Pháp loay hoay xử lý xác những kẻ khủng bố Paris
(Thethaovanhoa.vn) - Lặng lẽ chôn cất? Trao cho gia đình? Trả về quê gốc? Đây là những câu hỏi khó mà chính quyền Pháp đang đau đầu tìm đáp án, liên quan tới việc xử lý thi thể của những kẻ khủng bố, đã gây ra các vụ tấn công chết chóc ở Paris hồi tháng trước.
- Khủng bố Paris: Một tay súng thay đổi quyết định vào phút chót
- 'Hậu' khủng bố Paris: Khủng khiếp vết đạn AK-47 trên các nạn nhân
- Hé lộ 'chợ' súng AK của những kẻ khủng bố Paris
Những cái xác không ai muốn xử lý
"Hoặc gia đình (những kẻ khủng bố) hỏi xin các thi thể hoặc không. Nếu các gia đình những kẻ khủng bố hỏi xin lại các thi thể, họ có quyền tiến hành mai táng ở bất kỳ nơi nào gia đình mong muốn và đã có đất để chôn cất” – ông nói.
Nhưng nếu các gia đình không muốn tiến hành tang lễ, nhà chức trách sẽ phải ra tay xử lý. Francois nói rằng trong bất kỳ tình huống xử lý nào của nhà chức trách, nhiều khả năng những kẻ khủng bố sẽ được chôn trong các ngôi mộ vô danh. Việc này nhằm ngăn cản những kẻ cực đoan tìm tới thăm viếng và tụ họp quanh mộ của các tay khủng bố đã chết.
Tuy nhiên đó chưa phải là thách thức lớn nhất. Trong số 7 tay súng có mang bom tự sát bị tiêu diệt trong các vụ khủng bố diễn ra vào ngày 13/11, mới chỉ có 4 kẻ được nhận dạng chính thức. Trong 3 kẻ nổ tung thân mình bên ngoài sân vận động Stade de France ở khu vực Saint-Denis, một tên được xác định là Bilal Hadfi, 20 tuổi. Gã này sinh tại Pháp và đã sống ở Bỉ trước khi tiến hành khủng bố.
2 kẻ còn lại vẫn chưa được xác định danh tính, dù mang theo hộ chiếu Syria và đi vào Pháp theo đường Hy Lạp. Hai cái tên trên hộ chiếu của chúng có ghi rõ là Ahmad al-Mohammad và Mohammad al-Mahmod. Tuy nhiên nhà chức trách tin rằng đây là hộ chiếu giả.
Thêm 3 tay súng nữa bị tiêu diệt sau khi tấn công nhà hát Bataclan. 2 trong số đó được nhận dạng là Samy Amimour, 28 tuổi và Omar Ismail Mostefai, 29 tuổi, đều mang quốc tịch Pháp. Kẻ tấn công thứ ba vẫn chưa được xác định danh tính.
Cuối cùng phải kể tới Brahim Abdeslam, 31 tuổi, công dân Pháp sống tại Bỉ. Gã đã cho nổ tung thân mình bên ngoài một quán bar ở Đại lộ Voltaire.
3 người khác bị giết trong một vụ tấn công lớn của cảnh sát nhằm vào một căn hộ nằm tại vùng Saint-Denis của thủ đô Paris. Một trong số đó là Abdelhamid Abaaoud, 28 tuổi, mang quốc tịch Bỉ. Người ta nghi ngờ gã là thủ lĩnh nhóm khủng bố Paris.
Kẻ thứ hai là một phụ nữ Pháp gốc Morocco có tên Hasna Aitboulahcen, 26 tuổi. Kẻ thứ ba cho nổ tung thân mình nên vẫn chưa được nhận dạng.
Khi được hãng tin AFP phỏng vấn, thị trưởng các vùng ngoại ô của Paris gồm Drancy (nơi Amimour sinh sống); Courcouronnes (nơi Mostefai chào đời) và Saint-Denis, nơi 3 kẻ đánh bom tự sát cho nổ tung thân mình, đều nói rằng họ chưa được thông báo về bất kỳ kế hoạch nào nhằm chôn cất chúng.
Alexandre Luc-Walton, luật sư của gia đình Amimour, cho biết các thân chủ của ông đang chờ tin từ một viện pháp y. Họ hiện chưa được phép chôn cất gã.
“Chẳng ai tới thăm mộ gã cả”
Ngoại trừ trường hợp của Abaaoud, gã người Bỉ bị nghi là thủ lĩnh của nhóm khủng bố, và những kẻ chưa được nhận diện thì các tay súng còn lại đều mang quốc tịch Pháp. Chúng có thể được chôn cất trong các nghĩa trang ở Paris có khu mai táng dành riêng cho người Hồi giáo.
Có thể kể ra một nghĩa trang như thế nằm ở vùng ngoại ô Thiais, nơi người ta đã mai táng Amedy Coulibaly, gã khủng bố tấn công một siêu thị của người Do Thái hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên nghĩa trang này cho biết họ “chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào nhằm chôn chất những kẻ khủng bố”.
Riva Kastoryano, tác giả cuốn Phải làm gì với thi thể những kẻ cực đoan? nói rằng tại nhiều vụ khủng bố trước đây, những kẻ thủ ác thường được mai táng tại Pháp, nơi chúng có quyền công dân và cũng là nơi cha mẹ chúng sinh sống. Nhưng nếu kẻ khủng bố thuộc về một quốc gia khác thì tình hình sẽ tùy thuộc quan hệ giữa hai nước.
Trong trường hợp Mohammed Merah, kẻ vào năm 2012 đã bắn chết 3 học sinh người Do Thái, một thầy giáo và 3 người lính Pháp, đã không có ai muốn nhận thi thể gã. Kể cả thành phố Toulouse, nơi gã từng sinh sống, hay đất nước Algeria, nơi gã đã rời đi để tới Pháp, cũng đều từ chối xử lý cái xác.
"Thị trưởng (Paris) không muốn tiến hành tang lễ, nhưng việc tiếp tục để thi thể (của Merah) ở nhà xác đã khiến người ta không ngừng nói về gã” - Abdallah Zekri, một quan chức cao cấp tại công trình Đại thánh đường Paris, người đã được mẹ Merah đề nghị tổ chức đám tang cho gã, chia sẻ - “Tôi cũng muốn chôn cất gã thật nhanh để dư luận ngừng bàn tán về gã”.
Ông cũng cho biết thêm rằng nỗi lo mộ của Merah sẽ trở thành nơi những kẻ cực đoan kéo tới thăm viếng đã được chứng minh là không có cơ sở. “Chẳng ai tới thăm mộ của gã cả” - ông nói.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa