Phim 'Điệp vụ chân dài' hay video tấu hài?
(Thethaovanhoa.vn) - Bỏ qua chuyện đời tư để xét riêng nội tại phim Điệp vụ chân dài (vừa công chiếu), có thể nói Nguyễn Quang Tuyến thuộc kiểu đạo diễn “đại gia” làm phim, với khá nhiều điều kiện thuận lợi. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, đến phim này - cũng như phim Cầu vồng không sắc ra rạp hồi 20/3/2015 - “đại gia” vẫn chưa thể trở thành đạo diễn thực thụ.
Cả hai phim, ngoài đạo diễn, viết kịch bản, Nguyễn Quang Tuyến còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất để một phim thành hình: nhà sản xuất. Vì vừa đạo diễn vừa sản xuất, nên cả hai phim đều được đầu tư ở mức độ khá, nếu so với mặt bằng sản xuất phim Việt.
“Hết thuốc chữa”
Cả hai phim đều có ý tưởng tương đối táo bạo, gay cấn, nhưng đều thiếu một kịch bản đủ chiều sâu và độ chín để đem lại cảm xúc sâu lắng cho người xem. Vì vậy, nếu Cầu vồng không sắc rơi vào sự giáo điều trong việc quy kết đồng tính vào vấn đề đạo đức, thì Điệp vụ chân dài dễ dãi trong việc ca ngợi sự tài trí của giới điều tra tội phạm.
Trên thế giới, đặc biệt với Hollywood và Hàn Quốc, những phim có ý tưởng tốt nhưng kịch bản tồi, việc duy nhất các nhà sản xuất phải làm là tìm “bác sĩ kịch bản” để cứu chữa. Riêng các phim dạng “bom tấn” thì việc phản biện và dùng đến nhiều bác sĩ kịch bản là việc đương nhiên.
Tại Việt Nam thời gian gần đây cũng đã xuất hiện những bác sĩ kịch bản giống như vậy, họ đã góp phần tạo ra những tác phẩm tốt hơn. Điều đáng ngại duy nhất là khi cầm kịch bản trên tay mà không đủ khách quan, tỉnh táo để nhận xét xem nó có cần sửa hay không. Nếu rơi vào trường hợp này thì đúng là “hết thuốc chữa”.
Cả hai phim đều rơi vào cái lỗi khá căn bản: đánh mất trục chính câu chuyện. Trong Cầu vồng không sắc, người xem khá băn khoăn giữa tâm trạng đang yêu, đầy màu hồng của hai chàng trai, với tâm trạng rối bời, đầy màu xám của người mẹ.
Trong Điệp vụ chân dài cũng vậy, trục chính câu chuyện là các cô gái - chàng trai làm nghề bán dâm, là những tú ông - tú bà, hay là các chiến sĩ điều tra? Không xác định được trục chính thì rất khó để kể một câu chuyện có lớp lang, khó tạo ra điểm nhấn hoặc chiều sâu, cảm xúc.
Cả hai phim đều “bị” các diễn viên dẫn dắt, khiến dấu ấn của đạo diễn trở nên mờ nhạt. Ví dụ như trong Điệp vụ chân dài, những mảng miếng hài của Lê Dương Bảo Lâm (vai Khắc) quá mang dấu ấn riêng của một quán quân đến từ chương trình Cười xuyên Việt. Dấu ấn riêng là quan trọng, nhưng đạo diễn phải điều phối để họ phù hợp vai diễn và kịch bản. Ở đây, do kịch bản rời rạc, trong khi đất diễn dành cho Khắc - đáng lẽ là vai thứ chính - lại trở nên lất lướt thành vai chính, với nhiều phân đoạn rời rạc, “rẽ lối” thành video tấu hài.
Tham vọng của phim là khắc họa các khía cạnh: chân dài đi khách; “thánh cô cô bóc” làm dậy sóng showbiz; ngóc ngách đời tư đen tối của người nổi tiếng… Nhưng kết quả lại biến thành một phim hài nhảm, pha đôi chút điều tra, hình sự... dễ dãi.
“Cửa thoát hiểm”mang tên Lotte
Mấy năm qua, nhà phát hành Lotte Cinema Việt Nam trở thành “cửa thoát hiểm” của nhiều đạo diễn và nhà sản xuất dạng “tay ngang xuất chiêu”.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, hành động rộng cửa này đã góp phần kích thích việc xuất hiện các nhà làm phim mới. Bởi nếu chiếu theo tiêu chuẩn của các nhà nhà phát hành khác tại Việt Nam thì những phim kiểu Hay không bằng hên, Điệp vụ chân dài… thật khó được họ vui vẻ ủng hộ.
Thế nhưng, nếu nhìn ở khía cạnh tiêu cực, thì việc rộng cửa này có thể gây nên ảo tưởng rằng phim ảnh là để “dạo chơi”, rất dễ làm. Năm 2015, Việt Nam làm hơn 40 phim chiếu rạp, nhưng chỉ hơn 30% trong số đó thuộc diện nghiêm túc (chưa hẳn nghiêm túc đã là hay), còn lại được làm khá dễ dãi.
Nếu tình trạng dễ dãi này mở rộng và xâm thực sâu rộng hơn vào thị trường phim thì cái thời phim “mì ăn liền” sẽ sớm quay trở lại.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa