Phim đồng tính của Park Chan Wook sẽ 'rinh' Cành cọ Vàng?
(Thethaovanhoa.vn) - The Handmaiden, bộ phim mới nhất của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook, đã được chiếu giới thiệu tại LHP Cannes tuần qua. Được biết, khán giả đã có mặt tại Nhà hát Lớn Lumiere một tiếng trước khi phim mở màn. Điều này cho thấy, họ rất kỳ vọng vào tác phẩm mới nhất của đạo diễn Park.
Thêm nữa, sau khi phim kết thúc, khán giả đã dành một tràng vỗ tay dài 5 phút nhằm thể hiện sự tán thưởng dành cho nhà làm phim Park, người đang kỳ vọng sẽ được vinh danh lần thứ 3 tại LHP Cannes khi phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng năm nay.Park Chan Wook từng đoạt giải Grand Prix với bộ phim gay cấn mang đề tài báo thù Oldboy (Đồng môn) tại LHP Cannes hồi năm 2004 và đoạt giải của Ban giám khảo với phim gay cấn rùng rợn ma cà rồng Thirst (Người tình ma cà rồng) tại LHP Cannes năm 2009.
Phim đáng chú ý nhất của Park Chan Wook
Phim The Handmaiden có bối cảnh ở Triều Tiên trong những năm 1930, trong thời kỳ Nhật chiếm đóng (Triều Tiên là một thuộc địa của Nhật từ năm 1910 đến năm 1945).
Phim là câu chuyện kể về Fujiwara (Ha Jung Woo), một “kẻ đào mỏ” người Triều Tiên tự nhận mình là bá tước Nhật Bản, thuê một kẻ móc túi tên là Sook He (Kim Tae Ri) làm hầu gái của Hideko (Kim Min Hee), một người thừa kế Nhật Bản giàu có, bí ẩn và mong manh, nhằm giúp ông ta chinh phục được Hideko, đồng thời chiếm được tài sản của cô. Tuy nhiên, câu chuyện lại chuyển hướng khi Hideko lại đem lòng yêu người hầu gái của mình.
The Handmaiden được đạo diễn Park dàn dựng theo tiểu thuyết Fingersmith của nữ văn sĩ Anh Sarah Waters, kể về 3 tên trộm nữ trong thời Victoria (1837-1901).
Tại cuộc họp báo sau màn chiếu phim, đạo diễn Park cho biết: “Những đất nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Mỹ và các nước Nam Mỹ hoàn toàn khác với thế giới mà tôi sống. Đó chính là lý do tại sao tôi luôn tò mò về nền văn học nước ngoài. Điều thú vị nhất trong tiểu thuyết Fingersmith là tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nhân vật.
Những tình thế nan giải đầy xúc cảm của họ, giữa tội lỗi và tình yêu đều rất thú vị. Tôi bị cuốn hút bởi trải nghiệm đầy gian nan của một tên đạo chích trẻ trong câu chuyện gốc, giữa mục đích và những cảm xúc của cô ta.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải làm một bộ phim về các mối quan hệ bên trong đầy phức tạp giữa các cá nhân, có bối cảnh ở Triều Tiên trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Điều quan trọng, The Handmaiden quy tụ những yếu tố khác nhau để tạo nên một bầu không khí lạ thường và hài hòa” – Park Chan Wook cho biết.
Park Chan Wook còn cho biết thêm, bối cảnh trong phim mô tả một dinh thự mang phong cách kiến trúc Anh và Nhật Bản. Các nhân vật thay đổi khi chuyển từ thư viện mang phong cách Anh sang phòng khách mang phong cách Nhật Bản.
“Tôi muốn thể hiện một nỗ lực mới nhằm cho thấy sự hiện đại hóa cũng như mớ lộn xộn của các nền văn hóa ở Triều Tiên trong những năm 1930. The Handmaiden vẫn mang phong cách của những bộ phim mà tôi từng làm. Phim cũng có 4 nhân vật, có thời lượng dài và là một bộ phim hấp dẫn. Tôi nghĩ đây là bộ phim đáng chú ý nhất trong số tất cả các tác phẩm của tôi, bởi nó có nhiều khoảnh khắc nhỏ” – Park Chan Wook nói.
Gay cấn, khiêu dâm và hài hước
Xem phim, khán giả “dán mắt” vào cảnh 2 nữ diễn viên có cảnh giường chiếu đầy nhục dục, song cũng có một số khán giả đã rời ghế của mình khi xem cảnh bạo lực ở phần sau của bộ phim. Khỏa thân và quan hệ đồng tính là những cảnh hiếm có trong các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc.
Một khán giả có tên là Julie cho biết, cô đã đọc tiểu thuyết gốc để xem phim và thấy kinh ngạc khi cốt truyện trong phim khác hẳn truyện gốc. Phim có sức tưởng tượng hơn.
Phim còn nhận được sự cổ vũ của các nhà báo đến từ khắp thế giới tại buổi chiếu cho phóng viên báo chí, trước khi có màn chiếu chính thức tại LHP. Từ sáng sớm, họ đã tới chật các nhà hát Lumiere và Debussy, hai địa điểm chiếu phim dành cho báo chí. Cuộc họp báo sau đó đã có sự tham dự của 100 nhà báo, trong đó có nhiều phóng viên ảnh.
“Mọi sự kỳ vọng đều được đáp ứng trong bộ phim The Handmaiden đầy tinh tế của đạo diễn Park Chan Wood. Đây là bộ phim gay cấn, khiêu dâm, hài hước đồng thời là câu chuyện tình đầy ắp những điều thú vị dễ chịu, khiến cho 2 tiếng rưỡi trôi qua thật nhanh.
Cho dù cảnh khỏa thân và ngôn ngữ trụy lạc trong phim chỉ phù hợp với khán giả người lớn, song phim không hề rẻ tiền và phô trương. Xét theo khía cạnh bạo lực, phim vẫn mang phong cách đặc trưng của Park Chan Wook, vẫn mang cuộc sống đời thường đến kinh ngạc” - Deborah Young, cây bút của tờ Hollywood Reporter, nhận định.
Không hề cảm thấy khó chịu khi quay cảnh quan hệ đồng tính |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa