Phát lộ khu tháp Chăm là tháp mộ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/12, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức báo cáo kết quả khai quật đền - tháp Chăm di tích Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang). Cuộc khai quật đã xác định được gần như toàn bộ quy mô, mặt bằng và cấu trúc nền móng kiến trúc đền - tháp Chăm trong khu vực.
Di tích gồm 3 đền – tháp, đều có bình đồ hình vuông hoặc gần vuông, trong đó tháp Giữa được xây dựng sớm (thế kỷ 10 – 11) và có quy mô lớn nhất, tháp Bắc và tháp Nam được bổ sung sau và nhỏ hơn. Ngoài ra, còn có tháp Cổng và nhà dài.
Vật liệu tham gia xây dựng kiến trúc chủ yếu là gạch, ngói và đá. Tuy nhiên, sự vắng mặt của ngói lợp trong khu vực nhà dài khiến các nhà khảo cổ nghĩ đến khả năng kiến trúc nhà dài có bộ khung bằng gỗ, mái lợp bằng tranh tre, nứa lá hoặc mái vòm bằng gạch?
Các hiện vật đồ gốm trong đền - tháp |
Phần nền móng được liên kết bằng các phụ gia có độ kết dính cao như nhựa cây và đất sét trộn với gạch non, sỏi phong hóa hoặc cát. Phần tường tháp vẫn theo kỹ thuật chung của cư dân Chăm là xếp gạch tạo mặt bằng hai bên có chất liên kết. Các trụ tường, trụ ốp cửa… sử dụng kỹ thuật mài chập tạo mặt phẳng cho việc khắc tạc trực tiếp hoa văn trên mặt tường gạch.
Các đề tài trang trí chủ yếu vẫn là hình tượng chim thần Garuda, tay lửa, lá đề…về cơ bản vẫn là phong cách thô ráp và nổi khói. Sự nghèo nàn của các sản phẩm điêu khắc, sự vắng mặt của các tượng đá cho thấy đây là một khu đền - tháp mang phong cách địa phương, nơi giáp ranh giữa miền xuôi và miền ngược.
2. Có thể nói di tích Cấm Mít là một trong các phế tích tháp Chăm hiếm hoi được làm rõ mặt bằng của cả 3 tháp chính cùng tháp Cổng, nhà dài. Bố cục, quy mô, cấu trúc của mặt bằng di tích cho thấy, ngoài chức năng là đền - tháp thờ các vị thần, với việc xuất hiện của vò gốm men đựng tro cốt và đồ tùy táng, nơi đây có thể còn mang vai trò của tháp mộ.
Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết: “Với việc khai quật di tích Cấm Mít, lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội nghiên cứu cụ thể kỹ lưỡng về kết cấu tháp Chăm, vì đã đào đến tận sinh thổ”.
Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở đặt ra vẫn là làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Phương án trước mắt là lấp cát, trả mặt bằng cho người dân, khi nào có điều kiện lại tiếp tục khai quật. Nhưng trước hết, phải hoàn thiện bản vẽ về khu đền- tháp và đưa các hiện vật khai quật được về bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa