Phát hiện kho bản thảo từ thời trung cổ được dùng… để đóng bìa sách
(Thethaovanhoa.vn) – Bằng công nghệ mới, các học giả và các nhà khoa học Hà Lan đang đọc các mảnh bản thảo có tuổi đời tới 1.300 năm, vốn được dùng để đóng bìa sách. Trong số này có cả bản thảo của tu sĩ Saint Bede từ thế kỷ thứ 8.
Rất nhiều bản thảo thời trung cổ đã được tái chế, dùng để dán vào lớp bên trong của bìa sách nhằm mục đích cho cuốn sách thêm cứng cáp. Bằng kỹ thuật X quang, các nhà khoa học và học giả đang tìm cách đọc lại những bản thảo – vốn không giải mã được bằng mắt thường – nhờ mực thời trung cổ có pha sắt, đồng và kẽm.
Nhờ công nghệ mới, có thể truy cập vào “thư viện ẩn” này mà không cần tháo bìa sách ra. Những bìa sách này được đóng trong khoảng từ thế kỷ 15 tới 18, có chứa những bản thảo lâu đời hơi nhiều, có thể từ thế kỷ thứ 9 hoặc xa hơn. Việc đóng bìa bằng cách tái chế những cuốn sách viết tay từ thời trung cổ dần trở nên lỗi thời khi công nghệ in ấn ra đời.
Khi công nghệ in ấn chưa phát triển, nhiều bản thảo được tái chế để làm bìa sách
“Thật tuyệt vời nếu tìm thấy bản thảo thời xưa của Kinh Thánh – văn bản quan trọng bậc nhất thời trung cổ”, tiến sĩ Kwakkel hào hứng. “Nếu tới thư viện Anh Quốc hoặc Bodleian ở Oxford, có thể tìm thấy hàng ngàn bìa sách thế này. Điều đó cho thấy việc này có tiềm năng lớn như thế nào”.
Bước đầu, các học giả đã tìm thấy những mảnh bản thảo từ thế kỷ 12 của tu sĩ Bede – sống ở thế kỷ 8. Thậm chí, có những cuốn, họ có thể tháo rời được nhiều trang văn bản cổ được dán vào với nhau. Còn không, họ có thể đọc được nhờ công nghệ mới.
Giáo sư Joris Dik từ Đại học Công nghệ Delft cho biết công nghệ này không chỉ giúp phát hiện các văn bản ẩn mà còn làm nó dễ đọc hơn. Công nghệ này cũng được dùng để phát hiện các lớp ẩn bên dưới trong tranh của các bậc thầy. Ví dụ như năm 2011, họ phát hiện chân dung tự họa chưa từng được biết tới của Rembrandt ở dưới một tác phẩm khác. Các nghiên cứu của giáo sư Dik được tài trợ bởi Viện hàn lâm Trẻ, thuộc Học viện Nghệ thuật và Khoa học Hoàng gia Hà Lan.
Năm ngoái, Vito Mocella – một nhà khoa học ở Naples cũng cũng tìm ra kỹ thuật dựa vào X quang để giải mã những cuộn giấy cói bị đốt cháy đen và chôn vùi trong tro khi núi lửa Vesuvius hoạt động cách đây 2.000 năm.
Về kỹ thuật của Mocella, giáo sư Dik nhận định: “Chúng tôi đang tìm kiếm nhưng văn bản ẩn dưới những lớp dày hơn. Giấy da và giấy cói tương đối khác nhau. Giấy da dày hơn, khó nhìn qua hơn”.