Phan Gia Nhật Linh: Phải làm 'Số đỏ' với lối kể chuyện trào phúng
(Thethaovanhoa.vn) - Từ hàng chục năm nay, các thế hệ khán giả đã nhiều lần được xem những “nhân vật điển hình” như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, ông Tuýp-phờ-nờ... không chỉ trên trang sách, mà còn trên khá nhiều tác phẩm sân khấu và truyền hình. Chính vì vậy mà việc Phan Gia Nhật Linh chọn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng để chuyển thể điện ảnh vào lúc này là một tin khá bất ngờ.
Điều này cũng là bất ngờ với chính con cháu của Vũ Trọng Phụng. Bà Nghiêm Thị Phương Hằng (cháu gái út nhà văn) cho biết: “Điều này có ý nghĩa đặc biệt với gia đình, bởi việc được tái hiện nhiều lần trên cả sân khấu cũng như màn ảnh đã cho thấy giá trị và sức sống mãnh liệt của cuốn tiểu thuyết, cũng như giúp tác phẩm của ông có thể đến gần hơn với thế hệ bạn đọc sau này”.
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về lý do chọn chuyển thể tiểu thuyết này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết:
- Phan Gia Nhật Linh chuyển thể tiểu thuyết 'Số Đỏ' lên màn ảnh
- Nguyễn Nhật Ánh và Phan Gia Nhật Linh 'mời' xem 'Cô gái đến từ hôm qua'
- Bản thân tôi vốn là người thích bông đùa và châm biếm. Nếu ai từng theo dõi blog của tôi trong giai đoạn 2005 - 2010, hẳn đã từng đọc không ít những bài viết châm biếm các hiện tượng xã hội. Thế nhưng, cho đến nay, với hai phim đã trình chiếu (Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua), một phim đang làm hậu kỳ (Trạng Tí), một phim đang tiền kỳ (Em và Trịnh), tôi vẫn chưa có cơ hội để làm một phim châm biếm theo đúng cách mà tôi luôn mong muốn được làm.
Hơn thế, điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đã vắng bóng thể loại phim hài châm biếm. Chính vì thế, khi nhà sản xuất ngỏ lời mời chuyển thể tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ một năm trước, tôi đã không ngừng nghĩ đến việc phải làm phim Số đỏ với lối kể chuyện trào phúng - châm biếm để đem đến cho khán giả một gia vị khác.
* Vậy anh dự tính sẽ khai thác cuộc đời Xuân tóc đỏ theo hướng nào?
- Một trong những yêu cầu trong thỏa thuận đầu tiên với nhà sản xuất là phim này sẽ mang “màu sắc cổ trang” - tức vẫn giữ bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930, chứ không chuyển sang bối cảnh đương thời. Đây sẽ là một thách thức với nhà sản xuất, bởi kinh phí phim chắc chắn sẽ tăng, đồng thời đối tượng khán giả có thể bị hạn chế vì nhiều khán giả trẻ - vốn là đối tượng chủ yếu ra rạp xem phim hiện nay - chỉ quan tâm chủ yếu đến các phim về đời sống xã hội hiện thời.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, chất liệu ngồn ngộn từ nguyên tác đã đủ hấp dẫn để có thể tạo nên một tác phẩm điện ảnh lôi cuốn và thú vị. Khán giả sẽ thấy cuộc đời của Xuân tóc đỏ phản ánh một xã hội giả dối và kệch cỡm thời bấy giờ, với những con người cũng giả dối và kệch cỡm, mà có lẽ, thời đại nào cũng có.
* Hoàn cảnh của tiểu thuyết gốc so với cuộc sống hiện nay có nhiều điểm khác biệt, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng, nhất là ở việc phê phán thói hư tật xấu. Anh có dự định sẽ chú ý đậm vào những thói hư tật xấu không?
- Lý do lớn nhất mà tôi muốn làm phim này chính là vì tính phê phán của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị với xã hội ngày nay. Có rất nhiều điểm tương đồng - và đã được “nâng cấp” lên trong bối cảnh xã hội hiện đại - như sự kệch cỡm của một số người tự xưng là tầng lớp “thượng đẳng” trong xã hội, sự rởm đời của những kẻ “trưởng giả học làm sang”, đám “nhà giàu mới”, thói sính ngoại trong công cuộc “Âu hóa” với “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, hoặc công cuộc đấu tranh nữ quyền...
Và tôi nghĩ, tác phẩm điện ảnh Số đỏ cũng sẽ cố gắng tập trung cao độ thể hiện sự dị dạng của một số người trong xã hội hiện đại. Trong chừng mực nào đó, tôi cũng muốn bày tỏ một quan điểm, một thái độ với nhân vật chính của phim - một kẻ lưu manh bỗng chốc được lọt vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội và sống bám ở đó, cho đến khi hắn trở thành vị cứu tinh (!).
Chẳng phải trong tác phẩm Parasite (Ký sinh trùng) của Bong Joon Ho cũng phảng phất một ý tưởng như thế - những kẻ ở lớp dưới xã hội tìm cách ăn bám, sống ký sinh vào những kẻ thượng lưu? Ở đây, Xuân tóc đỏ tồn tại được, bởi chính sự giả dối, kệch cỡm và rất thủ đoạn, độc ác của những kẻ thường nói đạo lý.
* Đi theo hướng này, phim của anh sẽ định vị thể loại nào?
- Đây sẽ là một phim hài châm biếm, sau mỗi tiếng cười là một điều gì đó để chúng ta ngẫm nghĩ. Phim Việt Nam đã có rất nhiều phim hài, nhưng các phim hài châm biếm hầu như đã không có mặt trên màn ảnh rộng từ nhiều năm rồi. Tôi vốn là người yêu phim Việt từ nhỏ, đã từng yêu thích nhiều bộ phim hài châm biếm một thời như Thằng Bờm, Dịch cười, Thị trấn yên tĩnh… tôi thấy thật đáng tiếc khi dòng phim này không được khai thác tiếp tục.
* Với tư cách độc giả-nghệ sĩ, giờ đọc lại “ Số đỏ”, anh nhận ra những giá trị sống và những giá trị nghệ thuật nào?
- Như đã nói ở trên, điều thú vị khi đọc lại Số đỏ là bạn vẫn thấy nhiều điều mà Vũ Trọng Phụng phê phán và lên án gay gắt trong tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh xã hội hiện đại. Bằng lối kể chuyện trào phúng và dồn dập, ngồn ngộn chi tiết, cùng một thái độ khinh miệt các nhân vật của mình, Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên chân dung của những con người trong xã hội tư sản dưới thời Pháp thuộc đang từ bỏ các giá trị truyền thống để chạy theo lối sống tân thời Âu hóa.
Đến hôm nay, chúng ta vẫn có thể thấy không ít hạng người này vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại: những kẻ rũ bỏ các giá trị truyền thống và bản sắc Việt Nam, với tư tưởng phương Tây là văn minh tuyệt đối; những kẻ bị cuốn vào chủ nghĩa thực dân kiểu mới; những kẻ mà cư dân mạng thường chỉ mặt đặt tên là “hay nói đạo lý nhưng lại sống như…”.
* Anh có lo về những đặc thù trừu tượng văn chương sẽ khó lên được màn ảnh không?
- Tôi không lo, bởi mỗi loại hình nghệ thuật có một cách kể chuyện khác nhau. Tôi chỉ lo việc khác. Vũ Trọng Phụng năm xưa đã viết với tôn chỉ: “Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì cũng đúng sự thực”. Sẽ thật thụt lùi và đáng buồn cười nếu phim Số đỏ làm lại một chuyện năm xưa mà vấp phải quá nhiều giới hạn.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này. Chúc “Số đỏ” sẽ được thuận buồm xuôi gió.
Văn Bảy (thực hiện)