Phim kinh dị Việt: Có gì ngoài người chết hiện hồn?
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, sự xuất hiện của các phim kinh dị Việt ngoài rạp đã nhiều hơn. Nhưng khi xem các bộ phim Việt, đã đến lúc đặt câu hỏi nghiêm túc đối với những người làm phim: Tại sao một đất nước có tiếng là đời sống tâm linh đa dạng, hay nói nặng hơn là mê tín mà mảng phim kinh dị lại trùng lặp một khác khó hiểu đến vậy?
Không thiếu chất liệu… ma
Mê tín thì ở đâu cũng có, có thứ là hàng nhập khẩu kiểu thứ 6 ngày 13. Cốt yếu là những nền điện ảnh ngoại khai thác một cách triệt để, tới mức gần như cạn kiệt các yếu tố kinh dị trong đời sống của họ.
Khán giả Mỹ đã bội thực phim Zombie, Vampire, thảm họa sinh học dạo gần đây. Phim Hồng Kông- Đại Lục đào bới về hồn ma, cương thi suốt những thập niên 80. Thái Lan mươi năm trở lại thì ném hầu như tất cả mọi thứ ghê rợn mà họ có được lên màn ảnh như vắt sữa…
Những cảnh kinh dị kinh điển thường không thiếu máu me bạo lực (Cảnh trong phim Exorcrist - 1973, Wiliiam Friedkin).
Nhìn lại, điện ảnh Việt Nam không thiếu chất liệu kinh dị nhưng việc khai thác lại chưa tới đâu. Trong danh sách phim kinh dị nổi bật của điện ảnh Việt: Ngôi nhà bí ẩn, Chết lúc nửa đêm, Suối oan hồn (2007, Nguyễn Chánh Tính); Khi yêu đừng quay đầu lại (2010, Nguyễn Võ Nghiêm Minh); Giao lộ định mệnh (2010, Victor Vũ); Quả tim máu (2013, Victor Vũ) chúng ta thấy duy nhất một chủ đề: hồn ma! Hiếm lắm có Lời nguyền huyết ngải (2011, Bùi Thạc Chuyên) làm về bùa ngải vùng cao. Quá ít ỏi và nghèo nàn.
Trong khi đó, văn hóa Việt Nam chứa đầy những yếu tố để làm nên bữa tiệc phim kinh dị phong phú. Mỹ có ma cà rồng thì Việt Nam có: ma nước, ma gà, ma da, ma xó… Trung Quốc có cương thi, Việt Nam có mộ kết. Thái Lan có chơi ngải, Việt Nam cũng có “thần trùng”, bùa ngải vùng cao.
Địa điểm rùng rợn không thiếu: những ngôi biệt thự thời Pháp thuộc và đồi thông hai mộ ở Đà Lạt, bể xương ở chùa Thầy (Hà Tây). Thậm chí Hỏa Lò còn “vinh dự” lọt top các địa điểm rùng rợn nhất Đông Nam Á. Và nếu ai còn nhớ, tìm mộ - gọi hồn một dạo trước còn hot hơn cả chuyện showbiz.
Vậy mà chúng ta vẫn cứ xào đi xáo lại câu chuyện về người chết hiện hồn một cách đầy cứng nhắc. Quá hiếm những bộ phim khai thác hình tượng hồn ma ở khía cạnh ác linh gieo rắc tội lỗi. Hồn ma nào hiện về cũng chỉ biết đứng nhìn người sống trong bộ dạng máu me rách rưới. Không thấy oan hồn nào biết gào thét vài tiếng, bóp cổ người còn sống bằng bộ mặt nhăn nhúm hoặc đơn giản là giơ dao chặt vài nhát ra trò…
Du trong Khi yêu đừng quay đầu lại, Dượng út trong Suối oan hồn, thai phụ trong Chết lúc nửa đêm, Hồng trong Quả tim máu đều hoặc là hiền lành quá, hoặc là không thể hù dọa cho ra hù dọa. Tìm mỏi mắt mới được một cô Mười biết làm chuyện máu me trong một sản phẩm hợp tác với Hàn Quốc! Không phải cứ tung tóe lục phủ ngũ tạng mới là hay, nhưng một bộ phim mà người sống và người chết cứ trợn mắt nhìn nhau thì liệu có đáng coi là rùng rợn?
Phim Việt vẫn cứ ôm mãi lấy sự cứng nhắc đó. Người chết trong phim Việt cứ mãi dọa ma bằng cách dạy giáo dục công dân nửa vời, dù thực chất đầy những phim kinh dị thế giới cũng nổi tiếng mà chẳng cần gì nhiều ngoài kiểu nhân vật đeo mặt nạ đi khắp nơi giết người vô thưởng vô phạt. Những Jason, Chucky, Freddie… những nhân vật nổi tiếng của điện ảnh kinh dị Mỹ vẫn cứ được khán giả yêu thích mà chẳng cần lên giọng một ý nghĩa nhân văn thừa thãi nào.
Nhân vật hài hước khiến bộ phim giảm chất rùng rợn (Cảnh phim Quả Tim máu - 2013 Victor Vũ)
Món quen chưa ngon, khó làm món lạ
Nếu đào sâu vào nội dung, phim kinh dị Việt Nam còn chứa đầy những nghịch lý như sự xuất hiện của những nhân vật “không cần thiết”. Những người như Mạc Can (Chết lúc nửa đêm), Thái Hòa (Quả tim máu) diễn tốt, nhập vai tự nhiên nhưng kiểu nhân vật gây hài đó lại làm cho kịch bản bị xé vụn. Bầu không khí rùng rợn ma quái mất bao công mới xây dụng được cuối cùng tan biến vì những câu thoại cợt nhả hoặc khuôn mặt “mới nhìn đã thấy buồn cười”…
Phim vừa la hét vừa cười chỉ nên hiểu là món lạ được trưng lên khi thị trường hù dọa đã quá thừa mứa như Mỹ hoặc Thái Lan. Còn với nền điện ảnh mà phim kinh dị ít ỏi như Việt Nam thì sự lạm dụng đó chưa hẳn là đúng. Tương tự, cảnh sát xuất hiện quá thường xuyên dù với phim kinh dị, tuýp nhân vật này là tối kị.
Cách xử lý đoạn kết phim Việt cũng chưa thoát ra khỏi lối mòn. Ở phim ngoại, không phải ngẫu nhiên mà trước (thậm chí sau) khi phim chạy credit, khán giả thường được thấy một ngôi mộ bật nắp hoặc kẻ đã chết lởn vởn đâu đó. Kết mở kiểu vậy duy trì sự ám ảnh vượt ra ngoài thời lượng phim, để khán giả bước ra khỏi rạp với đầy những câu hỏi rằng phim đã thật sự kết thúc? Tiếc thay, không một nhà biên kịch hay đạo diễn người Việt dám làm tới ở khoản này khi cứ hết phim là ma quỉ biến mất và chấm hết đầy hụt hẫng.
Không thiếu diễn viên, đạo diễn, ý tưởng chất lượng nhưng thiếu tư duy làm phim sáng tạo. Cứ như vậy không biết đến bao giờ bức tranh phim kinh dị Việt Nam mới hết ảm đạm?
Nhật Minh