Phát hiện bộ phận lớn nhất, chưa từng được biết trong cơ thể người
(Thethaovanhoa.vn) - Một nhóm các nhà khoa học Mỹ cho biết đã tìm ra một bộ phận mới có thể là lớn nhất trong cơ thể con người - một phát hiện có thể làm thay đổi những nhận thức lâu nay về giải phẫu học ở người cũng như mở ra giải pháp điều trị ung thư di căn.
Phát hiện nói trên được nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là các nhà khoa học tại trường Y khoa thuộc Đại học New York, công bố trên tạp chí Scientific Reports vào ngày 27/3.
Được gọi là interstitium (khoang kẽ), bộ phận cơ thể mới nói trên là một mạng lưới các khe hở được lấp đầy bởi chất dịch lỏng nằm bên trong các mô trên khắp cơ thể con người.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, phát hiện về interstitium có thể là chìa khóa để tìm ra những biện pháp điều trị hiệu quả đối với những căn bệnh nan y như ung thư.
Theo hãng tin Reuters, trên tạp chí, nhóm nghiên cứu cho biết, interstitium có thể được tìm thấy bên dưới da và giữa các cơ quan trong cơ thể; nó bao quanh các mạnh máu, cơ, bộ máy tiêu hóa và tiết niệu, trong một tầng lớp mà lâu nay vẫn bị cho là mô liên kết đậm đặc.
"Xét về quy mô, chúng tôi đang nói về khoảng 20% trọng lượng chất lỏng trong cơ thể, là không gian tạo nên bộ phận cơ thể lớn nhất này. Nó tương đương khoảng 10 lít chất lỏng", Tiến sĩ Neil Theise, thành viên nhóm nghiên cứu và là giáo sư về bệnh học tại trường Đại học New York, cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ, interstitium đã ẩn giấu đằng sau cái nhìn thông thường của giới khoa học trong nhiều thập kỷ và chỉ được tình cờ phát hiện.
Năm 2015, hai nhà khoa học Petros Benias và David Carr-Locke - khi đó đang làm việc tại Trung tâm y khoa Mount Sinai Beth tại New York, đang xem xét túi mật của một bệnh nhân để tìm dấu hiệu ung thư. Họ sử dụng một kỹ thuật mới gọi là nội soi laser đồng tụ (confocal laser endomicroscopy), cho phép kiểm tra rất kỹ các mô sống. Một đèn soi trong được lắp vào một camera nhỏ, có chức năng như một kính hiển vi, khám xét bên trong cơ thể con người. Nhưng thay vì thấy những mô liên kết đậm đặc như giới khoa học vẫn gọi lâu nay, những gì mà họ thấy lại là những lỗ hổng chưa từng được biết đến trong giải phẫu học cơ thể người. Họ đã nhờ tới sự giúp đỡ của Tiến sĩ Theise, khi đó là đồng nghiệp tại bệnh viện Mount Sinai.
"Những gì chúng tôi thấy là khoảng không mở, đầy chất lỏng, giống như một hàng rào mắt cáo những bó collagen này", Tiến sĩ Theise kể lại.
Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, bộ phận interstitium đã được phát hiện bởi họ đang tìm kiếm các mô sống thay vì mô chết được sử dụng trong những dương bản y khoa thông thường. Theo thông lệ thì để tạo ra các dương bản, các nhà khoa học sử dụng mô đã được "sơ chế" hóa học, được hút hết chất dịch, do đó phá hủy luôn interstitium.
"Một lớp các gói collagen nằm trên mỗi khe hở và trông nó giống như một bức tường bằng collagen", ông Theise giải thích.Chất lỏng này rất giàu protein, được chảy vào hệ bạch huyết - mạng lưới các mạch chuyên chở bạch huyết, vốn là chất lỏng chứa các tế bào bạch cầu có chức năng giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật.
Điều này cho phép giải thích làm thế nào các chất lỏng liên kết đã làm lan tỏa tế bào ung thư ra khắp cơ thể trong giai đoạn di căn. Tuy nhiên, việc hiểu được interstitium cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm ra được liệu pháp đối phó với căn bệnh nan y này.
Trong tương lai, những hiểu biết sâu hơn về interstitium có thể giúp làm chậm lại hoặc ngăn cản quá trình di căn ung thư, cũng như mở ra giải pháp cho nhiều lĩnh vực khác, Tiến sĩ Theise cho biết.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức