Phim 'Bằng chứng vô hình': Một động lực để khán giả đến rạp
(Thethaovanhoa.vn) - Các rạp chiếu phim tại Việt Nam vẫn đang khá đìu hiu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, dù giãn cách xã hội không còn. Nếu muốn tìm chút động lực để ra rạp và ủng hộ phim Việt, thì Bằng chứng vô hình (đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh) đang chiếu xứng đáng là một chọn lựa. Thông qua Hội chợ phim Cannes trực tuyến 2020, phim này đã được hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mua để phát hành.
Đây là phiên bản Việt của phim Blind (Nhân chứng mù, đạo diễn: Ahn Sang Hoon), ra mắt năm 2011, rất thành công tại Hàn Quốc và Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã mua bản quyền phim này để làm lại. Phim là cuộc đối đầu giữa cô gái mù Thu (Phương Anh Đào thủ vai) và gã bác sĩ biến thái Lê (Quang Tuấn).
Biết người biết ta
Khác hẳn về tiết tấu và tông màu của phim đầu tay Thưa mẹ con đi, Trịnh Đình Lê Minh đã kể được câu chuyện đúng chất 18+ trong Bằng chứng vô hình. Gần như không có nỗ lực làm khác phim Blind, mà chỉ muốn chuyển hương vị câu chuyện vào bối cảnh TP.HCM. Xét ở khía cạnh này thì ê-kíp đã khá thành công và khá biết người biết ta, bởi để làm khác một tác phẩm từng đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Grand Bell Awards năm 2011 thì không hề đơn giản.
Cách làm này cũng đã giúp một đạo diễn chưa nhiều kinh nghiệm như Trịnh Đình Lê Minh khắc phục được những thách thức, những rối rắm, để tập trung vào những điều mà bản thân đang làm chủ. Đầu tiên, đó là sự chọn vai và chỉ đạo diễn xuất, khi mà Phương Anh Đào và Quang Tuấn đã hóa thân khá xuất sắc.
Nếu Phương Anh Đào biểu cảm nhuần nhuyễn nhân vật mù, thì Quang Tuấn biểu cảm tài tình nhân vật biến thái. Vai Hòa, nữ cảnh sát điều tra của Ái Phương tuy không mới, nhưng nhờ hợp vai, nên vẫn thành một điểm nhấn cho câu chuyện chung.
Ngay cả nhân vật Ben (Golden), con chó cưng và là tai mắt của Thu, cũng có diễn xuất khá tuyệt vời. Phân đoạn Ben chiến đấu với tên bác sĩ biến thái để cứu Thu và bị giết chết bởi nhiều nhát dao thật sự gây xúc động, dễ lấy nước mắt của khán giả.
Một yếu tố tạo ấn tượng khác, theo diễn viên Hồng Ánh, đó là hiệu ứng âm nhạc và âm thanh trong phim này. Hồng Ánh nhận xét: “Có thể nói đạo diễn đã sử dụng thật xuất sắc để tạo hiệu quả, đẩy cảm xúc hồi hộp, lo lắng và ám ảnh... Âm nhạc đã tạo ra không gian, một thế giới riêng cho các nhân vật, đặc biệt là thế giới ma mị, bất ổn tâm lý của gã bác sĩ thẩm mỹ biến thái, bệnh hoạn. Khi âm nhạc kết hợp thật hiệu quả với hiệu ứng âm thanh đã làm tăng sự kích thích cảm xúc của người xem lên cao độ, phim đã có những trường đoạn độc đáo được kể bởi nhịp điệu âm nhạc và âm thanh xuất sắc”. Âm nhạc do Trần Hữu Tuấn Bách đảm trách, còn âm thanh do Peter Mulheron thiết kế.
Điểm sáng về quay phim
Thẳng thắn nhìn nhận thì dù phim là “cuộc chơi gốc” của quay phim, nhưng phim Việt chiếu rạp trong khoảng 10 năm gần đây thường ít chú ý đến sáng tạo ở khía cạnh quay phim, dù máy móc đã tốt hơn và thuận lợi hơn rất nhiều. Đa số bị rơi vào 2 thái cực phổ biến: Hoặc không chú ý đến việc kể chuyện bằng quay phim, hoặc kể đèm đẹp theo kiểu bưu thiếp, kiểu MV ca nhạc.
Tuy chưa phải là mới mẻ, nhưng rõ ràng Bằng chứng vô hình đã chú trọng ngay từ đầu việc kể chuyện bằng quay phim, nhất là những cảnh cận, giúp lột tả được ý đồ của kịch bản, cũng như cách kể của đạo diễn.
Những góc quay cận và chuyển góc máy làm ta liên tưởng đến cách quay phim Lấy chồng người ta (2012) của Lưu Huỳnh, dù về chất thì 2 phim hoàn toàn khác nhau. Việc quay phim do đạo diễn hình ảnh Dominic Pereira và cộng sự thực hiện, với phần dựng phim của Quyền Ngô và phần hậu kỳ của Bách NN.
Văn Bảy