Phát triển du lịch xứ Thanh: Phải tiếp tục xây dựng các tiêu chí chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự
(Thethaovanhoa.vn) - Xứ Thanh – mảnh đất hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là cửa ngõ kết nối các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ với hệ thống tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, “hội sơn tụ thủy” với mạch nguồn văn hóa danh giá từ thuở bình minh của loài người.
Bên cạnh đó, xứ Thanh có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất tốt là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa thu hút được khách du lịch ngày một nhiều hơn.
Chắt lọc từ vốn tài nguyên sẵn có, căn cứ vào thị hiếu và nhu cầu của du khách, ngành du lịch tỉnh nhà trong những năm qua đã tích cực xây dựng các sản phẩm mang tính bền vững, bảo vệ được tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Đặc biệt, từ năm 2017, khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn Thanh Hóa đến năm 2025, tần nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định sản phẩm mũi nhọn là du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh cùng với các sản phẩm du lịch khác như: Du lịch sinh thái sông, hồ, vui chơi, giải trí, làng nghề... Đây được xem là một trong những cơ sở quan trọng nhằm tập trung ưu tiên các nguồn lực hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Thanh Hóa trên những chặng đường tiếp theo.
Được xác định là sản phẩm du lịch mũi nhọn, trong những năm qua, du lịch biển đảo từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung; cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến thu hút dự án tại các khu du lịch biển được tập trung ưu tiên triển khai, đặc biệt tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ du lịch biển. Công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch biển thông qua việc tập trung truyền thông, tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch. Vào những ngày tháng 4 nắng dịu ngọt, đến với các lễ hội du lịch của vùng đất biển xứ Thanh, du khách không khỏi ấn tượng bởi một “Hải Tiến – tình đất, tình người” – Lễ hội du lịch biển Hải Tiến 2019 hay “Sắc màu biển ngọc” – Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2019 với dàn xe hoa lộng lẫy, vũ điệu nóng bỏng của những vũ công châu Âu tại Carnival đường phố lần đầu tiên được tổ chức nơi đây. Riêng Khu du lịch biển Hải Tiến đã được chính quyền địa phương tập trung, quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực đầu tư đường giao thông kết nối khu du lịch, cầu, bến tàu thủy, bổ sung các dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng nên có tốc độ phát triển khá nhanh so với một số khu du lịch biển khác. Một số khu du lịch biển đang trong quá trình khai phá, dần “nên hình nên dạng”, bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch và được đưa vào quản lý như: Bãi Đông (huyện Tĩnh Gia), các khu ven biển huyện Quảng Xương.
- Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... những bãi biển đẹp để du lịch Thanh Hóa vươn xa
- Du lịch Thanh Hóa thu 120 tỷ đồng chỉ trong dịp nghỉ lễ 2/9
Bên cạnh các sản phẩm mũi nhọn du lịch biển, sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa tâm linh được chú trọng phát huy giá trị, bước đầu thu hút đáng kể số lượng khách du lịch tham gia trải nghiệm. Nhiều đề án phát triển đã được xây dựng và triển khai nhằm thể hiện sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ban, ngành đối với loại hình sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: Đề án khai thác, phát huy giá trị tại Khu Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc... Hằng năm, tỉnh phê duyệt danh mục và triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, tập trung ưu tiên các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, đền, chùa, miếu, mạo... đạt kết quả tích cực. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô lớn: Lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội đền Sòng Sơn, lễ hội bánh chưng bánh dày... đã trở thành một phần quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh.
Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng bước đầu được xây dựng khá thành công, trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa, dần hình thành chỗ đứng và sức hút riêng đối với du khách. Phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, tích cực, chủ động đầu tư, khai thác, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương: Xã Trí Nang (huyện Lang Chánh), xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) và các huyện: Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa. Trên cơ sở đó, nhiều điểm, tour, tuyến du lịch hình thành và tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước: Làng Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn (Khu du lịch Pù Luông – Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy), bản Ngàm (huyện Quan Sơn). Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được triển khai, như: Đề án phát triển tuyến du lịch đường sông, hình thành sản phẩm du lịch “ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ Khu du lịch biển Hải Tiến... Đặc biệt, tour du lịch kết nối từ bản Ngàm, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đến Viêng Xay (Hủa Phăn) của nước bạn Lào mới được công bố và đưa vào trải nghiệm cách đây không lâu hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch mang lại cho du khách nhiều độc đáo, thú vị.
Từ những đánh giá cụ thể cho từng loại hình, có thể thấy được rất rõ bức tranh toàn cảnh về sản phẩm du lịch xứ Thanh trong thời gian qua. Các sản phẩm đã dần được hình thành rõ nét, nhất là các sản phẩm du lịch biển với nhiều chuyển biến tích cực, được du khách đón nhận, đánh giá cao. Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng có triển vọng phát triển tốt, không chỉ thu hút khách trong nước mà từng bước đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của du khách quốc tế. Sản phẩm du lịch đường thủy dần được hoàn thiện và mở rộng quy mô, chất lượng. Du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cùng với kết quả đã đạt được, hệ thống sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đa dạng loại hình, cải thiện chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện nhưng hệ thống sản phẩm du lịch Thanh Hóa vẫn thiếu những sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế. Ngay cả sản phẩm du lịch mũi nhọn biển cũng mới chỉ tập trung đáp ứng phân khúc thị trường khách có mức chi tiêu trung bình đến khá. Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh được xem là lợi thế nhưng chậm phát huy hiệu quả. Việc hình thành và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới để khắc phục tình trạng “du lịch một mùa” còn khiêm tốn...
Những điểm hạn chế trong phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa đặt ra bài toán với nhiều luận đề khó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý ngành phải hình thành được điểm nhìn, hướng tiếp cận, xử lý vấn đề một cách có chiều sâu, hướng tới mục toàn diện và bền vững. Trong đó, việc tiếp tục xây dựng và đảm bảo các tiêu chí chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện đã, đang và sẽ là những hướng đi đúng đắn để du lịch xứ Thanh “cất cánh”, tiếp tục bay cao, bay xa trong tương lai.
Phạm Huy