Phía sau 1 cuộc trở về...
Sáng hôm qua (11/8), lãnh đạo 2 đội bóng của TP.HCM đã có buổi làm việc với người đứng đầu thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. Đó đương nhiên không phải là một dịp gặp mặt vui vẻ, mà là thể hiện sự “sốt ruột” của lãnh đạo thành phố với thực trạng của làng cầu lừng danh một thời này.
1. Trước đó, trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 11 V-League 2022 giữa Sài Gòn FC và HAGL chiều 5/8 trên sân Thống Nhất lần đầu tiên kể từ năm 2003, cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức chính thức làm việc với tư cách là một người của bóng đá TP.HCM.
Đó là màn ra mắt không thể tệ hơn khi Sài Gòn FC nhận thất bại đầu tiên trên sân nhà và chìm sâu dưới bảng xếp hạng. Kết quả thì không bất ngờ với tình trạng của Sài Gòn FC suốt 2 năm qua. Nếu năm ngoái mà V-League không hủy bỏ, có khi Sài Gòn FC giờ đang đá hạng Nhất không biết chừng. Thế nên, cái gật đầu của Lê Huỳnh Đức với đội chót bảng là một bất ngờ.
Thời điểm ông Đức chia tay với SHB Đà Nẵng lần thứ 2 hồi tháng 5/2021, 2 đại diện của bóng đá TP.HCM là Sài Gòn FC và CLB TP.HCM cũng đang lâm vào hoàn cảnh tồi tệ và Lê Huỳnh Đức không có dấu hiệu nào sẽ quay về nơi mình trưởng thành.
Điều này cũng không lạ bởi với sự nghiệp đồ sộ của mình, Lê Huỳnh Đức luôn có nhiều lựa chọn. Vậy nhưng khi tình cảnh của Sài Gòn FC thậm chí còn bi đát hơn năm trước, thì nhà cầm quân họ Lê lại đồng ý nhảy lên “con tàu đắm”.
Công bằng mà nói, sẽ khó có một điều kỳ diệu nào xảy ra ở Sài Gòn FC hiện nay. Đội bóng này yếu và thiếu rất nhiều, nếu chỉ có thêm một Lê Huỳnh Đức mà họ trụ hạng cuối mùa, cũng đã là thành công lớn. Nhưng chắc chắn là GĐKT Lê Huỳnh Đức không thể cam kết được gì với các ông chủ mới. Sự có mặt của cựu danh thủ họ Lê, vì thế, càng khiến người ta không biết đằng sau đó là gì.
2. Sự nghiệp của Lê Huỳnh Đức gắn liền với 2 chữ “quyền lực”. Anh rời Sài thành mang theo mình bí ẩn về cái gọi là “quyền lực đen” 19 năm trước. Tại Đà Nẵng, vị thế của Lê Huỳnh Đức gần như bất khả xâm phạm suốt một thời gian dài, lấn át mọi thành viên khác của đội bóng.
Nhiều cầu thủ ngôi sao, tuyển thủ quốc gia có thể trong một đêm bị đưa vào ghế dự bị, hoặc chuyển xuống đá đội trẻ mà chẳng ai biết lý do. Cách điều hành đội bóng thô ráp của ông Đức gây khó chịu cho nhiều người xung quanh nhưng thành công mà ông đem lại đã khỏa lấp các rắc rối. Thích hay không thích Lê Huỳnh Đức, thì cũng phải thừa nhận một điều: Đây là một HLV có nguyên tắc, biết cách tạo ra quyền lực và không cho phép ai chạm đến.
Và đó chắc chẳn cũng là Lê Huỳnh Đức ở Sài Gòn FC. Đây không thể là một “điệp vụ giải cứu” để giúp Sài Gòn FC trụ hạng, mà có thể là khởi đầu cho một điều gì mới lạ vẫn còn nằm đâu đó trong hậu trường. Cũng cần phải chú ý đến chi tiết, Sài Gòn FC vốn có nguồn gốc là đội của bầu Hiển, tức một thời là “anh em” cùng Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng.
Việc Lê Huỳnh Đức chấp nhận làm việc tại đội đang đứng chót bảng, có khi đã được “bật đèn xanh” từ ông chủ cũ. Một người lão luyện, khôn ngoan, cá tính mạnh như Lê Huỳnh Đức sẽ chẳng bao giờ thực hiện chuyến phiêu lưu nào mà không biết trước mình sẽ có cái gì. Giả sử như sắp đến quyền lực của Lê Huỳnh Đức tại Sài Gòn FC còn lớn hơn cả chức danh GĐKT ông đang đảm nhiệm, thì cũng là chuyện bình thường.
Sài Gòn FC loay hoay suốt 3 năm qua trong tay ông chủ mới nhưng chẳng có chuyện gì đạt hiệu quả. Sau khi về thứ 3 ở V-League 2020, họ thay đổi gần như toàn bộ đội hình để “cắt bỏ” mối quan hệ với bầu Hiển, và kết quả là lao dốc về thành tích đến mức 2 năm liền đều đối diện với nguy cơ xuống hạng. Sự có mặt của Lê Huỳnh Đức cũng cho thấy các ông chủ Sài Gòn FC chưa từ bỏ nhanh chóng.
3. Cũng vì thế mà cuộc gặp của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên sáng 11/8 có vẻ không phải tình cờ. Tình hình của 2 đội bóng đã khiến các cấp lãnh đạo khác nhau của thành phố không thể ngồi yên được nữa.
Tính từ lúc đoạt danh hiệu vô địch quốc gia lần cuối ở mùa 2001/2002 đến nay là tròn 20 năm, đã có đến 6 đội bóng khác nhau của TP.HCM góp mặt tại V-League, lần lượt là Cảng Sài Gòn (sau là Thép-Cảng), Công an TP.HCM (Ngân hàng Đông Á), rồi Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn và bây giờ là CLB TP.HCM và Sài Gòn FC. Cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoặc miền Trung - Tây Nguyên rộng như thế mà cũng chỉ có chừng đó số đội tương tự trong cùng thời gian đó mà thôi.
Tuy nhiên, nếu giai đoạn 2000-2007, các đội như Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Bưu điện TP.HCM hay Đá Mỹ Nghệ, Khách sạn Khải Hoàn … dù đá V-League hay hạng Nhất đều có gốc gác thành phố, thì từ 2009 đến nay, toàn phải “vay mượn”. Navibank Sài Gòn có gốc từ Quân khu 4, Sài Gòn Xuân Thành là đội Hà Tĩnh chuyển vào, xuất phát điểm của Sài Gòn FC vốn là đội Hà Nội B, sau khi thăng hạng năm 2016 thì chuyển vào và đổi tên.
Đội TP.HCM ban đầu là tuyến trẻ của thành phố, nhưng sau khi thăng hạng và chuyển giao cho Công ty Bình Minh thì thay đổi toàn bộ. Dàn quản lý, lãnh đạo và cầu thủ đều được “Nghệ An hóa”. Thế mới có chuyện trận “chung kết ngược” giữa Sài Gòn FC với Nam Định mới đây trên sân Thống Nhất, chỉ có hơn 2.000 khán giả đến sân và hầu hết là CĐV… Nam Định. Người dân thành phố không còn quan tâm đến các đội bóng nhà.
Chưa hết, Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) gần như không còn tham gia vào hoạt động của các CLB do không được tham vấn. Mối quan hệ của 2 đội bóng V-League với nhau, cũng như với các nhà quản lý thể thao TP.HCM, cũng hầu như không tồn tại. Hệ thống đào tạo trẻ của CLB TP.HCM thì đặt tại Bà Rịa- Vũng Tàu, của Sài Gòn FC thì được cho là nằm tại Hưng Yên, sau khi tập đoàn chủ quản của họ tiếp nhận Trung tâm PVF. Liên đoàn Bóng đá TP.HCM nay chỉ còn lo mảng bóng đá nữ, futsal hoặc bóng đá học đường.
Sự trở về của những “người con Sài Gòn” một thời như Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức … dường như chỉ là giải pháp cuối cùng và điều đó, chẳng khác gì thừa nhận sự thất bại trong cách làm bóng đá của làng túc cầu thành phố suốt thời gian qua.
Không biết cuộc gặp giữa lãnh đạo thành phố và các đội bóng có đủ để cứu vãn tình hình hay không, bởi nói cho cùng, sau 20 năm trắng tay thì có muốn làm lại điều gì vào lúc này cũng không hề đơn giản.
Trong bối cảnh bóng đá bước vào sân chơi chuyên nghiệp, trong buổi gặp gỡ với 2 đội bóng thành phố, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng những người làm bóng đá cũng phải chuyển đổi tư duy, không chấp nhận cách làm nửa vời, thiếu tính bền vững. “Chỉ khi nào cầu thủ chơi bóng bằng tâm huyết, trách nhiệm thì nền bóng đá thành phố mới phát triển bền vững, góp phần tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Sài Gòn - TP.HCM” |
Quang Việt