem là một trong những người có ngoại hình giống Bác nhất, nhưng Bùi Bài Bình lại có cách tiếp cận riêng. “Điều quan trọng phải dung hòa được ngoại hình và thần thái để lý giải một con người nhỏ bé làm những việc lớn lao cho dân tộc” - anh nói.
Tinh thần giản dị, ý chí độc lập tự do cho Việt Nam của Bác từ khi còn nhỏ luôn là điều Bùi Bài Bình tâm niệm, anh quyết thể hiện bằng được điều đó qua từng cảnh quay. “Điều tôi cảm nhận và học được ở Bác là sự giản dị, hòa đồng” - anh nói.
Còn giọng nói thì sao? Anh khoe cảm nhận được cách nói rất lạ của Bác. Có hẳn ba ông thầy dạy tiếng Pháp, Trung, Nga cho diễn viên chính. “Mình không nói đúng khẩu hình thì không ai lồng được” - anh nói. Tiến Hợi được giao lồng tiếng Việt, cùng ba người lồng tiếng nước ngoài nữa. Đó cũng là nỗ lực của đoàn làm phim để thể hiện tấm lòng với Bác.
Tại sao “Nhà tiên tri”?
Bối cảnh phim diễn ra khoảng năm 1947-1951, khi Cách mạng rút lên căn cứ Việt Bắc. “Lúc này vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc trước sự vây ráp của chủ nghĩa thực dân. Khi đọc hai truyện ngắn Bác viết trong giai đoạn này, Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm, tôi thấy Bác đã viết về ngày Hà Nội giải phóng.
Và trong rất nhiều tác phẩm khác, Người như nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai, giống như một nhà tiên tri” - Hoàng Nhuận Cầm, tác giả kịch bản lý giải.
Hoàng Nhuận Cầm nói thêm, trong kịch bản, anh tập trung vào phán đoán tài tình của Bác. Đó là vào lúc vô cùng gian khổ, giữa bom đạn chiến tranh, Bác vẫn nuôi khát vọng hòa bình, vẫn bình tĩnh. Bác tin tưởng và dự đoán được ngày chúng ta giải phóng Hà Nội.
“Bác nhìn lên bầu trời có những chiếc máy bay Pháp chở tù binh về và đặt tên Võ Hòa Bình cho cô con gái mới sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là một trong những cảnh quay gây xúc động. Điều này cũng thể hiện rõ ước vọng hòa bình của Bác” - Bùi Bài Bình chia sẻ.
Phim khép lại bằng hình ảnh Hà Nội rực rỡ cờ hoa trong ngày giải phóng.
Ngoài hình tượng về vị lãnh tụ cả đời vì nước vì dân, tình cảm và nỗi niềm riêng dù thoáng qua cũng được tác giả kịch bản chú ý. “Ở Bác Hồ, cái riêng cái chung có lẽ đã hòa làm một. Gia đình là điều riêng tư của mỗi người phải không? Bác đã lấy Tổ quốc làm gia đình, đồng bào làm người thân. Bác lo cho Tổ quốc chính là lo cho gia đình” - tác giả kịch bản nói.
Anh nói thêm, trong Nhà tiên tri cũng có đôi ba chỗ Bác rơi lệ. Đó là khi đứng bên mộ anh chiến sĩ thông tin đã bị tắt thở vì cố chạy thật nhanh về báo mật tin. Đó là khi cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh trong khi đóng giả Bác để đánh lạc hướng quân địch. Phút Bác đang tiễn quân địch bại trận về nước thì nghe tin anh Cả Khiêm mất...
Nhà Tiên tri chiếu khai mạc đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, diễn ra từ 19/8 đến 5/9 trên khắp cả nước. Trong đợt phim này, khán giả có cơ hội xem phim truyện Mộ gió, phim tài liệu 70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng gồm 2 tập của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất; phim hoạt hình Kim Đồng do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất. |
Nhật Vũ
Thể thao & Văn hóa