Phía sau những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên (kỳ 1): Hồi ức riêng và tuổi thơ chung của nhiều thế hệ
Cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con (NXB Kim Đồng) là hồi ức tuổi thơ của tác giả Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - về những khúc ca nổi tiếng viết cho thiếu nhi của bố mình.
Cuốn sách là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây cũng là món quà sinh nhật mà tác giả Phạm Hồng Tuyến dành tặng bố mình nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của ông.
Từ hồi ức cá nhân…
Tại buổi ra mắt sách được tổ chức cuối tuần qua, những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan… của nhạc sĩ Phạm Tuyên thu thanh 50 năm trước đã vang lên đầy xúc động. Đáng nói, những ca khúc được phát lại chính là giọng hát 50 năm trước của cô bé Phạm Hồng Tuyến, người đầu tiên hát những ca khúc thiếu nhi của bố mình.
50 năm sau, khi nhắc nhớ về những câu chuyện xung quanh những ca khúc nổi tiếng của bố, tác giả Phạm Hồng Tuyến không khỏi xúc động. "Đây là những bài hát không chỉ lớn lên cùng mỗi Tuyến. Tất cả chúng mình đều lớn lên cùng với những bài hát ấy" - cô nói - "Đúng là những bài này bố viết cho tôi trước, khi con đi mẫu giáo về đòi và bố phải viết bài hát cho mình bằng được. Thế nhưng, cuối cùng tất cả thế hệ của tôi, thế hệ sau tôi và cả những thế hệ thiếu nhi sau khác nữa cũng vẫn hát những bài hát đó".
Ký ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát thiếu nhi đầu tiên của bố. Khi 5 tuổi, chị thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái "tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh". Trường cháu là trường mầm non là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng ngôi trường mà cô con gái Phạm Hồng Tuyến theo học, giờ đã trở thành bài "Mầm non ca" - cùng với Cả tuần đều ngoan, bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc. Rồi khi Hồng Tuyến vào lớp 1 và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp 1, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời Thu Hà Nội, Theo cánh đu bay…
Nhà báo Tạ Bích Loan, bạn thân của tác giả Phạm Hồng Tuyến và cũng là một nhân vật góp mặt trong cuốn sách, nhận xét: "Đây không chỉ là một tập hồi ức, một món quà của con tặng bố, mà đó còn là những hồi ức mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau. Khi đọc lại câu chuyện của Tuyến, chúng ta đang thấy những ký ức của các thời kỳ được nhắc lại và mỗi người đều có thể nhìn thấy mình trong đó".
"Khi Tuyến viết những câu chuyện này, tại sao chị ấy chạm được vào tất cả trái tim chúng ta? Là bởi chị nói đến những câu chuyện rất cụ thể, chân thực, bằng sự hồn nhiên, giản dị và rất khiêm tốn. Tuyến gợi lại ký ức về những thời kỳ rất quan trọng của đất nước mà chúng ta đã cùng nhau được trải qua" - bà Loan nói -Vì thế, qua những câu chuyện được kể, chúng ta thêm yêu quý, thêm tự hào không chỉ về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên mà còn về những thế hệ người Việt Nam đã sống và chiến đấu một thời".
Đọc sách, độc giả sẽ thấy đó không chỉ là ký ức riêng tư của tác giả Phạm Hồng Tuyến. Nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn bó với những người bạn đồng trang lứa của chị, khi thì là các bạn ở tại khu tập thể Khương Thượng, lúc lại là các bạn cùng học lớp 12A chuyên Nga, trường Lý Thường Kiệt… Nói cách khác, những ký ức cá nhân đã trở thành ký ức chung của mọi người trong cuốn sách.
Thực tế, tác giả Phạm Hồng Tuyến cho biết: Khoảng 10 năm trước, khi tham gia mạng xã hội, lần đầu tiên chị được nghe giọng hát ngày còn bé của mình qua mạng. Cũng từ đó, chị bắt đầu chia sẻ những bài hát của bố do chị thể hiện cùng với những câu chuyện xung quanh và nhận được nhiều sự hưởng ứng của mọi người. Những bài hát Trường cháu là trường mầm non hay Tiễn thầy giáo đi bộ đội khi được chia sẻ đã có rất nhiều người đồng cảm và kể rằng họ cũng có một tuổi thơ như chị, cũng từng hát và nghe những bài hát đó. Thậm chí, có đến 5 người cùng nhận họ có học thầy giáo Việt dạy văn, nguyên mẫu trong bài hát Tiễn thầy giáo đi bộ đội.
Có thể nói, mỗi bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con. Để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi.
Nhân chứng nghệ thuật đi theo cuộc đời bố
Đến với Bài hát lớn lên cùng con, người đọc sẽ gặp một "khung trời hoài niệm" về các bài hát. Đó là những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Với những "khuôn hình" hồi ức, người đọc có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Ở đó không chỉ có câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, mà còn có những câu chuyện của một thế hệ, giống như những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuông nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam.
Điển hình, ca khúc Tiễn thầy giáo đi bộ đội của nhạc sĩ Phạm Tuyên, không đơn thuần chỉ là một ca khúc thiếu nhi trong sáng mà còn phản ánh cả một thời kỳ lịch sử chiến đấu anh dũng của dân tộc.
Như lời nhà báo Tạ Bích Loan, đất nước chúng ta đã có nhiều lần tiễn học sinh, sinh viên, thầy giáo đi bộ đội. Như năm 1971, chúng ta đã tiễn một thế hệ sinh viên các trường Tổng hợp, Bách khoa lên đường để tham gia cuộc chiến đấu trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Nhưng, việc phải nói về những cuộc tiễn đưa, chia ly với những em bé như Hồng Tuyến ngày đó không đơn giản. Và Tiễn thầy giáo đi bộ đội của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời với ca từ gần gũi, đúng với tình cảm của thiếu nhi thời chiến và thực sự chạm được vào trái tim của nhiều thế hệ.
"Bài hát khiến mọi người nhớ tới một thời đẹp, giản dị nhưng cũng nói lên một thực tế: Khi chiến tranh xảy ra, những học sinh, những em bé cũng phải tiễn thầy đi bộ đội. Những thầy giáo dạy văn (như thầy Việt - nguyên mẫu trong bài hát Tiễn thầy giáo đi bộ đội) cũng phải gác lại giáo án để làm nhiệm vụ với Tổ quốc" - bà Loan nói - "Ở đây, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhìn ra được một câu chuyện rộng hơn, mà tưởng như rất tình cờ, của cô con gái chia sẻ với bố. Đó không chỉ là câu chuyện của con mình, của lớp con mình, của thầy giáo con mình mà là chuyện của Việt Nam trong một thời đạn bom, máu lửa".
Như thế, những bài hát đi vào lòng người như Tiễn thầy giáo đi bộ đội của nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ là những tình cảm giản dị, trong sáng của thiếu nhi Việt Nam một thời. Xa hơn, chúng gói trong đó những thông điệp sâu sắc về ý chí, về lòng quyết tâm và những giá trị tinh thần của dân tộc, để rồi từ đó lan tỏa qua nhiều thế hệ.
"Cuốn sách kể cho chúng ta nghe những câu chuyện, những cảm xúc cá nhân của người nhạc sĩ với sự ra đời của những bài hát vô cùng xúc động như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng hay Tiến lên đoàn viên… Đó là những bài hát mang những âm hưởng thôi thúc mọi thế hệ" - nhà báo Tạ Bích Loan nói - "Nhưng những bài hát đó ra đời như thế nào? Nhạc sĩ đã cảm xúc như thế nào để viết ra được? Câu trả lời nằm ở cuốn sách quý giámà Tuyến viết chính từ trải nghiệm của một người con lớn lên cạnh bố mình. Người con gái ấy đã chứng kiến, đã biết bố xúc động ra sao và bố đã ghi nhận cuộc đời, ghi nhận những câu chuyện một thời và đã sáng tác như thế nào".
Và rõ ràng, ở đây Phạm Hồng Tuyến không chỉ là ca sĩ nhí thu thanh đầu tiên những bài hát thiếu nhi của bố. Hơn thế, chị còn là nhân chứng nghệ thuật đi theo cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Không nhớ tên nhưng vẫn thuộc lời
Có một hiện tượng thú vị: Với hầu hết những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên - dù cho người lớn hay cho thiếu nhi - có rất nhiều thế hệ người Việt Nam không nhớ tên bài hát, thậm chí không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn thuộc lòng. Họ gọi tên những bài hát đó bằng câu hát đầu tiên như "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo" (bài Cô và Mẹ), hay "Ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy" (bài Trường cháu là trường mầm non)…
Lý giải hiện tượng này, nhà báo Tạ Bích Loan nói: " Những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn mang theo rung động cá nhân, mang theo cái tôi của người nghệ sĩ. Và cái tôi này chỉ có thể tồn tại khi nhạc sĩ sống trong lòng dân tộc, sống và chiến đấu cùng nhân dân trong đạn bom, trong thử thách".
(Còn tiếp)