Phát hiện kinh ngạc: Điện thoại không nghe lén, chúng đang dùng cách "đáng sợ" này để theo dõi chúng ta
Các nhà quảng cáo dễ dàng đưa ra phỏng đoán chính xác về những gì bạn đang nói và đang nghe thấy mà không cần thực hiện bất cứ bản ghi âm nào.
"Tôi thề là chiếc điện thoại đang nghe lén tôi, tôi đã bắt gặp một quảng cáo đúng về thứ mà tôi vừa nói tới" – Chắc hẳn bạn đã không ít lần nghe ai đó nói câu này.
Không thể phủ nhận rằng các nhà quảng cáo trực tuyến đã dùng cách nào đó để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ trùng khớp với thứ bạn vừa nói, hoặc thậm chí vừa nghĩ tới. Vậy thì điện thoại của bạn rút cuộc đã theo dõi bạn bằng cách nào? Chúng có nghe lén hay không?
Điện thoại không nghe lén, mà làm điều "đáng sợ" hơn
Sự thật là chiếc điện thoại của bạn không hề ghi âm lại các cuộc trò chuyện của bạn rồi tải chúng lên một số máy chủ từ xa để các máy này tiến hành phân tích nhằm tạo quảng cáo, sau đó chiếu phát quảng cáo đó lên điện thoại của bạn.
Thoạt nghe, bạn sẽ thấy thật khó tin. Làm sao chúng có thể không nghe lén bạn mà lại đưa ra quảng cáo với độ trùng khớp cao như vậy?
Song, theo chuyên gia công nghệ Mỹ Jordan Gloor, điện thoại của bạn "chắc chắn không theo dõi các cuộc hội thoại của bạn", ít nhất là các cuộc hội thoại bằng giọng nói.
Về mặt kỹ thuật, đúng là các trợ lý ảo như Alexa và Google Assistant sẽ ghi lại các đoạn âm thanh khi bạn sử dụng các từ/cụm từ đã được cài đặt để "đánh thức" và ra lệnh cho chúng.
Đôi lúc, những đoạn ghi âm này sẽ được tải lên máy chủ để nhà cung cấp có thể khắc phục lỗi và tinh chỉnh phản hồi cho các trợ lý ảo. Trong lúc bạn ra lệnh cho trợ lý ảo, các cuộc trò chuyện nền (nếu có) cũng sẽ được ghi âm.
Tuy nhiên, những đoạn ghi âm này không phải là phương thức để đưa các quảng cáo xuất hiện. Sự thật về cách điện thoại giám sát bạn nghe còn "đáng sợ" hơn nhiều.
Các nhà quảng cáo "không cần nghe lén" bạn
Điều đáng lo ngại là các nhà quảng cáo dễ dàng đưa ra phỏng đoán chính xác về những gì bạn đang nói và đang nghe thấy mà không cần thực hiện bất cứ bản ghi âm nào.
Họ có thể nắm bắt các xu hướng hiện tại và ghép nối chúng với những thông tin cơ bản mà họ có được về bạn, ví dụ như vị trí, lịch sử tìm kiếm, thói quen mua sắm, thói quen hàng ngày… để đánh giá xem những người như bạn (và các vòng kết nối bạn tham gia) quan tâm đến điều gì.
Có một điều hiển nhiên là: Khi bạn quan tâm bất cứ điều gì, bạn đều sẽ có xu hướng nói về nó.
Ví dụ, bạn gặp một người bạn tại quán cà phê. Ngay trước khi gặp bạn, người này vừa xem qua giá bán của máy làm bánh panini trên Amazon. Sau đó, trong cuộc trò chuyện với bạn, họ tình cờ thả một câu: "Dạo này mình cứ thấy thèm một chiếc panini ấy".
Bạn phớt lờ câu nói vu vơ đó và tiếp tục nói chuyện khác, tuy nhiên, lần tiếp theo khi bạn truy cập trực tuyến, quảng cáo đầu tiên bạn nhìn thấy lại là về máy làm bánh panini.
Phải chăng điện thoại thông minh của bạn đã phân tích câu nói của người bạn đó rồi quyết định rằng nên bán thử cho bạn một chiếc máy làm bánh panini?
Câu trả lời là "Không!". Google chỉ lấy một vài điểm dữ liệu đơn giản và ghép nối hai phía lại với nhau.
Từ lịch sử duyệt web của người bạn trên, thật dễ dàng để thấy rằng người này đang quan tâm tới máy làm bánh panini. Ngoài ra, dữ liệu định vị vị trí địa lý được thu thập từ điện thoại của bạn và người bạn này cho thấy hai người đang dành thời gian cho nhau.
Không cần tới ghi âm để biết được giữa hai phía có điều gì đó liên quan, chỉ cần theo dõi dữ liệu tiêu chuẩn và kết hợp với một chút phỏng đoán logic là được.
Việc món bánh panini xuất hiện trong cuộc trò chuyện chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, và khả năng nó xuất hiện khá cao, bởi như đã nói ở trên, khi xét theo hành vi của con người, bạn quan tâm bất cứ điều gì, bạn đều sẽ có xu hướng nói về nó.
Ghi âm cuộc trò chuyện "hoàn toàn không khả thi"
Đẩy các quảng cáo trùng khớp với những gì người dùng đang nghĩ hoặc đang nói tới thực sự mang lại hiệu quả cao đối với các nhà quảng cáo.
Theo chuyên gia Gloor, về mặt kỹ thuật, phần mềm trên điện thoại của bạn hoàn toàn có thể lén ghi âm lại và tải nó lên máy chủ từ xa.
Tuy nhiên, tất cả những thao tác đó sẽ gây áp lực rất lớn lên tài nguyên điện thoại của bạn, làm cạn kiệt pin và có khả năng khiến mức sử dụng dữ liệu của bạn tăng vọt. Từ những dấu hiệu này, bạn dễ dàng nhận ra điện thoại của mình "đang có vấn đề".
Một số loại phần mềm gián điệp có thể đảm nhận việc thu âm các đoạn hội thoại của bạn nhưng chi phí để lây nhiễm chúng vào điện thoại của bạn không hề nhỏ.
Mặt khác, xét về độ lớn dung lượng, bản ghi âm giọng nói với chất lượng tốt sẽ có dung lượng rất lớn nếu so sánh với các dữ liệu khác như lịch sử tìm kiếm hay vị trí gần đây nhất của bạn.
Hãy tưởng tượng các tài nguyên cần thiết để chuyển, lưu trữ và xử lý âm thanh từ điện thoại di động của hàng tỷ người dùng trong suốt cả ngay. Nó không khả thi với bất cứ nhà quảng cáo nào, ngay cả đối với "gã khổng lồ công nghệ" như Google.
Làm thế nào ngăn chặn những quảng cáo "đáng sợ" đó?
Việc tắt tiếng micro điện thoại sẽ không thực sự mang lại cho bạn quyền riêng tư như bạn tưởng. Vậy bạn có thể làm gì để ngăn những quảng cáo trùng khớp đáng sợ đó xuất hiện?
Thật không may, những gì bạn có thể làm được không nhiều. Bạn có thể giảm thiểu lượng dữ liệu thu thập được thông qua điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trong tài khoản Google. Sử dụng VPN kết hợp với chế độ duyệt web riêng tư cũng có thể khiến các nhà quảng cáo khó theo dõi hoạt động duyệt web của bạn hơn.