Phan Đăng Di làm giám khảo LHP Osaka: Phim Việt chẳng đến nỗi lép vế
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Phan Đăng Di đã lên đường đến LHP Osaka (Nhật Bản) làm giám khảo theo lời mời của BTC. Theo lời đạo diễn, Osaka là một LHP nhỏ nếu so với quy mô của Busan, LHP Hong Kong hay thậm chí một LHP khác khá đình đám ở Nhật là LHP Tokyo.
Lần thứ hai được mời làm giám khảo LHP quốc tế, anh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: “LHP Osaka có nét đặc thù là hướng trọng tâm vào phim châu Á với một bộ sưu tập khá đặc sắc, ưu tiên các phim nghệ thuật được cho là hơi khó xem”.* Cơ duyên nào đưa anh đến vai trò giám khảo của LHP Osaka?
- Tôi từng đến Osaka năm 2011 để chiếu Bi! đừng sợ!. Hôm tôi đến chính là ngày xảy ra trận động đất rồi sóng thần ở Tokyo. Thành ra suốt thời gian dự Osaka 2011 tôi không chỉ chiếu phim, xem phim mà còn chứng kiến luôn cả sự kiên cường của người Nhật. Trong lúc các hoạt động quyên góp diễn ra ngoài phố thì mọi hoạt động của LHP vẫn được duy trì bình thường, người Nhật hình như muốn chứng tỏ họ không hề nao núng ngay cả khi thảm hoạ xảy ra.
Ngay từ lần đầu tham dự tôi đã cảm thấy có thiện cảm với LHP này, nó có được một không khí gần gũi và giản dị không dễ gặp ở các LHP khác. Ban tổ chức rất thân tình với khách.
Chính vì vậy lần này khi nhận được lời mời trở lại để chiếu Cha và con và… cũng như tham gia vào Ban giám khảo quốc tế, tôi nhận lời ngay dù thực tế cũng đang bận cho việc chuẩn bị dự án All My Daughters tại LHP Hong Kong vào giữa tháng 3 này.
* Được biết LHP Osaka có 1 sự kiện dành riêng cho phim Việt Nam - Vietnamese Cinema Bloom - chiếu 6 phim, gồm cả phim thương mại lẫn nghệ thuật. Xin hỏi điều này có liên quan đến việc anh, một đạo diễn Việt Nam, là thành viên giám khảo không?
- Tôi không rõ lắm về việc này. Nhưng rõ ràng thời gian gần đây phim Việt đã được chú ý nhiều hơn trên bình diện quốc tế. Đó là nhờ chúng ta liên tục có phim giới thiệu tại các LHP lớn như Berlin, Cannes hay Venice.
Bản thân tôi từ khi có phim vào vòng dự thi của LHP Berlin năm 2015 cũng hay nhận được lời mời làm giám khảo tại các LHP quốc tế. Mặt khác, các phim thương mại Việt cũng mang một diện mạo hiện đại hơn, gần gũi với khán giả ngoài Việt Nam.
Tất cả những nét mới này ít nhiều tạo ra tín hiệu về một sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong mắt giới làm điện ảnh quốc tế, trong đó có các LHP. Và đây là một điều đáng mừng.
Tôi nghĩ, nhìn vào các phim trong Vietnamese Cinema Bloom của LHP Osaka năm nay chúng ta có thể tự tin nói rằng phim Việt chẳng đến nỗi lép vế khi đặt cạnh phim của các nước khác trong LHP này. Chỉ có điều phim nhà nước hoàn toàn thiếu vắng cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.
* Quay trở lại với sự kiện điện ảnh mà anh đồng sáng lập và điều hành - Gặp gỡ Mùa thu. Năm vừa rồi sự kiện này thu nhận được những gì từ phim và các nhà làm phim nước ngoài?
- Tất cả các hoạt động của Gặp gỡ Mùa thu các năm qua của chúng tôi đều hướng trọng tâm vào việc tạo nên một kênh giao lưu, hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ, với các đồng nghiệp quốc tế.
Dù với một nguồn lực hết sức nhỏ bé chúng tôi vẫn cố duy trì mục tiêu này vì chúng tôi nhận thức rằng, thiếu đi sự giao thoa và hợp tác quốc tế thì không cách gì chúng ta có thể giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra ngoài, không cách gì có thể giúp các nhà làm phim trẻ nắm bắt cớ hội làm phim và tham gia các LHP.
Thật may là với mục tiêu đó chúng tôi đã bắt đầu thu được kết quả. Học viên của chúng tôi đã có dự án được giới thiệu tại LHP Quốc tế Busan (2015) hay LHP Quốc tế Hong Kong 2016 vào tháng 3 tới đây.
Và vừa mới đây, Another City của Phạm Ngọc Lân - Học viên Gặp gỡ Mùa thu 2013 đã trở thành phim ngắn đầu tiên của Việt Nam được chọn vào vòng dự thi phim ngắn của LHP Berlin.
Đó là những tín hiệu ban đầu nhưng rất đáng mừng, cũng là động lực để chúng tôi và các nhà làm phim trẻ của Gặp gỡ Mùa thu tiếp tục nỗ lực cho ra đời nhiều bộ phim Việt chất lượng, để ít nhất chúng ta không còn vô danh trên bản đồ điện ảnh thế giới nữa.
* Cảm ơn anh!
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa