Phim 'Chàng vợ của em': Một cú chạm tinh tế
(Thethaovanhoa.vn) - Một kịch bản dù được Việt hóa, nhưng ngọt rất lịm. Một câu chuyện giản dị hết sức, nhưng cách kể khiến khán giả có thể bắt gặp mình ở đâu đó. Và trên hết, thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải chưa bao giờ mất đi giá trị trong đời sống. Đó là những gì có thể tìm thấy trong phim Chàng vợ của em (đạo diễn: Charlie Nguyễn), chính thức công chiếu toàn quốc từ ngày 24/8/2016.
- Đạo diễn Charlie Nguyễn: 'Thích những phim phiêu lưu, càng khó càng hấp dẫn'
- Thái Hòa, Kaity Nguyễn đầu quân 'Cú té Trời tính' của Charlie Nguyễn
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Busy Woman Seeks Wife của Annie Sandersn (Anh quốc), ê-kíp thực hiện nhào nặn, tinh chỉnh để tạo nên một kịch bản thật sự mượt mà, trau chuốt. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Giản dị, gần gũi
Sở dĩ nói xem Chàng vợ của em, khán giả có thể bắt gặp mình ở đâu đó, bởi phim có sự đan cài nhiều tuyến câu chuyện khác nhau, nhưng tuyến nào cũng gần gũi.
Đó là chuyện tình đẩy đưa - đưa đẩy giữa hai nhân vật chính Hùng (Thái Hòa) và Mai (Phương Anh Đào) khi được đặt để vào những hoàn cảnh trớ trêu. Sẽ chẳng còn lạ lẫm gì khi một cô nàng xinh đẹp, bội phần giỏi giang, thành đạt ở công ty nhưng bừa bộn, lười nhác việc nhà, luôn muốn tìm được một “chàng vợ” làm hậu phương vững chắc. Những câu chuyện như thế, trong xã hội hiện đại không hiếm.
Đó là câu chuyện về tình anh em, người luôn sống trong ân hận của quá khứ, chấp nhận hy sinh bản thân, vừa làm anh, vừa làm mẹ để chu toàn đến chân tơ kẽ tóc cho em gái. Đó là câu chuyện về tình mẫu tử, câu chuyện về bạn bè, về đồng nghiệp…
Từng ấy câu chuyện, kể lể dài dòng nhưng kỳ thực đã được đan cài khéo léo, lại rất tinh tế, chứ không rời rạc. Dĩ nhiên, trong việc triển khai các tuyến truyện ấy, vẫn còn những hạt sạn có thể bắt lỗi. Ví dụ câu chuyện về tình mẫu tử thiên về kể lể và kết thúc quá rốt ráo, nhưng thiếu đi một chút xúc tác đủ mạnh để thay đổi hoàn toàn tình thế.
Phim thuộc thể loại rom-com (hài, lãng mạn). Nếu Thái Hòa đã từng đóng đinh ông vua phòng vé với hình ảnh một chị Hội nức tiếng, hoặc những vai hài chọc cười bằng hình thể, lời thoại, thì với Hùng trong phim này, đó là một sự lột xác. Thái Hòa chẳng cần lên gân, bởi anh chỉ cần giản dị, một chút ngô nghê và thật đời là đã ra nhân vật. Vậy nên, Thái Hòa diễn như không diễn.
Những câu thoại đắt giá đến tỉnh rượi nhưng đủ để chọc cười khán giả. Cười, nhưng không cười cho có, bởi khán giả cũng cần chiêm nghiệm và soi rọi chính bản thân mình trong nhân vật ấy.
Bên cạnh một Thái Hòa đã quá nghề, rất may phim có được “lính mới” Phương Anh Đào, nhưng không hề tỏ ra lép vế. Anh Đào dù còn non kinh nghiệm phim trường, chưa bộc lộ hết được sự tinh quái về diễn xuất nội tâm, nhưng là một lựa chọn đúng, vì tươi mới. Cô ra dáng một nữ doanh nhân thành đạt, sắc sảo, sang trọng nhưng cũng rất phụ nữ. Bạn diễn đặc biệt của cả hai - một chú chó tên Heo - cũng là điểm sáng đầy thú vị, khiến khán giả cứ phải tấm tắc…
Có hai điểm hơi đáng tiếc của dàn diễn viên. Hứa Vĩ Văn không dở, nhưng chưa thể tươi mới trong hình tượng một soái ca mưu mô. Thuận Nguyễn có lẽ chỉ nên là một tín đồ thời trang ở tuổi U70, chứ đừng đóng phim, vì mỗi lần anh cất lời (chỉ vài lần) đã khiến khán giả “cụt hứng”.
Thông điệp ý nghĩa, tự nhiên
Phim tất nhiên không hẳn là đời và đời không phải cứ phải bê nguyên xi lên phim là thành công. Tính toán một cách kỹ lưỡng, hợp lý, Chàng vợ của em đã cân bằng giữa đời và phim. Những câu chuyện tưởng chừng không mới ấy nhưng đã được khai thác vừa đủ, với phần thoại sắc bén, hệ thống tình huống khá logic.
Một bộ phim dù dụng công đến mấy về kỹ thuật dàn dựng, nhưng thiếu cảm xúc, thiếu thông điệp thì chắc chắn cũng thất bại. Thông điệp của Chàng vợ của em tuy không mới, nhưng nó không cần lên gân để khiến khán giả có cảm nhận rằng, mọi thứ sao mà tất yếu và giáo điều. Trong bộn bề xã hội, giữa hàng triệu triệu người, tưởng tìm được một nửa của mình là dễ, nhưng thật ra khó lắm, nhất là người như hình mẫu mà mình vẽ ra.
Khi sống trong vỏ bọc, đôi khi con người ta không thể nhận ra giá trị của tình thân, chỉ khi tạm rời xa nó, mới thật sự thấm thía. Nếu chỉ khư khư những ẩn ức trong lòng, không cởi bỏ định kiến thì ngay cả tình mẫu tử cũng dần nhạt nhòa theo tháng năm. Và khi ván bài đời lật ngửa, ta mới thực sự biết bản chất của một con người, những tưởng hào hoa, phong nhã, yêu ta say đắm, nhưng đó chỉ là một kịch sĩ không hơn không kém.
Điều thấm thía nhất ở Chàng vợ của em chính là những thông điệp về gia đình. Cuộc sống này dẫu hiện đại, tiện nghi của thời đại công nghệ 4.0, nhưng có những thứ bất di bất dịch chẳng bao giờ đổi thay. Ví dụ như tiếng nói yêu thương của vợ, những bữa cơm nhà, những lời xin lỗi thật chân tình. Một món cá kho tộ, một tô canh khổ qua... sẽ chẳng có gì thay thế được, kể cả những cao lương mỹ vị. Cơm nhà chính là nơi gắn kết tình thân, là nơi để ta trở về sau bao bộn bề của lo toan, căng thẳng. Những bữa cơm như thế trong Chàng vợ của em đã được bày biện khéo léo, hợp lý, trở thành cú chạm tinh tế để hóa giải những cách ngăn, lầm tưởng để bước đến yêu thương, sẻ chia.
Ngọc Lan