Pháo sáng, không quản được thì... cấm?
(Thethaovanhoa.vn) - Sân Hàng Đẫy bị “treo” và phạt tiền 70 triệu vì an ninh không đảm bảo, để CĐV Hải Phòng đốt pháo tràn lan. Đội bóng đất Cảng cũng thêm một lần "hụt két" vì hành vi quậy phá của fan nhà, những người mà đã hơn một lần họ không chịu thừa nhận tư cách Hội CĐV chính thức.
Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong một trận đấu của đội bóng quê hương tại sân chơi V-League, dù diễn ra tại Lạch Tray hay Hàng Đẫy, Thiên Trường, Vinh, Thanh Hóa hoặc bất kỳ sân đấu trong nước nào khác. Đây cũng chẳng phải lần đầu một án phạt được dành cho CĐV Hải Phòng mà mức phạt tiền đã được đưa đến mức kịch khung trong Quy định Kỷ luật VFF.
Ngay cả chuyện cấm CĐV đất Vảng đi sân khách cổ vũ, treo sân, đóng cửa sân đối với những trận đấu có sự góp mặt của CLB Hải Phòng…tất cả những biện pháp kỷ luật nói trên đều đã từng hơn một lần được áp dụng, nhưng năm này qua năm khác... vẫn y nguyên!
VIDEO: CĐV Hải Phòng đốt và ném pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy
Kỷ luật vẫn kỷ luật, vi phạm thì vẫn vi phạm và tất cả các chế tài từ Ban Kỷ luật VFF đều không đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi quá khích, mang tính chất holigan của một bộ phận CĐV Hải Phòng.
Rõ ràng, đây là vấn đề không mới với Ban Kỷ luật VFF, nhà tổ chức giải đấu cùng các CLB, những thành tố liên quan của giải đấu, và chính các CĐV chân chính. Vậy nhưng, biện pháp giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề thì đến lúc này vẫn chưa có.
Thế nên mới có chuyện, cứ sau mỗi lần Ban Kỷ luật đưa ra án phạt liên quan đến hành vi đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng là tranh cãi lại nổ ra. Đơn cử như lần này, phía CLB Hà Nội bất bình khi bị treo sân ở trận đấu quan trọng với CLB TP.HCM tại vòng 7 V-League 2019 diễn ra chiều 27/4.
Chủ tịch Hà Nội FC Nguyễn Quốc Hội nói lên nguyện vọng chân chính của các CĐV đội bóng Thủ đô rằng việc trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB TP.HCM, hai đội đang tạm dẫn đầu bảng xếp hạng V-League mùa giải, diễn ra trong sân Hàng Đẫy không có khán giả là một sự thiệt thòi lớn.
Và tất nhiên, không chỉ có ông Hội mà chính các CĐV Hà Nội FC hay những CĐV của CLB TP.HCM không thể hài lòng vì không được đến sân Hàng Đẫy cuối tuần này theo dõi trực tiếp trận đấu, thay vào đó phải quan sát diễn biến trên sóng truyền hình.
Ngay đối với CLB Hải Phòng, dù thoát được án treo sân Lạch Tray nhưng việc phải nộp tiền phạt lần thứ... n! vì CĐV đốt pháo chắc chắn không dễ chịu chút nào, nhất là trong bối cảnh đội bóng không có nhà tài trợ sau khi Asanzo đã rời đi, kinh phí hoạt động eo hẹp, lương thưởng cho cầu thủ và các thành viên BHL vẫn ít nhiều còn hạn chế.
Rất nhiều người, bộ phận đã bị liên lụy vì CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng nhưng vẫn phải chịu trận hết lần này đến lần khác và bất bình thì vẫn cứ là bất bình.
Ban Kỷ luật mỗi lần đưa ra án phạt đều chỉ có thể dựa trên chứng cứ, tư liệu có được, căn cứ vào Quy định Kỷ luật VFF được sửa đổi sau mỗi năm. Nhưng đã đến lúc hành vi đốt pháo sáng của một bộ phận, nhóm CĐV quá khích Hải Phòng vượt ra khỏi phạm vi bóng đá.
Không chỉ là đề xuất hay đề nghị mà đã đến lúc BTC giải, VPF, VFF phải có kiến nghị với Bộ VH, TT&DL, Bộ Công an xử lý dứt điểm vấn đề đốt pháo sáng. Sự chỉ đạo, phối hợp, giải quyết vấn đề pháo sáng cần phải được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ và rốt ráo, kịp thời hơn nữa bởi lẽ, treo sân một vài trận đấu, cấm CĐV Hải Phòng đi sân khách cổ vũ hoặc phạt tiền với mức kịch khung là 70 triệu đồng rõ ràng chỉ như muối bỏ biển và không đủ sức nặng để răn đe.
Bên cạnh đó, chính đơn vị tổ chức giải, BTC các sân đấu khi có sự hiện diện của CĐV Hải Phòng cũng cần tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn chứ không thể thờ ơ hay buông lỏng các biện pháp ngăn chặn pháo sáng.
Chỉ khi nào việc cấm đốt pháo sáng được áp dụng triệt để tại V-League thì án phạt hay bất bình vì án phạt mới không xảy ra.
Lâm Chi