Phim “Đất mặn”: Nỗi niềm giữ đất...
|
Là một đạo diễn dạn dày kinh nghiệm phim trường, vô cùng kỹ tính khi làm nghề, một người thầy mực thước trên giảng đường Trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nhưng trong buổi chiếu giới thiệu phim “Đất mặn” ngày 26.6, đạo diễn Nguyễn Tường Phương không thể giấu được sự hồi hộp khi xem lại những tập phim - thành quả của 6 năm chuẩn bị từ ý tưởng đến “nhờ” người viết kịch bản và 2 năm thực hiện.
“Bao nhiêu năm nay, đất đai ở xứ mình luôn là vấn đề thời sự hàng đầu. “Đất mặn” đã chạm đến vấn đề gai góc này, nhưng tôi nghĩ mình đã tìm được cách thích hợp để nói ra và như vậy còn dễ chịu hơn là để mọi thứ cứ trôi đi trong im lặng...”, Nguyễn Tường Phương chia sẻ. Để các phóng viên, trong đó có những phóng viên trẻ sinh ra ở chốn thị thành rõ hơn về phim, về “những bài học nông thôn” từ cư dân miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Tường Phương không ngần ngại “thị phạm” cách người nông dân Nam Bộ xưa cấy, gặt lúa khéo y boong “ba bó chắc giạ”, giới thiệu các loại nông cụ phần nhiều đã biến mất những năm gần đây trong cơn lốc đô thị hóa, hiện chỉ còn lay lắt ở nhà một số nông dân, được họ hồ hởi phục dựng lại với mục đích... để làm phim: Phảng, cù móc, nọc cấy mạ...
“Chúng tôi nhờ hẳn một kỹ sư nông nghiệp của tỉnh Cà Mau nghiên cứu trồng lại giống lúa cao. Trong phim, chúng tôi để nông dân cấy lúa hai lần không phải để phim thêm... lạ, mà muốn cho thấy giá trị mồ hôi nước mắt của người nông dân đổ xuống” - đạo diễn nói.
“Đất mặn” tái hiện lại lịch sử quá trình nam tiến của người dân Ngũ Quảng (miền Trung) đi khai hoang vùng tây sông Hậu - vùng đất cực nam của tổ quốc, từ những năm ba mươi thế kỷ trước cho tới nay. Kịch bản phim do biên kịch Võ Đắc Dự viết với phần lớn nội dung dựa trên các tập bút ký “Đồng cỏ chát”, “Nỗi niềm U Minh Hạ” của nhà văn Võ Đắc Danh và trường ca “Đồng” của nhà văn Nguyễn Trọng Tín. Trong chuyện phim (thông qua hai nhân vật trung tâm là Ba Mạnh, Sáu Trung) về cuộc chiến mở đất, giữ và “xài” đất, khán giả có thể thấy một điều - nông dân thời nào cũng cơ cực trên mảnh ruộng của họ...
Điểm nhấn của phim là cái cách “xài” đất ra sao, đặc biệt trong thời nay, khi những chủ trương mới, chính sách mới kéo người nông dân rời xa mảnh đất cha ông để lại cho họ, khi đất đai bị giải tỏa, nhường chỗ cho những dự án sân golf, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị... “Thấy lại những ấu trĩ của thời bao cấp trong chính sách sử dụng đất đai, nhưng chúng tôi không chỉ bùi ngùi nhớ chuyện xưa, chúng tôi vỗ tay hoan hô, ủng hộ sự phát triển, nhưng vẫn luôn đau đáu về vấn đề sử dụng đất vô tội vạ... Làm phim, chúng tôi càng hiểu rõ, đất không chỉ là đất, mà là tinh thần, là sinh mạng nông dân. Chúng tôi cố gắng nhìn chuyện đất đai bằng góc nhìn của người nông dân. Nông dân không đất, như cua mất càng” - Nguyễn Tường Phương nói.
Luôn “quán triệt” quan điểm làm phim “phim là để xem, chứ không phải để nghe”, nên trong “Đất mặn”, Nguyễn Tường Phương không để các nhân vật thoại những câu thâm sâu, chua cay... Ông sử dụng nhiều hình ảnh gợi tả thể hiện một cách sâu sắc khi nông dân bị cái đói bủa vây, lòng tham vặt của người nông dân, vì đất mất hết cả tình thân máu mủ, khát vọng muốn làm một người nông dân tốt, sinh sống trên mảnh đất cha ông mình để lại, sự cần thiết của đất đối với người nông dân...
Nhưng do phim trải dài hơn 80 năm, nên việc sử dụng thủ pháp quá khứ xen hiện tại trong phim có thể khiến khán giả sẽ hơi rối khi xem. Và mặc dù, Nguyễn Tường Phương - vốn nổi danh ở TFS là một đạo diễn cố gắng chỉn chu trong từng chi tiết - người xem khó có thể “bới móc”, nhưng, trong diễn xuất của một vài diễn viên, khán giả vẫn thấy còn chút gượng gạo...
Trong bối cảnh hiện thực là thời gian gần đây xảy ra một số vụ nóng về đất đai ở một số địa phương và truyền hình đã, đang chiếu một số phim về nông thôn miền Bắc, “Đất mặn” - một bộ phim đề tài nông thôn - đáng được nhận sự quan tâm của khán giả.
Theo Lao Động