Pháp cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1945
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nguy cơ trong năm nay, Pháp sẽ rơi vào đợt suy thoái sâu nhất kể từ cuối năm 1945 do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại một ủy ban Thượng viện, Bộ trưởng Le Maire cho biết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vào năm 2009, Pháp đã chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1945 là -2,2%.
Ông dự báo nhiều nguy cơ nền kinh tế Pháp sẽ ghi nhận mức giảm sâu hơn trong năm nay. Điều này phản ánh mức độ nghiêm trọng của cú sốc kinh tế mà Pháp đang phải đối mặt.
Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 vừa qua. Giới chức nước này cho biết sẽ kéo dài lệnh phong tỏa ít nhất là tới ngày 15/4.
Theo cơ quan thống kê Insee thuộc Bộ Tài chính Pháp, tháng trước, lệnh phong tỏa đã khiến các hoạt động kinh tế bị suy giảm 35%. Ước tính mỗi tháng, việc đóng cửa các doanh nghiệp sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm của Pháp giảm tới 3%. Các ngành dịch vụ, công nghiệp nặng và xây dựng đều chịu tác động nặng nề, do nhà máy đóng cửa và chỉ có những cửa hàng thiết yếu như siêu thị, dược phẩm được hoạt động. Chính phủ Pháp đã cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng với dự chi khoảng 45 tỷ euro (khoảng 49 tỷ USD).
* Lòng tin người tiêu dùng Anh giảm mạnh
Tại Anh, dịch bệnh đã khiến lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 45 năm, trong khi doanh số ô tô đã giảm mạnh hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo trong những tháng tới, tăng trưởng kinh tế Anh có nguy cơ giảm ở mức cao nhất trong một thế kỷ, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn chưa chắc chắn về mức độ phục hồi của kinh tế, khi các biện pháp hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan được nới lỏng.
Các số liệu ngày 6/4 cho thấy hoạt động xây dựng tại Anh trong tháng trước đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, dù ngành này không nằm trong diện bị hạn chế. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân nhìn chung cũng giảm ở mức kỷ lục.
Kết quả khảo sát từ ngày 16/3-27/3 do GfK tiến hành cho thấy lòng tin của người tiêu dùng đã giảm từ mức -9 xuống -34, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Chuyên gia kinh tế Anh Andrew Wishart nhận định sẽ mất một thời gian để người tiêu dùng có thể chi tiêu trở lại sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, do đó thời gian để kinh tế phục hồi từ suy thoái do dịch bệnh sẽ bị kéo dài thêm.
- Dịch COVID-19: Bệnh nhân thứ 122 và 123 khỏi bệnh
- Dịch COVID-19: Châu Âu ghi nhận hơn 50.000 ca tử vong, cao nhất là Italy với 15.887 ca
- Dịch COVID-19: Số ca nhiễm bệnh tại Nga tăng cao kỷ lục trong một ngày
Trong khi đó, theo IHS Markit, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đối với các doanh nghiệp xây dựng, cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục. Các doanh nghiệp xây dựng dự báo hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giảm mạnh hơn trong tháng 4, khi có thêm nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa khiến nhu cầu suy yếu, và yêu cầu giãn cách xã hội tại công sở.
Ngoài ra, các số liệu của Tổ chức Sản xuất và buôn bán ô tô (SMMT) cho thấy số đơn đăng ký xe mới tại Anh trong tháng Ba đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, khi dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến kinh tế và khiến nhiều khách mua tiềm năng phải ở nhà. Con số này thậm chí có thể thấp hơn nếu không có các đơn đặt hàng từ trước.
Theo SMMT, doanh số bán xe trong tháng vừa qua là khoảng 250.000 chiếc, một con số khá thấp khi tháng Ba là một trong hai tháng có doanh số bán chạy nhất trong năm. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 1999.
Trong năm 2019, số lượng đăng ký xe trong tháng Ba chiếm gần 20% trong tổng số đăng ký của cả năm 2019, do đây một trong hai thời điểm trong năm, biển số xe mới được cấp. SMMT dự báo doanh số bán xe trong năm nay sẽ giảm 25% so với năm ngoái xuống còn 1,73 triệu xe.
* Hungary nâng mức thâm hụt ngân sách
Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ nâng mức thâm hụt ngân sách của năm nay từ 1% lên mức 2,7% GDP để có đủ tài chính cho gói kích thích kinh tế, bao gồm các khoản vay hỗ trợ quy mô lớn cho doanh nghiệp.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Orban nêu rõ gói kích thích kinh tế chiếm 18%-20% GDP này, sẽ bao gồm các chương trình của ngân hàng trung ương giúp kinh tế phục hồi sau khi chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19. Theo ông, các khoản vay hỗ trợ cho doanh nghiệp Hungary sẽ vào khoảng 2.000 tỷ forint (tương đương 6 tỷ USD).
Đặng Ánh - TTXVN