Phạt chủ nhà trọ 10 triệu nếu thu tiền điện giá cao, sinh viên vẫn thấp thỏm 'sợ'
(Thethaovanhoa.vn) - Thuê được một phòng trọ giá cả hợp lý, phải chăng đã là một vấn đề nhưng phải "cõng thêm" rất nhiều khoản dịch vụ khác là không ít nỗi lo của các sinh viên cũng như người lao động xa nhà.
Đi học, đi làm xa nhà và phải thuê trọ là chuyện đương nhiên với sinh viên và người lao động. Nhưng tìm được một căn nhà giá cả hợp lý chưa phải là tất cả, bởi rất có thể nhà trọ thì rẻ, nhưng giá điện nước thì chẳng hề thấp chút nào, thậm chí còn gần bằng tiền nhà.
Với tâm lý "1000 - 2000 đồng thì thôi cứ im im cho xong" của nhiều bạn trẻ, mà tại các khu trọ, dù giá điện có bị đội lên cao quá quy định, cũng hiếm có ai lên tiếng phản ánh tình hình này, hơn nữa là cũng chẳng biết kêu ai.
Mới đây, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018. Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân thuê.
Theo đó, tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Chủ nhà trọ nào mà thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn giá quy định sẽ bị xử phạt từ 7 - 10 triệu đồng.
Theo quy định về giá điện hiện nay, đối với một hộ gia đình thông thường, nếu chỉ sử dụng ít hơn hoặc bằng 100 kWh/tháng, giá điện sẽ là 1.600 đồng/kWh. Từ 101 - 400kWh, giá điện là 2.615 đồng/kWh. Sử dụng trên 400kWh sẽ có giá gần 2.702 đồng/kWh.
Sinh viên nói gì?
Thực tế hiện nay, ở các thành phố lớn tập trung một lực lượng sinh viên đông đảo như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, hầu hết những sinh viên thuê trọ đều bị áp một mức giá điện sinh hoạt khá cao ở mức 3.500 - 4.000 đồng/kWh ngay từ số điện đầu tiên. Thậm chí ở một vài địa điểm nóng mà lượng phòng trọ không đủ đáp ứng cho lượng người thuê như khu vực có nhiều trường đại học, khu gần nội thành, chủ trọ luôn sẵn sàng "hét" một mức giá 4.500 - 5.000 đồng/kWh, mà các sinh viên vẫn phải "im lặng là vàng" chịu cảnh hàng tháng gánh tiền điện nước ở một mức giá khá "chát".
Dương Hiền, một sinh viên nữ theo học ngành Du lịch thuộc Đại học Văn Hiến, sống tại T.P Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện tại mình đang ở phòng trọ thuê của hộ gia đình, nên hàng tháng tiền điện khá rẻ. Nhưng ở phòng trọ cũ là thuê từ tư nhân, cũng 3.500 đồng/kWh, nhưng theo mình thì đồng hồ có "vấn đề" nên đo không được chính xác, hàng tháng tiền điện "ngốn" khá nhiều. Chỉ có 2 đèn, 1 quạt, sạc điện thoại, laptop thôi mà tháng cả trăm rưỡi tiền điện, mà hồi đó mình không có nồi cơm điện nấu ăn hay như nào mà đồng hồ vẫn nhảy kinh lắm. Có phản ánh thì cũng chả ích gì vì mình nghĩ là chủ cố tình".
Cùng chung nỗi niềm, Nguyễn Thu Thảo - một sinh viên nữ theo học Đại học Thương mại Hà Nội, hiện tại đang ở trọ tại ngõ 75 Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: "Giá điện mà hàng tháng mình phải trả là 4.500 đồng/kWh, trước đây chỉ 4.000 đồng/kWh thôi. Đây là một mức giá không hề rẻ đối với sinh viên, cộng thêm các khoản phí như tiền nước 35.000 đồng/khối, tiền rác sinh hoạt 30.000/tháng, một tháng số tiền cho các khoản phí này lên tới 300.000 đồng".
Nguyễn Vân Hà, sinh viên ngành Quản lý Văn hóa ĐH Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương cũng cho biết: "Trước kia mình ở Lương Ngọc Quyến, Thanh Xuân, Hà Nội, phòng chỉ khoảng 12 mét vuông, có một cửa sổ nên rất bí bách mà một tháng 1.500.000 đồng. Điện 4.500 đồng/kWh, nước 30.000/khối, mạng internet rất yếu nhưng vẫn thu 100.000/phòng. Thành ra một tháng chỉ riêng tiền cho chỗ ở cũng đã lên tới 1.800.000 - 1.900.000 đồng rồi, mình đành phải ở 3 người để chia tiền, nhưng lại vô cùng chật chội".
Hầu hết ý kiến của các bạn sinh viên đều "chung một chí hướng", cảm thấy mệt mỏi vì phải gánh những khoản chi phí khá lớn trong khi cuộc sống sinh viên vốn dĩ đã không có nhiều điều kiện, đi làm thêm cũng chỉ được 12.000 - 15.000 đồng/giờ làm việc, thu không đủ bù chi.
Vân Hà kể, "Lúc đi tìm phòng, chỉ cần nghe nhà nào có giá điện thấp là mình thích lắm. Cứ nghĩ chỉ 1.000 - 2.000 đồng thôi, nhưng một tháng cũng nhiều khoản nhỏ nhỏ như thế cộng lại thì thành một khoản lớn. Học cả ngày, tối đi làm thêm, giỏi lắm một tháng được hơn một triệu, không đủ để chi vào sinh hoạt rồi".
Khi nghe về đề xuất mới về việc phạt chủ trọ nếu tăng giá điện cao, cô bạn thở dài nói: "Nhưng chủ nhà lại tăng tiền nước, tiền rác, rồi tiền mạng bù vào thì đâu lại vào đấy. Bởi những cái đó đâu có trong quy định".
Dương Hiền tỏ ra rất ủng hộ, Hiền cho biết: "Nếu mình còn ở nhà cũ thì mình rất ủng hộ việc này. Như vậy sẽ đỡ khổ sinh viên và một số người lên thành phố kiếm sống còn khó khăn nhiều. Chứ xăng tăng giá, rồi rau củ quả ngoài chợ tăng giá, điện nước cũng tăng giá thì mọi người biết sống làm sao".
Không chỉ sinh viên, vấn đề giá điện cũng được người dân và công nhân thường xuyên quan tâm. Đề xuất này khiến nhiều bạn sinh viên, nhiều công nhân đi thuê trọ cảm thấy vui mừng và thêm hy vọng. Chỉ một phần nhỏ giảm bớt chi phí trong cuộc sống của những tầng lớp này, cũng khiến mọi thứ của họ nhẹ nhàng hơn.
Nhưng, họ lại đang đứng trước một nỗi lo khác, đó là sau khi giá điện được điều chỉnh lại, thì liệu những chi phí khác có bị tăng lên. Các chủ trọ vốn không thiếu những chiêu trò để kiếm thêm lợi nhuận cho mình, cuối cùng thì "đâu lại vào đấy", khổ vẫn hoàn khổ mà thôi.
Hoàng Yên