Phim 'Ngủ với hồn ma': Đúng nghĩa 16+ và hạn chế người yếu tim
“Những lúc một mình... chưa chắc đã một mình…” là câu quảng bá rất đúng tinh thần của phim này, nơi người ma - ma người không dễ phân biệt. Cho nên, đây là phim chỉ để tìm kiếm cảm giác về nỗi sợ, chứ không phải để kể lại, vì kể chẳng có ý nghĩa gì.
Kịch bản Ngủ với hồn ma được Bá Vũ chuyển thể từ 3 truyện ngắn trong tập truyện Không có ma của nhà văn Hoàng Anh Tú. Khởi động từ năm 2005, Bá Vũ đã tốn nhiều thời gian và sự tính toán để kết nối 3 câu chuyện có chung cảm hứng nhưng rời rạc thành một chỉnh thể. Thông điệp của Bá Vũ là: “Ma chính là phần đen tối nhất của con người”.
Nỗi sợ là mục đích
Tách cốt truyện thành hai phần khá riêng biệt, phần của Mỹ Lan (do Kim Tuyến thủ vai) cho nửa đầu, và phần của Thiện Tâm (Băng Khuê) - Khương Duy (Hồ Vĩnh Anh) cho nửa sau. Chúng được ráp nối bằng vài chi tiết nhỏ, trong đó có phân đoạn mang tính diễn giải sau cùng, chỉ hiện lên khi phim đã hết. Cách tách truyện này vừa làm cho khán giả ú tim, vì chẳng biết Mỹ Lan và Thiện Tâm liên hệ thế nào; vừa là cách để ẩn giấu tuyến truyện nhằm gia tăng sự hồi hộp.
Chọn thủ pháp kiểu “liên tưởng xa” là một cách làm phiêu lưu, nếu đạo diễn không chắc tay, đường dây câu chuyện sẽ rời rạc, hoặc tình huống kịch tính bị tiết lộ sớm, làm người xem mất hứng. Bá Vũ đã thành công với cách này, nó cho thấy một tính toán hợp lý, cách dựng phim logic.
Phim được dán nhãn 16+ là hoàn toàn chuẩn, vì trẻ em không nên chứng kiến những ám ảnh quá mức. Cũng như không nên bị cuốn vào một thực tại người ma - ma người khá phức tạp, dễ ảnh hưởng đến sự phát triển lành lặn của tâm lý.
Và có lẽ cũng cần cảnh báo thêm với những khán giả có bệnh về tim, hoặc có vấn đề về tâm lý. Rõ ràng phim này được làm với mục đích là tạo nỗi sợ và sự căng thẳng cho người xem thích cảm giác hồi hộp, những ai không thích điều này thì cần cân nhắc trước khi mua vé.
Đạo diễn khéo léo
Lâu nay Bá Vũ được xem là “người của” dòng phim nghệ thuật hoặc kiệt tác, bởi anh đã viết, đã phê bình, giới thiệu… hàng trăm phim trên các phương tiện truyền thông, các trường đại học, cà phê điện ảnh. Cho nên, khi biết tin anh viết kịch bản và đạo diễn một phim giải trí, chỉ để “nhát ma”, nhiều người rất ái ngại, vì sợ nó phản phé lại chọn lựa về chỗ đứng của anh lâu nay. Rất may, vì sự gọn gàng trong tay nghề, đúng chủ đích từ ban đầu, nên Ngủ với hồn ma đã không “phản chủ”, bởi đây là một chọn lựa có ý thức và có ý thích.
Phim của Bá Vũ giống như món ăn quen, được chế biến hợp khẩu vị, nên dù quán cũ món cũ mà vẫn luôn đông khách. Bởi xét về câu chuyện thì phim này không mới, kịch bản được viết ở cấp độ bình thường, cách làm phim khá giản dị, đầu tư ở mức thấp, nên thành công của Ngủ với hồn ma chỉ đến từ công tác đạo diễn. Bá Vũ là một đạo diễn khéo léo. Bởi với dòng phim kinh dị, vốn quá nhiều trên thế giới và tại Việt Nam, để làm được một tình huống mới đã khó, chứ đừng nói một kịch bản mới, lạ.
Cuối cùng, một điều cũng đáng khen là cách chọn 3 diễn viên chính khá phù hợp, họ đã lột tả được ý đồ của kịch bản. Nhất là cách diễn lành lạnh, gương mặt trơ trơ của Băng Khuê đã cho thấy nhân vật này không phải là dạng thường đâu. Nhân vật này cần sự giằng co về thật/giả, nếu diễn “quá người” hoặc “quá ma” thì chủ đích bí mật của câu chuyện bị sụp đổ.